Đà Nẵng: Nguy cơ đóng cửa các đường bay quốc tế

Mỗi hãng hàng không khi quyết định mở đường bay quốc tế trực tiếp đến Đà Nẵng đều có những lý do riêng, song điểm chung là xuất phát từ tiềm năng, nhất là lĩnh vực du lịch. Vậy mà cả ba đường bay quốc tế trực tiếp từ sân bay Đà Nẵng đều đang hoạt động kém hiệu quả, thậm chí có nguy cơ đóng cửa.

Tiềm năng lớn, hiệu quả thấp

 

Là đô thị trung tâm của khu vực miền Trung – Tây Nguyên, Đà Nẵng có hệ thống cơ sở hạ tầng khá hoàn chỉnh từ đường bộ, đường sắt, cảng biển, sân bay... Riêng từ sân bay quốc tế Đà Nẵng hiện có 3 đường bay quốc tế, trong đó, đường bay đến Singapore mới được khai trương vào tháng 1/2005, đường bay đi Đài Bắc khai trương trước đó một năm, còn đường bay đi Bangkok là do PB Air tiếp nhận lại của Thai Airways từ nhiều năm trước.

 

Giám đốc điều hành Silk Air (khai thác đường bay trực tiếp Đà Nẵng - Singapore) tại Đà Nẵng Ahmad Zuhri phát biểu: “Đà Nẵng là một trong những điểm đến có nhiều cảnh quan thiên nhiên độc đáo và kỳ thú nằm trong hệ thống mạng lưới đường bay của Silk Air và là điểm thứ hai ở châu Á có nhiều tiềm năng du lịch chưa được khai thác. 

 

Chúng tôi nhận thấy sự thay đổi nhanh chóng của Đà Nẵng trong việc xây dựng thương hiệu cho mình như là một điểm đến xinh đẹp nhất tại Đông Nam Á. Bên cạnh đó, là cửa ngõ của miền Trung, Đà Nẵng có vị trí thuận lợi cho du khách tham đến thăm 3 Di sản Văn hóa thế giới Huế, Mỹ Sơn và Hội An và tận hưởng những bãi biển đẹp làm say đắm lòng người. Chính điều này đã và sẽ làm cho Đà Nẵng có sức lôi cuốn du khách!”.

 

Phòng Quản lý du lịch (Sở Du lịch Đà Nẵng), đơn vị chịu trách nhiệm về việc xúc tiến các đường bay với nước ngoài cho hay: Để lập một đường bay quốc tế, cùng với nỗ lực của Sở Du lịch thì các hãng hàng không phải mất 4 – 5 năm thăm dò và khảo sát thị trường trước khi quyết định. Thế nhưng, hiệu quả khai thác đường bay đến Đà Nẵng lại đang làm đau đầu các hãng hàng không quốc tế.

 

Tuy được đánh giá là hoạt động khá bài bản, sử dụng Airbus A320 để chuyên chở hành khách với lịch bay 3 chuyến/tuần (thứ hai, tư, bảy), nhưng trung bình mỗi chuyến bay chỉ có trên dưới 20 hành khách thì quả là quá khó cho bài toán kinh doanh của Silk Air.

 

Hãng FAT Air (Khai thác đường bay trực tiếp Đà Nẵng - Đài Bắc) cũng đang hoạt động cầm chừng vì không có khách ổn định. Chỉ có BP Air nhờ sử dụng máy bay nhỏ, khoảng 50 chỗ ngồi nên đường bay đi Bangkok vẫn cầm cự được cùng với lịch bay 3 chuyến/tuần.

 

Để hạn chế thiệt hại, Silk Air đã thực hiện quá cảnh tại Siem Reap (Campuchia) trên đường từ Singapore đến Đà Nẵng với hy vọng khai thác nguồn du khách dồi dào đến với Di sản Văn hóa thế giới Angco. Tuy nhiên, tình hình lượng khách đến và đi từ Đà Nẵng trên đường bay này cũng không khả quan thêm mấy.

 

Cải thiện bằng cách nào?

 

Trong nỗ lực cải thiện tình hình, Silk Air đã mời nhiều đoàn fam-trip đến từ Mỹ, Australia và một số nước châu Á khác để thăm và tìm hiểu chương trình về đường bay Singapore - Đà Nẵng như là một điểm đến hấp dẫn. Đồng thời giới thiệu Đà Nẵng với các đại lý của Silk Air ở nước ngoài để hỗ trợ tăng cường hiệu quả của đường bay.

 

PB Air và FAT Air cũng đẩy mạnh nhiều hoạt động quảng bá, khuyến mãi tương tự. Nhưng quan trọng nhất theo ông Ahmad Zuhri: “Chúng tôi thực sự cần sự ủng hộ của hành khách, cho chúng tôi biết mình cần phải làm gì. Bởi đó mới chính là yếu tố quyết định đến hiệu quả của đường bay”.

 

Đại diện các hãng Silk Air, FAT Air và PB Air đều có chung nhận định, khó khăn mà họ đang gặp phải là lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng không ổn định, khách VN ra nước ngoài lại ít trong khi các tuyến bay vẫn phải duy trì ổn định nên chi phí quá lớn.

 

Theo Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Lương Minh Sâm: “Việc các đường bay quốc tế đến Đà Nẵng hiệu quả còn thấp là do tác động của nhiều yếu tố. Trước hết vẫn là tình hình kinh tế - xã hội tại miền Trung, phải phát triển đến đâu thì mới tạo được sự hỗ trợ cho đường bay cùng phát triển. Thứ hai là du khách đến miền Trung hiện chủ yếu là khách xuyên Việt, đi trong mấy ngày, tham quan mỗi địa phương một ít, chứ ít có khách trực tiếp từ nước ngoài đến thẳng Đà Nẵng...”.

 

Theo nguồn tin riêng, dù trên thực tế chỉ còn bay tháng 1 – 2 chuyến, song số phận của đường bay Đà Nẵng – Đài Bắc do hãng FAT khai thác cũng đang rất mong manh. Đến cuối tháng 9 rồi mà lịch bay mùa đông của hãng này vẫn chưa có. Đây quả là một thực tế đang đặt ra nhiều câu hỏi, buộc những ngành, những người có trách nhiệm phải suy nghĩ!

 

Ai cũng biết, việc duy trì và phát triển các đường bay quốc tế đến Đà Nẵng chắc chắn sẽ có tác động tích cực đối với tình hình kinh tế - xã hội trong khu vực trên nhiều mặt, đặc biệt là trên lĩnh vực du lịch và thu hút đầu tư nước ngoài.

 

Do vậy, trước tình hình khó khăn của các hãng hàng không quốc tế, chính quyền địa phương cần quan tâm, hỗ trợ trong công tác tuyên truyền, quảng bá về đường bay, nâng cấp sân bay theo tiêu chuẩn quốc tế... Đồng thời, Cụm cảng Hàng không miền Trung cũng cần có chính sách ưu đãi thoải đáng, như chính sách ưu đãi đối với sân bay quốc tế, chính sách giá...

 

Và một điều rất quan trọng là phải có quy hoạch lâu dài cho cả khu vực miền Trung khi xây dựng các sân bay. Hiện các sân bay trong khu vực này như Chu Lai, Phú Bài, Tuy Hòa... đều có kế hoạch nâng cấp và mở rộng theo tiêu chuẩn quốc tế. Điều đó hẳn sẽ dẫn tới sự cạnh tranh cao giữa các sân bay.

 

Chỉ tiếc sự cạnh tranh này do thiếu quy hoạch rõ ràng, cụ thể nên không những khó tạo ra được động lực cho phát triển mà còn làm ảnh hưởng đến việc khai thác nguồn khách, gây lãng phí chi phí đầu tư…

 

Theo VietNamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm