1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Hà Tĩnh:

Đã mắt với mô hình trồng dâu nuôi tằm xanh ngút ngàn trên mảnh đất cằn

(Dân trí) - Với khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương, anh Nguyễn Ngọc Tấn đã “biến” mảnh đất từng bỏ hoang dưới chân núi đá ở xã Kỳ Tân (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) thành 20 hecta dâu nuôi tằm xanh ngút ngàn…

Mô hình trồng dâu nuôi tằm quy mô lớn đầu tiên ở Hà Tĩnh.

Sinh ra và lớn lên trên vùng đất Kỳ Tân cằn cỗi gánh nhiều thiên tai, từng là giáo viên nhưng đồng lương ít ỏi, không phù hợp với máu làm giàu vốn sẵn trong người, năm 1997, anh Nguyễn Ngọc Tấn (SN 1974) quyết định rẽ hướng mới cho mình.

Năm 2006, sau gần chục năm ngược xuôi buôn bán, làm thuê đủ thứ nghề vẫn không mấy ăn thua, nhận thấy ở địa phương đất đai hoang hóa còn nhiều, với niềm tin bằng sức lao động có thể bắt đất “đẻ” ra tiền. Do đó, anh đã mạnh dạn làm đơn đấu thầu 40 hecta đất bỏ hoang khu vực dưới chân núi đá Cơn Tria (xã Kỳ Tân) để thực hiện quyết tâm làm giàu ngay chính trên mảnh đất quê hương cằn cỗi mà anh từng nung nấu.

Khi xong xuôi mọi thủ tục và được chính quyền chấp thuận, anh Tấn bắt tay vào công cuộc khai hoang phát triển mô hình trồng trọt các loại cây nông nghiệp như: Lạc, ngô, khoai, sắn… và chăn nuôi bò, lợn, gà. Tuy nhiên, mảnh đất vốn cằn cỗi, lại nhiều thiên tai bão lụt mùa màng khi được khi mất, chăn nuôi cũng gặp nhiều khó khăn vì dịch bệnh. Dù rất vất vả nhưng lợi nhuận hàng năm không được bao nhiêu.

Đã mắt với mô hình trồng dâu nuôi tằm xanh ngút ngàn trên mảnh đất cằn - 1


Sau nhiều trăn trở, tìm hướng đi mới, anh Tấn quyết định khăn gói đến các địa phương của tỉnh Nghệ An như: Diễn Châu, Diễn Kim, Quỳ Hợp… ở lại nhiều ngày để học cách phát triển nghề nuôi tằm.

Đã mắt với mô hình trồng dâu nuôi tằm xanh ngút ngàn trên mảnh đất cằn - 2

Tháng 9/2019, trở về quê với vốn kỹ thuật sản xuất và trình độ quản lý kha khá trong tay, anh Tấn thành lập HTX Trồng dâu - nuôi tằm công nghệ cao Việt Tấn với 7 thành viên và bắt tay ngay vào quy hoạch lại vườn, xây dựng nhà ươm nuôi và sản xuất kén tằm. Về kỹ thuật sản xuất, HTX liên kết với Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương hỗ trợ về giống, kỹ thuật trong những năm đầu.

(Trong ảnh: Anh Nguyễn Ngọc Tấn, ngoài cùng bên trái)

Đã mắt với mô hình trồng dâu nuôi tằm xanh ngút ngàn trên mảnh đất cằn - 3

Theo anh Tấn, qua tìm hiểu, nghiên cứu kỹ quy trình kỹ thuật ở các địa phương, nhận thấy trồng dâu nuôi tằm là nghề có chi phí sản xuất thấp, cây dâu sinh trưởng và phát triển tốt trên nhiều loại đất. Chỉ sau 4-6 tháng trồng là dâu có thể cho thu hoạch lá và một lần trồng có thể cho thu hoạch liên tục từ 15-20 năm.

