1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Đại biểu Quốc hội giám sát quy hoạch chợ nông sản đầu mối

(Dân trí) - Theo nguồn tin của Dân trí, một đoàn giám sát với thành phần chính là các đại biểu Quốc hội vừa được thành lập để giám sát quy hoạch chợ nông sản đầu mối.


Một khu chợ đầu mối nông sản ở Hà Nội. Ảnh: Tin tức

Một khu chợ đầu mối nông sản ở Hà Nội. Ảnh: Tin tức

Đoàn giám sát sẽ thực hiện tình hình quy hoạch, xây dựng và phát triển mạng lưới chợ đầu mối, đồng thời nhận diện những điểm còn hạn chế để tháo gỡ những vướng mắc khó khăn cho các chợ này.

Chợ đầu mối nông sản là kênh tiêu thụ hiệu quả, kết nối được sản xuất với phân phối và tiêu dùng nông sản, đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, thúc đẩy không chỉ nông nghiệp mà thương mại và dịch vụ cũng phát triển. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra trong quá trình hoạt động của các chợ đầu mối trên địa bàn cả nước.

Theo đó, Đoàn giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội sẽ tập trung vào 3 nội dung cơ bản như rà soát thực trạng hệ thống các chợ đầu mối nông sản hiện nay, công tác tham mưu của các Sở, ngành, địa phương trong việc tổ chức chỉ đạo triển khai quy hoạch và xây dựng các chợ đầu mối nông sản; Đánh giá tính hiệu quả của các chợ đầu mối về quy mô, số lượng, hình thức phân bổ, tính kết nối của các chợ địa phương với hệ thống siêu thị…

Trên cơ sở kết quả quá trình rà soát thực trạng, Đoàn giám sát sẽ đánh giá những khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện và những tồn tại, qua đó kiến nghị các giải pháp hoàn thiện cơ chế chính sách trong thời gian tới, nhằm từng bước nâng cao chất lượng quy hoạch và xây dựng, đảm bảo việc quản lý quy hoạch được duyệt trên địa bàn thành phố.

Trên địa bàn TP Hà Nội có 454 chợ kể cả khu vực thành thị và nông thôn. Theo quy hoạch toàn thành phố đến năm 2030, Hà Nội sẽ có 596 chợ. Theo đề xuất mới nhất của UBND cấp quận huyện , trong giai đoạn 2017-2020 sẽ nâng cấp cải tạo 302 chợ, sử dụng vốn ngân sách khoảng 2490 tỷ đồng.

UBND TP đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo liên quan vấn đề đầu tư và quản lý phát triển chợ, các cơ sở chế biến, rà soát công tác PCCC, vệ sinh môi trường, các chương trình quản lý chợ, VSATTP, thu phí chợ theo giám sát của ban kinh tế HĐND TP hết sức rõ ràng rành mạch.

Trong giai đoạn 2012-2016 đã chuyển đổi mô hình quản lý kinh doanh khai thác 161 chợ, doanh nghiệp quản lý 103 chợ… tập trung đầu tư xây dựng mới và cải tạo với tổng vốn đầu tư 3.410 tỷ đồng.

Tính đến năm 2017, cả nước có 8.513 chợ; trong đó, chợ nông thôn chiếm 76%, thị phần hàng hóa lưu thông qua chợ nông thôn chiếm từ 50% -70%, cao hơn mức lưu thông qua chợ bình quân cả nước từ 35% - 40%. Có 94 chợ đầu mối bán buôn trên địa bàn cả nước (chiếm 1,1%).

Các địa phương hiện có số lượng chợ đầu mối nhiều nhất là Thanh Hóa 11 chợ; Quảng Bình 11 chợ; Hà Nội 7 chợ; Đồng Tháp 6 chợ; Hưng Yên 4 chợ; TP HCM 3 chợ… Các mặt hàng bày bán tại chợ đầu mối chủ yếu là hàng thủy hải sản tươi sống, rau củ quả, lương thực…

H.Anh

Đại biểu Quốc hội giám sát quy hoạch chợ nông sản đầu mối - 2