1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Đại gia bị siết nợ: Nhà đất ngàn tỷ ngân hàng thu giữ hết

Sau tòa cao ốc cao thứ ba TP.HCM Saigon One Tower, dự án chung cư 584 Tân Kiên cũng chịu cảnh bi thảm khi ngân hàng rao bán để xử lý nợ xấu nghìn tỷ. Gần đây, thị trường hé lộ hàng loạt dự án của các "đại gia" bị ngân hàng ráo riết siết nợ.

Nợ nghìn tỷ

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Sở giao dịch 2, mới đây đã ra thông báo bán đấu giá toàn bộ khoản nợ của Công ty CP đầu tư Y tế Việt Nam và Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Khai thác Công trình Giao thông 584 với tổng trị giá gần 1.100 tỷ đồng (bao gồm cả tiền vay và lãi phát sinh đến 31/7/2017). Giá đấu khởi điểm là 810,3 tỷ đồng.

Tài sản thế chấp là khu đất 174,5m2 và dự án Khu dân cư 584 Tân Kiên tại huyện Bình Chánh - TP.HCM, bao gồm 41.242 m2 đất cùng tài sản gắn liền trên đất là 2 tòa nhà chung cư cao 15 tầng, có tổng cộng khoảng 700 căn hộ. Dự án đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng vào giữa năm 2011, song có rất ít khách hàng đến nhận nhà.


Dự án nợ nghìn tỷ vẫn bất động

Dự án nợ nghìn tỷ vẫn bất động

Cách đây không lâu, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã tiến hành thu giữ tài sản đảm bảo là dự án cao ốc Saigon One Tower do Công ty CP Sài gòn One Tower làm chủ đầu tư nhằm mục đích xử lý, thu hồi khoản nợ xấu lên tới 7.000 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Hàng Hải (Maritime Bank) đã thông báo thu giữ giữ tài sản thế chấp là bất động sản tọa lạc tại 1/229 Khu Biệt thự Phú Gia (Phú Mỹ Hưng) lô H21, 22, 27, 28 số 1 Hà Huy Tập, phường Tân Phong, quận 7, TP.HCM vì lý do khách hàng vi phạm nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký kết. Thời gian thu giữ từ ngày đầu tháng 11.

Trong khi đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank chi nhánh Bình Chánh) cũng đã thông báo bán đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Vạn Hưng Phát với giá trị khoản nợ lên 161,5 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 62,7 tỷ đồng, còn lại gần 100 tỷ đồng là lãi. Tài sản là dự án Căn hộ tại số 339 đường Bông Sao (góc Tạ Quang Bửu) phường 5, quận 8 - TP.HCM. Giá bán khởi điểm lô đất dự án này là 63 tỷ đồng.

Sau 3 lần xin hoãn nhưng không giải quyết được nợ, Chi cục thi hành án dân sự tỉnh Long An vừa ra quyết định cưỡng chế kê biên tài sản đối với "siêu" dự án Happyland, do Công ty CP đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng Phú An (Công ty Phú An) làm chủ đầu tư. Happyland từng được quảng bá là khu phức hợp giải trí có quy mô lớn nhất Đông Nam Á.

Năm 2015, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam tại TP.HCM đã ra hai phán quyết buộc Công ty Phú An phải trả cho một công ty từ nước Nga số tiền hơn 5,125 triệu USD, trong đó hơn 4,5 triệu USD tiền gốc.

Năm 2016, Cục Thi hành án dân sự TP.HCM đã có 2 quyết định ủy thác cho Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An thi hành án. Ngoài ra, Công ty Phú An còn phải thi hành hơn 674 tỷ đồng do nợ của nhiều doanh nghiệp, cá nhân, đơn vị khác.

