Đà Nẵng: Doanh nghiệp đấu giá đất bị thiệt hại hàng trăm tỷ đồng, kêu cứu lên Thủ tướng

(Dân trí) - Công ty Vipico (Hà Nội) vừa có thư kêu cứu gửi lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về kết quả của cuộc đấu giá quyền sử dụng đất tại Đà Nẵng mà Vipico cho rằng, quyết định xử lý của UBND TP Đà Nẵng đã gây thiệt hại nặng nề cho công ty này.

Trong đơn kêu cứu, doanh nghiệp này cho biết, vừa qua, trên các phương tiện truyền thông có đưa thông tin UBND TP. Đà Nẵng có báo cáo gửi Thủ tướng về việc xử lý trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất của Công ty Vipico. Trong đó, UBND TP. Đà Nẵng vẫn tiếp tục đòi huỷ kết quả đấu giá do Vipico chậm nộp tiền sử dụng đất 52 ngày.

Tuy nhiên, theo doanh nghiệp này, nhiều nội dung quan trọng đã không được nêu khách quan và trung thực trong báo cáo trên.

Cụ thể, trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND TP. Đà Nẵng đã không đưa các nội dung quan trọng là ý kiến của các Bộ, ngành liên quan (đa phần không đồng tình với việc hủy kết quả bán đấu giá). Ngược lại, văn bản này lại viện dẫn một vài trường hợp đồng ý hủy kết quả đấu giá của Công ty Cổ phần Vipico như để minh chứng cho việc UBND TP. Đà Nẵng làm là đúng.

Lô đất A20, Võ Văn Kiệt, phường An Hải, quận Sơn Trà, Đà Nẵng mà Công ty cổ phần Vipico trúng đấu giá.
Lô đất A20, Võ Văn Kiệt, phường An Hải, quận Sơn Trà, Đà Nẵng mà Công ty cổ phần Vipico trúng đấu giá.

Trao đổi với Dân trí, đại diện Công ty Vipico khẳng định với Thủ tướng rằng, việc nộp tiền sử dụng đất sau đấu giá được chia làm hai đợt. Trước ngày đến hạn nộp đợt 2, để tránh rủi ro xảy ra, công ty đã chủ động xin ý kiến UBND TP. Đà Nẵng về việc xin giãn thời gian nộp tiền đợt 2 và được phản hồi là chờ ý kiến của Bộ Tài chính.

Theo tìm hiểu của Dân trí, thực tế, Bộ Tài chính đã đề nghị Công ty cổ phần Vipico phải nộp tiền chậm nộp, tức là đã cho phép công ty được chậm nộp và nộp thêm khoản tiền phạt chậm nộp theo quy định.

Đáng chú ý, đây cũng là quan điểm của Sở Tư pháp TP. Đà Nẵng. Cụ thể, theo Sở Tư pháp Đà Nẵng, người trúng đấu giá có trách nhiệm nộp tiền đấu giá theo thông báo của Cục thuế. Nếu chậm nộp thì phải nộp tiền chậm nộp theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Việc hủy kết quả bán đấu giá của Công ty cổ phần Vipico là không phù hợp với quy định của Luật đấu giá tài sản.

“Vipico đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình. Như vậy, thời gian chậm nộp thực chất là làm theo yêu cầu chờ ý kiến Bộ Tài chính của UBND TP. Đà Nẵng. Vì thế, việc kiên quyết huỷ kết quả đấu giá của Đà Nẵng là rất vô lý”, văn bản gửi Thủ tướng của Vipico viết.

Vipico cho biết họ là doanh nghiệp mới “chân ướt, chân ráo” vào Đà Nẵng. Khi nghe những lời phát biểu của Thủ tướng đã kỳ vọng nhiều vào môi trường đầu tư ở đây. Đó chính là lý do, doanh nghiệp này tham gia đấu giá công khai, minh bạch và đã trúng đấu giá nhờ việc trả giá cao nhất 652 tỷ đồng cho lô đất A20, Võ Văn Kiệt, phường An Hải, quận Sơn Trà, Đà Nẵng.

Tuy nhiên, hơn 9 tháng sau khi nộp đủ 652 tỷ đồng và làm việc với nhiều đối tác để chuẩn bị cho dự án, UBND TP. Đà Nẵng lại đột nhiên dùng quyền lực hành chính nhà nước để không giao đất cho doanh nghiệp, đòi huỷ bỏ kết quả đấu giá.

"Doanh nghiệp khẳng định việc này có thể khiến thiệt hại hàng trăm tỷ đồng và đứng trước bờ vực phá sản. Chính quyền địa phương hành xử với doanh nghiệp với tư duy đòi lại đất, lấy tiền phạt cho bằng được, chứ không phải tư duy kiến tạo, phục vụ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển”, Vipico nói.

Chia sẻ với báo chí, doanh nghiệp này còn khẳng định rằng, Đà Nẵng đang đi ngược lại với chủ trương cắt giảm thủ tục hành chính, chỉnh đốn bộ máy, cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng Chính phủ kiến tạo của Thủ tướng thời gian qua.

Được biết, vừa qua, Cục Quản lý Xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật của Bộ Tư pháp, Câu lạc bộ pháp chế doanh nghiệp cũng đã có công văn gửi Ủy ban nhân dân TP Đà Nẵng, Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng bày tỏ sự không đồng tình với quyết định về xử lý kết quả cuộc đấu giá quyền sử dụng đất của Vipico tại thành phố này.

Hồng Vân-Hà Nguyễn

Đà Nẵng: Doanh nghiệp đấu giá đất bị thiệt hại hàng trăm tỷ đồng, kêu cứu lên Thủ tướng - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm