Đại chiến taxi truyền thống với Grab, Uber: Tài xế taxi "một cổ nhiều tròng"

Cuộc chiến giữa taxi với Uber, Grab lên đến đỉnh điểm khi các hãng công nghệ "tung chiêu" giành khách, còn các hãng taxi đáp lại bằng cách điều chỉnh phương thức kinh doanh, và người chịu khổ chính là tài xế taxi.

Ngay sau khi Hiệp hội Taxi Hà Nội có đơn kiến nghị dừng khẩn cấp kế hoạch thí điểm các loại xe taxi công nghệ tại các địa phương trong tháng 9.2017, hàng loạt xe taxi của các hãng taxi truyền thống như Mai Linh, Vina, Mỹ Đình, Sao Thủ Đô… dán băng rôn dán ở đuôi xe có nội dung: "Yêu cầu dừng ngay việc cấp phù hiệu xe thí điểm vì phá vỡ quy hoạch" xuất hiện trên đường phố Hà Nội.

Anh Nguyễn Quang Tường – tài xế taxi Vina không đồng tình với chương trình thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý, kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, nên đã dán băng rôn vào đuôi xe biểu thị ý kiến với cơ quan chức năng, mong muốn Bộ GTVT có giải pháp, phương hướng hợp lý trong hoạt động chung của taxi.

Anh cho biết, hiện nay, tài xế taxi truyền thống phải chịu cảnh "một cổ nhiều tròng", cộng thêm việc lượng khách hàng giảm sút, khiến cho “hầu bao” của họ trở nên thất thu.


Taxi dán khẩu hiệu phản đối Quyết định 24 của Bộ GTVT. Ảnh: Cường Ngô

Taxi dán khẩu hiệu phản đối Quyết định 24 của Bộ GTVT. Ảnh: Cường Ngô

Muốn trở thành lái xe taxi của một hãng nào đó, tài xế phải đặt cọc một khoản tiền từ 10 – 15 triệu đồng, tùy chính sách mỗi công ty và làm việc để hưởng lương hàng tháng, song thu nhập từ hình thức này khá ít ỏi. Bên cạnh đó, tỷ lệ phân chia doanh thu giữa doanh nghiệp và lái xe không đồng đều, cũng khiến thu nhập của cánh lái xe lao đao.

Các tài xế tự bỏ tiền túi, chi trả các chi phí như đàm phí, phí nhiên liệu, phí vệ sinh, đóng phạt, sửa xe hay áp lực chạy đua doanh số tháng… Những áp lực “trên trời rơi xuống” đó buộc họ phải chịu giờ làm việc khắc nghiệt. Nhiều tài xế không chịu được áp lực phải bỏ cuộc chơi, chấp nhận mất tiền cọc ban đầu.

Những tài xế taxi không có điều kiện kinh tế phải mua xe trả góp của công ty thì ngoài lãi suất hàng tháng, họ còn chịu giá mua cao hơn giá xe thị trường, vì bao gồm “tệp đính kèm” là tiền thương hiệu.

Anh Tuyền – tài xế taxi Sao Hà Nội cho hay: Dù tự mua xe hay mua của công ty, tài xế đều sử dụng hình thức mua thương quyền từ các doanh nghiệp taxi và phải chịu nhiều khoản chi phí như thương hiệu hàng tháng, phí bảo hiểm, đồng phục, tiền công đoàn… tổng chi phí mất khoảng 6 triệu mỗi tháng. Trong khi đó, lượng khách hàng giảm đáng kể, việc này khiến anh chán nản.

Trong “cuộc chiến” giữa taxi truyền thống và Uber, Grab , thiết nghĩ, doanh nghiệp kinh doanh vận tải nên chia sẻ những khó khăn với tài xế, nếu không muốn họ “dứt áo ra đi”.

Mấu chốt quan trọng để các hãng taxi truyền thống hay Uber và Grab có thể tồn tại, đó chính là khách hàng. Để phát triển taxi truyền thống cũng cần chuyển mình, thay đổi tư duy kinh doanh vận tải và ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý.

Theo Cường Ngô
Lao động