Đại dự án 7.000 tỷ đồng tốc độ rùa
Với ý tưởng làm “sống” lại dòng sông bằng việc tiếp nước, cải tạo và đào mới lòng sông, dự án cải tạo sông Tích có tổng vốn đầu tư gần 7.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau gần hai năm khởi công, dự án đại thuỷ lợi này đang thi công với tiến độ rùa bò.
Trong khi ngân sách bỏ ra và tính hiệu quả của dự án vẫn là những câu hỏi chưa có câu trả lời.
Ứng vốn 255 tỷ, thực hiện 12 tỷ
Tháng 5/2011, “dự án tiếp nước, cải tạo, khôi phục sông Tích” chính thức được TP Hà Nội khởi công xây dựng. Nhiều mục tiêu, nhiều kỳ vọng được đặt vào đại dự án thủy lợi này.
Bởi theo lãnh đạo TP, việc làm “sống” lại dòng chảy sông Tích có ý nghĩa quan trọng, nhằm khai thác nguồn nước tự nhiên từ sông Đà, phục vụ sản xuất, cải thiện môi trường kết hợp phát triển hạ tầng giao thông, đồng thời góp phần phát triển du lịch, kinh tế - xã hội của các huyện, thị xã phía Tây.
Tổng mức đầu tư dự án khoảng 6.914 tỷ đồng, với nguồn vốn bao gồm: Vốn ngân sách thành phố hàng năm, trái phiếu Chính phủ, nguồn ODA, BT… và các nguồn huy động khác.
Sở NN&PTNT trong đó có Ban quản lý dự án sông Tích (Ban QLDA) được giao làm chủ đầu tư, còn Cty CP Tập đoàn xây dựng và du lịch Bình Minh (Cty Bình Minh) là đơn vị được chỉ định thầu thi công.
Do quy mô dự án lớn, nên UBND TP Hà Nội đã chia phân kỳ đầu tư làm 2 giai đoạn.
Theo đó, từ năm 2011-2013 (giai đoạn 1), tập trung làm “sống” lại sông Tích bằng việc xây dựng công trình đầu mối; đào mới 12 km sông từ Lương Phú tới đầm Long; nạo vét, cải tạo 28,5 km lòng dẫn từ đầm Long đến hết địa bàn thị xã Sơn Tây.
Từ năm 2014 đến 2015 (giai đoạn 2) hoàn thành nạo vét, tu bổ, nắn, chỉnh dòng chảy đoạn còn lại của sông Tích, từ cầu Ó (huyện Phúc Thọ) đến Ba Thá (xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức) dài 70 km.
Được biết, chỉ riêng năm 2011, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đã “rót” cho dự án để thi công giai đoạn 1 là 255 tỷ đồng.
Có điều, số tiền sau khi ký hợp đồng chủ đầu tư đã chuyển vốn tạm ứng cho đơn vị nhà thầu thi công khoảng 200 tỷ đồng qua Kho bạc Nhà nước, nhưng đến nay khối lượng thi công hai bên ghi nhận rất nhỏ so với khối lượng thi công của dự án.
“Hiện nhà thầu mới triển khai đào mới được khoảng 500m kênh dẫn nước tại địa phận xã Thuần Mỹ (tổng chiều dài kênh dẫn là 12 km); thi công mái kè sông Đà gần cống lấy nước đầu mối Lương Phú được khoảng 150m và thả được 300m dưới nền đáy sông. Đến nay, hai bên ghi nhận khối lượng thực hiện xây lắp ước đạt khoảng 12 tỷ đồng” - ông Đinh Công Sơn-Phó Ban QLDA sông Tích cho biết.
Thi công rùa bò vẫn xin thêm vốn
Theo đại diện Ban QLDA, ngoài việc tạm ứng vốn cho nhà thầu, hiện đã chi 80 tỷ đồng vào việc tạm ứng đền bù GPMB cho 10ha đất thuộc địa phận xã Thuần Mỹ (huyện Ba Vì).
Điều đáng nói, số tiền tạm ứng phục vụ GPMB được lấy từ nguồn vốn xây lắp do nhà thầu là Cty Bình Minh đề nghị tại Văn bản số 341 ngày 13/12/2011.
