Đại biểu cảnh báo tình trạng kế toán “lách” luật, khai khống giá trị
(Dân trí) - Góp ý cho dự thảo Luật kế toán (sửa đổi) sáng 21/10, các đại biểu Quốc hội lo ngại, với khái niệm “giá trị hợp lý” và nội dung liên quan đến khái niệm này sẽ có thể tạo ra những kẽ hở cho kế toán khai khống, tạo giá trị ảo cho tài sản, gây thiệt hại cho cổ đông cũng như ngân sách nhà nước.
Trong phiên làm việc sáng nay (21/10), sau khi ông Phùng Quốc Hiển – Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật kế toán (sửa đổi), theo đúng lịch trình, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này.
Tuy nhiên, dự thảo Luật đưa ra chỉ có 4 đại biểu đăng ký phát biểu và buộc phải nghỉ sớm.
Góp ý cho dự thảo Luật, có ý kiến đề nghị thay cụm từ “giá trị hợp lý” bằng cụm từ “giá trị xác định lại” và xem xét lại nội dung khái niệm này. Cụ thể, theo dự thảo, giá trị tài sản và nợ phải trả được ghi nhận ban đầu theo giá gốc. Sau ghi nhận ban đầu, đối với một số loại tài sản hoặc nợ phải trả luôn biến động theo giá trị thị trường và giá trị của chúng có thể xác định lại một cách đáng tin cậy thì được ghi nhận theo giá trị hợp lý.
Đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) cho rằng, theo nội dung này thì sẽ cho phép kế toán điều chỉnh lại giá trị tài sản, sổ kế toán theo giá trị hợp lý, có thể tạo kẽ hở trong đánh giá tài sản, ghi giá trị ảo của tài sản và làm khó cho cơ quan quản lý trong kiểm soát, đánh giá.
Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cũng nhận định, cần phải bảo đảm sự chặt chẽ và thống nhất, tránh khả năng lợi dụng quy định này để làm sai lệch các thông tin kế toán; tránh gây ra những thiệt hại cho cổ đông, nhà đầu tư trong các công ty, tổ chức kinh doanh, các doanh nghiệp theo mô hình mẹ-con; tránh làm thiệt hại thất thu ngân sách nhà nước từ hoạt động của doanh nghiệp. Ông Vẻ đề nghị cần có sự sửa đổi trong dự Luật nhằm thể hiện rõ thời điểm đánh giá và ghi nhận những “giá trị hợp lý”.
Mặc dù vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng, về bản chất, không có sự khác biệt giữa thuật ngữ “giá trị hợp lý” hay “giá trị xác định lại”. Thực tế hiện nay, sử dụng cụm từ “giá trị hợp lý” là phù hợp với chuẩn mực kế toán quốc tế, phù hợp với thông lệ quốc tế khi tham gia hội nhập. Song tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, UBTVQH quy định: “Giá trị hợp lý là giá trị được tính toán lại, xác định phù hợp với giá thị trường, có thể nhận được khi bán một tài sản hoặc chuyển nhượng một khoản nợ phải trả tại thời điểm xác định giá trị”.
Góp ý thêm cho dự thảo Luật này, đại biểu Đỗ Văn Vẻ cũng cho rằng cần giải quyết được những bất cập về tính hiệu lực của hóa đơn điện tử trong thực tiễn. Mặc dù có giá trị tương đương song thực tế nhiều doanh nghiệp vẫn phải chuyển đổi “ngược” từ hóa đơn điện tử sang hóa đơn giấy. do vậy, ông Vẻ đề xuất cần quy định các cơ quan kiểm tra, thanh tra trong quá trình làm việc cần có những công cụ phù hợp với hóa đơn điện tử, không gây khó dễ cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, ông Vẻ cũng cho rằng, quy định về thời gian thanh tra, kiểm tra kế toán trong dự thảo Luật không quá 10 ngày là quá dài, cần rút ngắn lại không quá 5 ngày làm việc, trừ những trường hợp phức tạp, nhưng không được quá 10 ngày làm việc.
Dự thảo Luật cũng quy định, “bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột của người đại diện theo pháp luật, của Giám đốc, Tổng giám đốc và của Phó giám đốc, Phó tổng giám đốc phụ trách công tác tài chính - kế toán, kế toán trưởng trong cùng một đơn vị kế toán, ngoại trừ doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh” thì không được làm kế toán.
Tuy nhiên, theo ông Vẻ, trong thực tiễn không ít doanh nghiệp là công ty TNHH 2 thành viên trở lên do nhưng người thân cùng lập ra (luật không cấm) và con cháu, anh chị em ruột của họ có thể làm kế toán. Do vậy, đại biểu này đề nghị cân nhắc quy định trên cho phù hợp với thực tiễn.
Bích Diệp