Đại diện EU: Chúng tôi không lập “hàng rào” với hàng Việt Nam!
(Dân trí) - “Chúng tôi không lập hàng rào để cản trở hàng Việt Nam vào thị trường Liên minh Châu Âu (EU). Hàng Việt bị cảnh báo cấm nhập hoặc hạn chế nhập vào EU đa phần là phẩm chất thấp, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm của EU”.
Đó là khẳng định của ông Jean Jacques Bouflet, Tham tán Thương mại và Kinh tế của EU ở Việt Nam trước lo ngại EU sẽ áp dụng nhiều rào cản phi thuế quan trong thương mại song phương trong thời gian tới.
Trước đó, chỉ trong thời gian ngắn, phía EU đã nhiều lần cảnh báo hàng Việt Nam có thể sẽ bị cấm nhập vào EU do liên quan đến tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm, tồn dư kháng sinh và bán phá giá.
Năm 2015, Ủy ban Châu Âu (EC) đã 3 lần phát hiện 3 chuyến hàng nông sản nhập khẩu từ Việt Nam có vi khuẩn gây hại cho người tiêu dùng bị cấm. Cơ quan này tuyên bố sẽ cấm nhập rau quả Việt Nam nếu phát hiện thêm những vụ việc tương tự.
Năm 2014, 2 lần EC cảnh báo về thủy sản xuất khẩu của Việt Nam vào EU vi phạm tồn dư kháng sinh; một lần cảnh báo trong bao bì đóng gói hàng xuất khẩu từ Việt Nam có vi khuẩn gây hại từ gỗ. Trước năm 2011, EU đã ban hành lệnh chống bán phá giá với giày mũ da tại Việt Nam vào thị trường này và chỉ bãi bỏ vào năm 2011.
Đặc biệt, khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam (EVFTA) chính thức có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế quan 71% dòng thuế và hàng hóa từ Việt Nam vào EU. Tuy nhiên, trong danh mục các sản phẩm được xóa thuế, rất nhiều mã sản phẩm thuộc các hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như thủy sản, da giày, đồ gỗ… vẫn phải chịu thuế nhập và phải chờ đến 7 năm sau, nhiều mặt hàng này mới được bãi bỏ thuế hoàn toàn khi vào EU. Cá biệt, một số mặt hàng phải chịu giới hạn hạn ngạch (quota) khi xuất khẩu vào EU, trong đó đặc biệt là mặt hàng gạo, sản phẩm xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam.
Trả lời về những lo ngại cho rằng, EU sẽ sử dụng ngày càng nhiều hơn các chính sách phi thuế quan, các hàng rào tiêu chuẩn như hạn ngạch, vệ sinh thực phẩm, tiêu chuẩn kỹ thuật, sở hữu trí tuệ nhằm bảo vệ thị trường, hạn chế hàng nhập từ Việt Nam sâu EVFTA có hiệu lực, ông Jean đã lên tiếng phủ nhận.
Ông này nói: “các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm (SBS), tiêu chuẩn kỹ thuật (TBT) và quyền sở hữu trí tuệ… đối với hàng hóa thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng công nghệ tại thị trường EU hiện là tiêu chuẩn quốc tế. Chúng tôi không xây dựng cơ chế, hàng rào riêng cho từng nước mà đòi hỏi tất cả các đối tác, bạn hàng của EU đều phải tuân thủ và thực hiện như nhau”.
Theo đại diện của EU, thị trường và người tiêu dùng EU rất khắt khe đối với chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, tồn dư chất bảo quản, sự đồng đều sản phẩm, bao bì, nhãn mác… Các tiêu chuẩn này trong ngắn hạn, có thể sẽ gây khó khăn đối với nhiều hàng hóa của Việt Nam. Nhưng về dài hạn, đây là cơ hội để hàng Việt Nam đạt và vượt các tiêu chuẩn quốc tế và nâng cao năng lực cạnh tranh. Bởi hiện 28 nước trong EU đang có nền kinh tế và chính sách chung, có thu nhập bình quân 24.000 USD/người/năm, đây thực sự là cơ hội lớn đối với hàng hóa từ Việt Nam.
Ông Jean khẳng định: “Các doanh nghiệp (DN) Việt Nam không nên lo lắng về chính sách phi thuế quan, bởi trong thời gian qua, thương mại hai chiều EU - Việt Nam luôn thặng dư cho Việt Nam. Nhiều mặt hàng như dệt may, da giày, thủy sản, nông sản xuất khẩu, đồ gỗ… đã xuất khẩu tỷ USD và chiếm lĩnh thị trường EU. Đây là minh chứng cho thấy các bạn đã vượt qua, làm tốt và những kinh nghiệm quý báu này các bạn có thể nhân rộng trong thời gian tới”.
Trên thực tế những vụ cảnh báo cấm nhập, kiện bán phá giá có tần suất nhiều là những lo ngại đối với các DN Việt Nam bởi nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam hiện vẫn ở dạng thô sơ, xuất nguyên liệu; giá trị gia tăng đến từ xuất khẩu số lượng, khối lượng thay vì chất lượng. Mặt khác, quy trình sản xuất, chứng nhận xuất xứ, chỉ dẫn địa lý và các tiêu chuẩn Vietgap, globalgap… mới chỉ được thực hiện trong một số sản phẩm. Chính vì vậy, nếu không khắc phục sẽ có nhiều hàng Việt Nam bị cảnh báo và kiện tụng hơn.
Nguyễn Tuyền