Ông Phạm Văn Sơn - Chủ tịch UBND xã Thuần Mỹ cho biết, toàn xã có 6 thôn thì cả 6 thôn đều bị ảnh hưởng bởi dự án sông Tích. Để làm dự án này, xã phải thu hồi gần 50ha đất hoa màu và đất thổ cư của khoảng 1.000 hộ gia đình.
Ông chủ tịch xã cho rằng, với dự án này, muốn đấu nối nước từ sông Đà để làm “sống” lại sông Tích thì phải đào sâu ít nhất 14m.
“Không biết họ thiết kế thế nào nhưng nhiều người cứ hỏi liệu nước có chảy vào được để làm sống lại sông Tích hay không? Tôi chỉ biết trả lời cái đó bên kỹ thuật tính toán thiết kế chứ mình làm sao biết được” - ông Sơn tâm sự. |
“Để tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ GPMB phục vụ thi công các hạng mục của gói thầu trong trường hợp dự án chưa được thành phố bố trí kinh phí cho GPMB. Theo đề nghị của Ban QLDA, Cty Bình Minh cam kết tạm ứng phần kinh phí xây lắp cho Ban QLDA chi phục vụ GPMB của gói thầu và không tính lãi. Khi được TP bố trí kinh phí GPMB xin được thanh toán” - văn bản nêu rõ.
Tuy nhiên, nếu so chiếu với Thông tư số 86 ngày 17/6/2011 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư thuộc nguồn ngân sách không thấy có quy định chủ đầu tư và đơn vị thi công tự “thỏa thuận” điều chuyển từ vốn xây lắp sang chi cho GPMB khi chưa được bố trí vốn GPMB.
“Đối với công việc GPMB thì mức vốn tạm ứng theo tiến độ thực hiện trong kế hoạch GPMB. Các bộ và UBND các cấp phải bố trí đủ vốn cho công tác GPMB”.
Ban QLDA cho rằng, lý do dự án đã khởi công gần hai năm nay nhưng đến nay vẫn chưa bố trí được vốn cho việc đền bù GPMB vì chưa hoàn thiện việc phê duyệt các phương án GPMB.
“Hiện ở giai đoạn 1 dự án, UBND huyện Ba Vì mới có quyết định thu hồi đất của 941 hộ gia đình với 33,7 ha của xã Thuần Mỹ. Cho nên đến thời điểm này chỉ mới tạm ứng tiền GPMB cho dân từ vốn tạm ứng của nhà thầu cho hơn 10ha để lấy mặt bằng khởi công dự án. Đúng là tiến độ dự án theo kế hoạch đề ra là chậm, nguyên do là chưa GPMB được và cũng chưa bố trí tiếp vốn cho dự án. Còn vì sao lại ứng tiền từ xây lắp thì thực ra không phải Ban QLDA lấy hay chỉ đạo mà thực tế Cty Bình Minh cũng muốn sớm có mặt bằng để triển khai dự án nên ứng qua Ban GPMB huyện để tạm chi trả cho dân lấy mặt bằng thi công” - đại diện Ban QLDA nói.
Theo ghi nhận của PV, hiện tại các hạng mục công trình đầu mối của dự án thi công rất ì ạch.
Tại khu vực thi công mái kè sông Đà gần cống lấy nước đầu mối Lương Phú, nhà thầu chỉ triển khai hai chiếc cần cẩu với một vài công nhân làm theo ca.
Cách đó không xa, tại hạng mục đào mới kênh thuộc địa phận xã Thuần Mỹ (tổng chiều dài kênh dẫn là 12 km), công trình ngổn ngang mà không thấy một bóng người hay phương tiện thi công nào của nhà thầu.
“Khi khởi công dân chúng tôi ai cũng vui mừng, nhưng giờ thấy lo vì gần hai năm mà thi công rất chậm chạp chưa biết bao giờ mới hoàn thành” - ông Lê, ở thôn 3 xã Thuần Mỹ nói.
Được biết, mới đây TP Hà Nội còn đề xuất Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội hỗ trợ tiếp số kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ để thực hiện giai đoạn tiếp theo của dự án.
Theo đề xuất, nhu cầu vốn trái phiếu Chính phủ, cho dự án này còn thiếu giai đoạn 2012-2015 là 1.076 tỷ đồng.
Theo Tiền Phong