Đại biểu Quốc hội: “Không bảo đảm mức lương tối thiểu dễ dẫn đến tiêu cực”

(Dân trí) - “Nếu lương tối thiểu trả cho cán bộ công chức không bảo đảm được mức sống tối thiểu sẽ dễ dẫn đến các hiện tượng tiêu cực. Họ sẽ quay qua hành dân, gây khó dễ cho doanh nghiệp…”, đại biểu Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh.

Đề cập tới việc tăng lương cho người lao động, bên hành lang Quốc hội và qua các phiên thảo luận, nhiều đại biểu bảy tỏ ý kiến.

Cần thiết phải tăng lương cho người lao động.
Cần thiết phải tăng lương cho người lao động.

Đại biểu Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: “Không nên lùi lội trình tăng lương

Vấn đề trả lương cho người lao động đã được Quốc hội thông qua Bộ Luật lao động sửa đổi năm 2012, trong đó Khoản 1 Điều 91ghi rõ:

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

“Mức lương tối thiểu là mức thấp nhất trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất, trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ”.

Khu vực ngoài nhà nước người lao động hưởng lương do người sử dụng lao động trả, Hội đồng tiền lương quốc gia đã họp 2 phiên và đi đến thống nhất là từ ngày 01/01/2015 lương tối thiểu sẽ tăng từ 14,5%-15% so với hiện tại (cho cả 4 vùng) đang trình Chính phủ thông qua để thực hiện.

Trong khu vực hưởng lương từ ngân sách nhà nước, Chính phủ đã có lộ trình tăng lương để đạt mục tiêu lương tối thiểu bằng mức sống tối thiểu.

Phân bổ ngân sách nhà nước năm 2015 vừa được Chính phủ trình Quốc hội đề nghị không tăng lương theo lộ trình, nhưng Quốc hội đang thảo luận bàn bạc và quyết định ngân sách năm 2015, nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội vẫn đề nghị giữ nguyên lộ trình tăng lương.

Quan điểm của tôi là không nên lùi lội trình tăng lương, cần thật tiết kiệm, tính toán thật kỹ và giảm các khoản chi chưa cần thiết. Nhất là các khoản chi cho hội nghị, hội thảo… để đảm bảo lộ trình tăng lương cho người lao động, nhất là đối tượng chính sách, người về hưu.

Nếu lương tối thiểu trả cho cán bộ công chức mà không bảo đảm được mức sống tối thiểu sẽ dễ dẫn đến các hiện tượng tiêu cực trong xã hội, họ sẽ quay qua hành dân, gây khó dễ cho doanh nghiệp, họ vui vẻ nhận phòng bì bôi trơn để có thêm thu nhập và đó là nguồn gốc của hối lộ, tham nhũng.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng): “Cần tập trung rà soát nguồn chi”

Cơ cấu chi ngân sách đang có những vấn đề, xét về mặt lâu dài đã bộc lộ những bất cập. Chúng ta đã dành quá nhiều ngân sách để chi thường xuyên, nghĩa là chi cho bộ máy, chi trả nợ, nguồn tiền còn lại chi cho đầu tư phát triển quá khiêm tốn.

Tôi đề nghị Chính phủ cần tập trung rà soát nguồn chi, kiểm soát chặt chẽ việc bố trí vốn cho những công trình, chấm dứt tình trạng khởi công xây dựng nhưng không bố trí được nguồn vốn cân đối. Cần khẩn trương rà soát lại tình hình thực tế giải ngân các dự án đầu tư từ ngân sách và nợ xây dựng cơ bản, xử lý nợ xấu. Vấn đề sử dụng và giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ, tháo gỡ những vướng mắc trong thủ tục, quy trình giải ngân để phát huy tác dụng các nguồn vốn đầu tư nhà nước, xem đây là một kênh rất quan trọng để kích thích tổng cầu. Bên cạnh đó cần sớm xem xét cải cách tiền lương.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội): “Ép tăng lương sẽ làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp”

Thu nhập của người lao động khó tăng nhanh do nguyên tắc tiền lương phụ thuộc vào kết quả sản xuất, kinh doanh, năng suất lao động và mức tăng thu nhập chậm hơn mức tăng năng suất lao động. Dù chi phí tiền lương cao sẽ buộc doanh nghiệp sử dụng lao động áp dụng máy móc, công nghệ hiệu quả hợn, nhưng nếu ép tăng lương bằng biện pháp hành chính, duy ý chí sẽ làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp, thậm chí làm tăng áp lực thất nghiệp.

Tôi đề nghị, trước mắt tập trung đổi mới quyết liệt và thực sự hơn trong đào tạo, tuyển dụng, đãi ngộ, trong đánh giá và tinh giảm biên chế, phòng, chống tham nhũng trong khu vực nhà nước. Cải thiện chế độ hỗ trợ người cần tinh giảm biên chế và hệ thống bảo đảm an sinh xã hội; tăng cường kiểm tra, giám sát an toàn lao động và việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Tôi cũng đề nghị ngành lao động, thương binh và xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các địa phương cần có sự quan tâm đặc biệt về phòng ngừa, cảnh báo cũng như hỗ trợ thiết thực, bảo về quyền lợi người lao động trong những doanh nghiệp bị phá sản, chủ doanh nghiệp bỏ trốn, nợ tiền lương, nợ bảo hiểm xã hội.

Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ): Tiếp tục chi nâng lương theo lộ trình”

Tôi đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, nhất là ngành thuế đã có nhiều cố gắng, nên thu ước đạt 846.400 tỷ đồng, tăng 63.700 tỷ đồng so với dự toán năm 2014. Qua theo dõi, tôi nhận thấy Chính phủ đã có nhiều giải pháp quyết liệt quản lý ngân sách nhà nước, thắt chặt kỷ luật tài chính, tiết kiệm chi công, tiêu công. Chính phủ đã trình Quốc hội phần thu được ưu tiên trả nợ và chi cho một số nhiệm vụ cấp bách về quốc phòng an ninh, an sinh xã hội.

Tôi cơ bản thống nhất và đề nghị dành một phần thu được để chi thêm cho người cao tuổi từ 180.000 đồng/tháng lên 275.000 đồng/tháng; Tiếp tục chi nâng lương theo lộ trình thực hiện ở năm 2015.

Đại biểu Trần Thị Hoa Sinh (Lạng Sơn): Sớm xây dựng đề án cải cách tiền lương”

Cần tiếp tục thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, ưu tiên người có công, xem xét, điều chỉnh lương đối với một số đối tượng có thu nhập thấp, sớm xây dựng đề án cải cách tiền lương. Có chính sách giải quyết dứt điểm cho đối tượng bị nhiễm chất độc da cam.

Tôi cũng đề nghị Chính phủ quan tâm về việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung, tổng kết, sơ kết, đánh giá chương trình giảm nghèo, giảm bớt đầu mối cho các cơ quan thực hiện, cắt bỏ những chương trình không hiệu quả để tập trung cân đối và cấp đủ vốn cho các chương trình giảm nghèo. Hiện nay, cấp vốn vào các danh mục đầu tư của chúng ta là không tương xứng.

Nguyễn Hiền
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”