Đại diện Cát Tường Group: "Vốn FDI sẽ tiếp tục đổ vào dệt may Việt Nam"
(Dân trí) - Ông Nguyễn Văn Tuấn - Phó chủ tịch thường trực HĐQT Cát Tường Group, chủ đầu tư dự án Khu công nghiệp dệt may sinh thái Rạng Đông (Aurora IP) - nhận định tích cực về tiềm năng thu hút vốn FDI của ngành dệt may Việt Nam.
Aurora IP là dự án khu công nghiệp đô thị - dịch vụ - sinh thái chuyên sâu cho dệt may, trong đó có phân khúc dệt nhuộm tại Nam Định, được định hướng sẽ từng bước phát triển nguồn nguyên liệu đầu vào bền vững cho Việt Nam.
Ngày 6/1, công trình cấp nước trạm bơm - tuyến ống CTe AQUA, cấu phần quan trọng trong cơ sở hạ tầng của khu công nghiệp, đã được khánh thành. Nhân dịp này, ông Nguyễn Văn Tuấn - Phó chủ tịch thường trực HĐQT Cát Tường Group - đã chia sẻ về tiềm năng thu hút vốn FDI của ngành dệt may Việt Nam và định hướng phát triển của Aurora IP trong thời gian tới.
Vì sao đang trong giai đoạn kinh tế biến động, Cát Tường Group vẫn quyết tâm đầu tư vào công trình cấp nước cho Aurora IP?
- Dệt may hiện là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất Việt Nam, đồng thời nước ta cũng là 1 trong 5 nước xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới. Mặc dù vậy, hiện nay, chúng ta mới đáp ứng khoảng 30% nhu cầu về vải cho dệt may trong nước, lệ thuộc khoảng 70% vào lượng vải ngoại nhập. Đây là hạn chế rất lớn cho sự phát triển ổn định, bền vững của toàn ngành.
Điều kiện tiên quyết để có thể sản xuất được vải là phải có nước. Vì vậy dù có khó khăn, chúng tôi cũng nhất định phải đưa nước về khu công nghiệp. Công trình cấp nước chính là cấu phần đặc biệt quan trọng và không thể thiếu đối với hoạt động của một của một khu công nghiệp đặc thù về tiếp nhận dệt nhuộm như Aurora IP.
Công trình cấp nước CTe AQUA gồm 2 trạm bơm trong đê và ngoài đê dẫn nước về khu công nghiệp qua hệ thống tuyến ống dài hơn 16km. Tổng công suất lên tới 170.000m3/ngày đêm, được thiết kế chuyên biệt cho lĩnh vực dệt nhuộm, đảm bảo đáp ứng nhu cầu xây dựng, sản xuất và vận hành cho toàn khu công nghiệp. Chúng tôi sử dụng nguồn nước đầu vào là nước mặt sông Đáy và kênh Bình Hải, giúp hạn chế tối đa việc khai thác nước ngầm và tác động lên môi trường.
Ông đánh giá thế nào về dòng vốn đầu tư vào thị trường dệt may của Việt Nam nói chung, cũng như Nam Định và Aurora IP nói riêng hiện nay?
- Tôi rất lạc quan về dòng vốn này. Trước khi Covid-19 bùng phát, dòng vốn đầu tư lớn đã đổ về Việt Nam, một năm có thể lên đến 40 tỷ USD Trong đó, một phần vốn không nhỏ được giải ngân vào ngành dệt may, khoảng 1 tỷ USD mỗi năm.
Dệt may là một ngành đặc thù, có tính liên kết cao. Việt Nam lại là điểm đến rất lý tưởng cho các nhà đầu tư vì có nguồn lực lao động tốt. Hơn nữa, dệt may là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu và tăng trưởng ổn định nên không có điều gì ngăn cản dòng đầu tư tiếp tục đổ vào Việt Nam.
Dệt may thường được đầu tư vào cả ngành kéo sợi và dệt vải, mà Aurora IP là một trong số những khu công nghiệp có thể tiếp nhận sản xuất vải. Tôi có thể khẳng định Aurora IP là môi trường đầu tư thuận lợi, hội tụ đủ điều kiện về cơ sở vật chất, pháp lý, tiềm lực phát triển để tự tin về dòng vốn FDI đã, đang và sẽ tiếp tục đổ vào.
Thời gian qua, chúng tôi đã và đang tiếp cận được những nhà đầu tư vào dệt nhuộm, dệt may công nghệ cao từ Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Hong Kong (Trung Quốc). Khi các chuyến bay quốc tế được nối lại, thế giới bước vào giai đoạn phục hồi sau Covid-19, Aurora IP sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn thu hút đầu tư, đón sóng sản xuất xanh vào Việt Nam.
Ông có thể chia sẻ về định hướng phát triển của Aurora IP trong thời gian tới?
- Chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng Aurora IP, vừa phục vụ nhu cầu sản xuất của khách hàng, vừa đảm bảo chất lượng môi trường xung quanh, đúng với cam kết về khu công nghiệp xanh - sạch - bền vững, mang đến một môi trường đầu tư lý tưởng và hệ sinh thái công nghiệp hướng tới thịnh vượng chung cho toàn bộ đối tác.
Mục tiêu lớn nhất là nội địa hóa sản xuất 1 tỷ mét vải mỗi năm, đồng thời góp phần giải quyết việc làm cho người lao động địa phương.
Với Aurora IP, Cát Tường Group luôn kiên định với sứ mệnh đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành dệt may, góp phần đưa Nam Định trở thành trung tâm dệt may của miền Bắc và nâng cao vị thế của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục kết nối với các nhà đầu tư có tầm nhìn xanh trong và ngoài nước để cùng chung tay xây dựng ngành công nghiệp dệt may bền vững toàn cầu.