Đã mắt với mô hình trồng dâu nuôi tằm xanh ngút ngàn trên mảnh đất cằn - 4

Tằm là loài rất dễ nuôi, mau cho thu lợi, thu nhập thường xuyên trong năm, ít rủi ro. Đặc biệt, ngoài kén tằm là sản phẩm chính, nghề nuôi tằm còn cho nhiều sản phẩm phụ có giá trị cao như: nhộng tằm, phân bón cho cây cảnh….

Đã mắt với mô hình trồng dâu nuôi tằm xanh ngút ngàn trên mảnh đất cằn - 5
Đã mắt với mô hình trồng dâu nuôi tằm xanh ngút ngàn trên mảnh đất cằn - 6

“Khi lứa sản phẩm đầu tiên được xuất xưởng, tôi khá ngạc nhiên và phấn khởi khi không chỉ đảm bảo các tiêu chí về năng suất, mẫu mã mà nhiều mẻ kén còn vượt trội so với các cơ sở sản xuất ở Nghệ An” - Giám đốc HTX Nguyễn Ngọc Tấn phấn khởi chia sẻ.

Đã mắt với mô hình trồng dâu nuôi tằm xanh ngút ngàn trên mảnh đất cằn - 7

Kỹ sư Hoàng Minh Tuấn, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương cho biết, mô hình trồng dâu nuôi tằm của anh Tấn mới vào năm thứ 2, sang năm sau đạt sản lượng đỉnh cao của dâu.

Đã mắt với mô hình trồng dâu nuôi tằm xanh ngút ngàn trên mảnh đất cằn - 8

“Với một hecta dâu có thể cho ra 2 tấn kén trở lên với giá thời điểm hiện tại khoảng 140.000đồng/kg, đây là giá rất tốt. Tương lai anh Tấn mở rộng thêm diện tích, có thể được xem là mô hình trồng dâu nuôi tằm cá nhân lớn nhất cả nước” – kỹ sư Tuấn nói.

Đã mắt với mô hình trồng dâu nuôi tằm xanh ngút ngàn trên mảnh đất cằn - 9

Ông Nguyễn Thế Quỳnh, Chủ tịch Hội nông dân xã Kỳ Tân cho biết, mô hình trồng dâu nuôi tằm của HTX Trồng dâu - nuôi tằm công nghệ cao Việt Tấn là mô hình trồng dâu đầu tiên tại địa phương, mặc dù mới cho kết quả bước đầu nhưng đã khẳng định rất rõ triển vọng. Tính sơ bộ mỗi ha dâu sẽ cho 2 tấn kén/năm, doanh thu trên 300 triệu đồng/ha, lợi nhuận gần 150 triệu đồng/ha/năm, cao hơn rất nhiều các loại cây bản địa.

Đã mắt với mô hình trồng dâu nuôi tằm xanh ngút ngàn trên mảnh đất cằn - 10

“Trên địa bàn xã Kỳ Tân đang có hơn 200 hecta đất hoang hóa, chúng tôi tiếp tục theo dõi, nếu hiệu quả từ phát triển dâu tằm đạt được như mong muốn, sẽ tham mưu cho các cấp ngành, có chính sách mở rộng diện tích và từng bước phát triển đại trà trên phạm vi toàn xã, có thể là toàn huyện theo hình thức tổ chức liên kết chuỗi sản xuất do HTX là đầu mối cung ứng giống (cây dâu và con giống tằm), vật tư phân bón, chuyển giao kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho người dân.” – ông Quỳnh nói.

Đã mắt với mô hình trồng dâu nuôi tằm xanh ngút ngàn trên mảnh đất cằn - 11

Ông Quỳnh cho biết thêm, ngoài mục đích phát triển kinh tế, HTX Trồng dâu - nuôi tằm công nghệ cao Việt Tấn còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 25 lao động địa phương với thu nhập 5 - 8 triệu đồng/tháng; ngoài ra còn có hàng chục lao động thời vụ.

Tiến Hiệp