Đà Nẵng: Mãi lực hàng tết giảm mạnh
(Dân trí) - Chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là đến tết Nguyên đán nhưng với 2 chợ lớn nhất Đà Nẵng là chợ Hàn và chợ Cồn thì bà con tiểu thương đang “đứng ngồi không yên” vì sức mua quá yếu so với năm ngoái.
Chị Hồ Thị Hà, chủ quầy giày dép số 255 tại chợ Hàn cho biết: “Năm nay sức mua hàng tết giảm khoảng 40 - 50% so với năm ngoái, lượng người đi xem đông nhưng người mua rất ít”.
Theo chị Hà, do tình hình kinh tế khó khăn chung nên ảnh hưởng rất lớn đến sức tiêu thụ hàng tết. Mặc dù giá cả không tăng so với ngày thường, mẫu mã phong phú nhưng hàng bán vẫn chậm.
Chị Hà là người có thâm niên bán giày dép ở chợ Hàn gần 10 năm nhưng theo chị chưa năm nào “đứng bán mà run” như năm nay vì vay tiền để trữ hàng bán tết, nếu bán không được thì hàng vẫn ôm mà nợ vẫn nợ.
Hàng bánh mứt vắng bóng người mua sắm tết. |
Thường vào dịp tết các mặt hàng bán chạy nhất là vải, áo quần may sẵn, giày dép, bánh kẹo các loại… nhưng theo một số tiểu thương ở chợ Hàn và chợ Cồn sức mua so với ngày thường không tăng hơn bao nhiêu. Trái lại do ảnh hưởng của không khí lạnh nên trời mưa lạnh suốt càng làm giảm sức mua của người dân.
Chị Lê Thị Nga, chủ quầy hàng 301- 302 ở chợ Hàn cho biết: “Hàng không tăng giá bao nhiêu so với ngày thường nhưng bán vẫn ế. Người đi đông nhưng chủ yếu là mua cho con nhỏ, còn người lớn thì chưa thấy mua sắm bao nhiêu”.
Theo chị, năm ngoái từ đầu tháng Chạp là ngày nào bán cũng được nhưng năm nay từ sáng đến giờ chưa bán gì, khách đi xem là chủ yếu. Ngày thường rất ít người mua, chỉ có hai ngày cuối tuần mới bán được “lai rai”.
Chị Nguyễn Thị Mỹ Hương chủ quầy thực phẩm chợ Cồn than thở: “Năm nay buôn bán không “khí thế” như các năm nên không dám đặt hàng nhiều, bán hết mới lấy thêm chứ không dám trữ sợ bán không được.
Một điều khiến các tiểu thương chợ Hàn, chợ Cồn cũng hoang mang lo lắng là qua tết UBND TP Đà Nẵng sẽ có kế hoạch di dời tiểu thương ở hai chợ nói trên đến một địa điểm khác để lấy mặt bằng xây dựng trung tâm thương mại nên hầu hết tiểu thương không dám mua hàng nhiều về bán sợ qua tết không biết bán cho ai.
Tuy nhiên, về phía người đi mua sắm Tết, theo nhận xét của chị Hà Thị Thu Hằng nhân viên văn phòng, thì thị trường vật giá các mặt hàng để người dân mua sắm Tết như áo quần, giày dép, thực phẩm đều tăng cao hơn so với mặt bằng giá Tết năm ngoái.
Ví dụ một đôi giày ủng bé gái năm ngoái cao nhất khoảng 170.000 đồng thì năm nay giá 280.000 đồng, giày dép các loại đều có giá thành cao hơn năm ngoái. Áo quần thì cao không kém, quần jean nữ năm ngoái chỉ cần 180.000 đồng là có quần đẹp, nhưng năm nay nếu có được quần đẹp vừa ý như năm ngoái phải mất trên 250.000 đồng...
Thu nhập của người dân không tăng, có khi còn giảm vì điều kiện kinh tế khó khăn, trong khi đó giá cả các mặt hàng mua sắm Tết quá cao, họ không mua sắm thoải mái mà chỉ mua sắm những gì thật sự cần thiết.
Chị Huỳnh Thị Kim Cương, chủ quầy bánh mức ở chợ Cồn cho biết: “Năm nay đặc biệt mặt hàng bánh mức tết của Trung Quốc hầu như không có mặt trên thị trường vì người tiêu dùng đã đề cao cảnh giác. Hầu hết bánh kẹo bày bán ở chợ là hàng trong nước có thương hiệu mẫu mã rõ ràng”.
Theo chị Cương đến bây giờ hàng vẫn bán không chạy bằng năm ngoái vì tình hình khó khăn chung.
Còn Trưởng Ban quản lý chợ Cồn Huỳnh Ngọc Quý cho biết, sức mua giảm do ảnh hưởng của tình hình sụt giảm kinh tế toàn cầu. Có mặt hàng giảm từ 10 - 20%, có ngành hàng giảm trên 30% như bánh, kẹo, tôm, cá, mực khô… “Không biết đến gần tết sức mua có sôi động lại không” - ông Quý lo lắng.
Giám đốc Sở Công thương TP Đà Nẵng Phan Văn Kha cho biết: Hàng tết năm nay trên địa bàn TP Đà Nẵng tương đối dồi dào, đáp ứng nhu cầu nhân dân nhưng sức mua yếu, do đó tiểu thương không dám trữ hàng vì càng trữ càng lỗ.
Theo ông Kha, nhu yếu phẩm phục vụ tết trên địa bàn không tăng giá nhưng hoa, quả, rau xanh có thể biến động vì ảnh hưởng của mưa lụt nên nhiều nhà vườn bị hư nhiều.
Công Bính