Đại gia xuống cấp

Thực tế, các dự án bị siết nợ đều có chung tình cảnh bi thảm. Khu dân cư 584 Tân Kiên đã từng lùm xùm từ chuyển đổi công năng từ chung cư thành bệnh viện. Tháng 8/2011, hàng chục người đã đóng 80-90% tiền mua nhà trong dự án này đã gây áp lực số đông, thậm chí treo biển phản đối khi hay tin chung cư sắp chuyển đổi thành bệnh viện 1.000 giường.

UBND TP.HCM đã quyết định tạm ngưng giải quyết các dự án phát triển đô thị mới cho công ty này cho đến khi giải quyết xong các tồn tại của các dự án cũ. Hiện tại, hàng loạt dự án của Công ty 584 đều bị chậm tiến độ giao nhà, xây dựng sai phép khiến khách hàng khiếu kiện kéo dài.

Là dự án tạo tiếng vang và được chờ đợi ở khu trung tâm thành phố, sau 2 năm khởi công, Saigon One Tower rơi vào bế tắc. Tính đến thời điểm ngưng thi công cuối năm 2011, ước 80% khối lượng công việc đã hoàn thành. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 256 triệu USD.


Tòa cao ốc đình đám tại TP.HCM

Tòa cao ốc đình đám tại TP.HCM

Các cổ đông sáng lập ban đầu là Ngân hàng TMCP Đông Á, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Đông Á và PNJ lần lượt thoái vốn; Công ty Cổ phần M&C thì ngưng hoạt động vì nợ thuế,... và dự án bị UBND TP.HCM cho thanh tra toàn diện.

Tại Hà Nội, Sông Đà Thăng Long cũng nợ đầm đìa. Sông Đà - Thăng Long đang có 2.209 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và dài hạn nhưng không có khả năng trả nợ. Nhiều nhà băng có mức cho vay lớn như BIDV là 118 tỷ đồng, Ngân hàng An Bình cho vay 213 tỷ đồng, Ngân hàng Quân đội cho vay 495 tỷ đồng, Ngân hàng Phát triển TP.HCM, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, VPBank,...

Đến 30/3/2017, công ty đã nhận được công văn về phương án xử lý đối với dự án CT2-105 UsilkCity của Ngân hàng Quân đội. Phương án chuyển nhượng/giải chấp dự án UsilkCity cho Công ty Cổ phần Hải Phát Phú Đô được phê duyệt. Giá trị giải chấp tối thiểu là 80 tỷ đồng.

Sau thực hiện thu hồi, công ty sẽ được Ngân hàng Quân đội áp dụng quy định thu nợ đặc biệt đối với phần dư nợ gốc còn lại của UsilkCity CT2-105 là 160 tỷ đồng, miễn giảm toàn bộ phần nợ lãi tương ứng với gốc vay với giá trị tương ứng 202 tỷ đồng.

Thị trường từng chứng kiến không ít ông lớn phải bán tháo dự án để thoát nợ. Năm 2012, Công ty cổ phần địa ốc Dầu khí (PVL) bán đấu giá dự án Petrovietnam Green House với mức khởi điểm 51 tỷ đồng. PVL cho biết đã đầu tư vào dự án trên 163,3 tỷ đồng, dự kiến lỗ khoảng 112,3 tỷ đồng. Hồi tháng 10/2011, PVL chấp nhập lỗ 70 tỷ đồng, bán tháo bán tháo dự án Petrovietnam Landmark tại TP.HCM.

Theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), chỉ riêng trên địa bàn TP có hơn 470 dự án đang bị đóng băng, phần lớn đây là khoản nợ xấu đã thế chấp tại các ngân hàng.

Nhiều chuyên gia nhận định, thời gian tới, khi các ngân hàng mạnh tay hơn, sẽ lộ diện nhiều đại gia bất động sản nợ nợ nần. Tuy nhiên, vấn đề đau đầu hiện nay, quyền lợi của người mua nhà sẽ được giải quyết thế nào vẫn là câu hỏi khó.

Theo Duy Anh
VietnamNet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm