Đà Nẵng: Mở lại chợ, cửa hàng tạp hóa, các quầy cách nhau ít nhất 5 mét
(Dân trí) - Chợ truyền thống tại Đà Nẵng hoạt động lại sẽ không bán hàng trực tiếp cho người dân, chỉ thông qua tổ Covid-19 cộng đồng tại địa phương. Các quầy, sạp bán hàng nằm cách nhau tối thiểu 5 mét.
Ngày 26/8, ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch TP Đà Nẵng - đồng ý với đề xuất của ngành công thương về khôi phục, cho hoạt động lại các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố và các cửa hàng tạp hóa tại các khu dân cư nhằm giảm sức ép lên hệ thống siêu thị bị quá tải trong những ngày qua.
Theo đó, Chủ tịch TP Đà Nẵng cơ bản thống nhất về nguyên tắc khôi phục, cho hoạt động lại các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố theo đề nghị của Sở Công Thương.
TP giao Sở Công Thương chủ trì, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, đơn vị tại cuộc họp và có văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện. Trong đó, công tác phòng, chống dịch Covid-19 là yêu cầu bắt buộc: các Ban Quản lý chợ, các hộ tiểu thương, người lao động tại các chợ đã được tiêm vắc xin, thực hiện xét nghiệm PCR 3 ngày/lần, tuân thủ thông điệp 5K, sử dụng kính chắn giọt bắn, niêm yết giá bán tại quầy hàng.
"Không bán hàng trực tiếp cho người dân, chỉ bán hàng thông qua tổ Covid-19 cộng đồng tại địa phương, bố trí các quầy, sạp bán hàng cách nhau tối thiểu 5 mét, có rào chắn và kiểm soát chặt lối ra vào cổng...", trích thông báo.
Chủ tịch TP Đà Nẵng cũng giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với UBND các quận, Sở NN-PTNT và chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc xem xét, quyết định cho mở lại hoạt động các chợ cấp thành phố; đồng thời rà soát danh sách các doanh nghiệp thương mại đầu mối đăng ký hoạt động cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu.
Chủ tịch UBND các quận, huyện chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc xem xét, quyết định cho mở lại hoạt động của các chợ truyền thống thuộc quận, huyện, phường, xã quản lý. Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố chịu trách nhiệm về công tác thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ, cửa hàng tạp hóa.
TP Đà Nẵng cũng cho phép mỗi phường, xã có 3 xe tải để vận chuyển hàng hóa thiết yếu và một xe ô tô 5 chỗ phục vụ xử lý chung các tình huống phát sinh trên địa bàn phường, xã.
Về các cửa hàng tạp hóa, TP Đà Nẵng giao Chủ tịch UBND các phường, xã tổng kiểm tra, rà soát trên địa bàn để xem xét quyết định cho một số quầy tạp hóa hoạt động lại, thực hiện công tác đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 và chịu hoàn toàn trách nhiệm về vấn đề này.
Theo khảo sát của phóng viên, trong vài ngày qua, khi TP Đà Nẵng quyết định "ai ở đâu thì ở đấy" kéo dài thêm 10 ngày, từ ngày 26/8 đến 5/9, người dân gọi điện đến các siêu thị được phép mở cửa để đặt hàng nhưng rất khó khăn. Điện thoại ở các siêu thị bị tê liệt, người dân không thể đặt đơn hàng.
Chị B.H., nhà ở phường Thuận Phước, quận Hải Châu cho hay, việc mua hàng hóa ở siêu thị khó khăn nên chị chỉ mua qua tổ trưởng. Cũng may là tổ trưởng và tổ phó nơi chị sinh sống rất nhanh nhạy nên cứ 2-3 ngày, người dân lại có thực phẩm tươi sống để yên tâm "ở yên trong nhà" thêm 10 ngày tới.
Trong 2 ngày 24-25/8, việc mua hàng từ xa tại một số siêu thị lớn nhỏ rất khó khăn. Số điện thoại của các siêu thị liên tục báo bận khi được gọi đến. Khi có tín hiệu, người nghe máy yêu cầu chỉ nhận đơn qua tổ trưởng tổ dân phố.
Cũng có siêu thị đồng ý nhận đơn hàng lẻ chuyển qua mạng xã hội nhưng đề nghị khách chờ 3-4 ngày vì siêu thị đang bị quá tải, số lượng shipper ít, không thể đưa hàng đến ngay.
TP Đà Nẵng hiện đã cho phép lực lượng shipper với khoảng 900 người được hoạt động trở lại để giao nhận lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu. Người dân có thể yên tâm ở nhà, cũng có thể mua hàng qua các cửa hàng tạp hóa, chợ truyền thống.