“Đã có kịch bản cho hậu WTO”

“Kịch bản” hậu WTO của Việt Nam sẽ được triển khai thế nào? Từ Geneva, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm tiết lộ: "Chính phủ đặc biệt tập trung vào việc đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực để nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh mới".

Phó thủ tướng cho biết thêm: Vừa qua Bộ Thương mại đã được giao chủ trì đề án “hậu WTO” để trình lên Chính phủ, dự kiến trong vài ngày tới Chính phủ sẽ họp bàn triển khai. Để thực hiện kế hoạch này phải căn cứ vào những tác động tích cực cũng như những tác động tiêu cực sau khi Việt Nam gia nhập WTO.

Trong đó sẽ có một số giải pháp chính là làm sao nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước. Giải pháp này sẽ được thực hiện thông qua đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh gọn lại bộ máy, giảm tối đa những chi phí không đáng có trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Đặc biệt, Chính phủ sẽ tập trung vào việc đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực. Đây chính là cách nâng cao sức cạnh tranh của Việt Nam trong bối cảnh mới.

Ngoài ra, sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm sao cho mọi người dân có thể nắm rõ được những thông tin trong lĩnh vực của mình mà Việt Nam vừa cam kết thực hiện với WTO. Trong vài ngày tới Chính phủ sẽ cho công bố toàn bộ nội dung cam kết, từ đây mọi người dân có thể tìm hiểu để có bước đi phù hợp trong giai đoạn mới.

Là thành viên của WTO, Việt Nam phải cắt bỏ trợ cấp cũng như các biện pháp hỗ trợ  trực tiếp. Chính phủ sẽ có những giải pháp nào để vẫn có thể giúp cộng đồng doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh mà không vi phạm các qui định của WTO?

Nếu theo những cam kết về việc giảm thuế đối với hàng hóa, mở cửa thị trường trong dịch vụ... vẫn có nhiều lĩnh vực chúng ta được bảo lưu, có lĩnh vực chúng ta phải làm ngay, tất cả Chính phủ đã lường tính được.

Đối với việc cắt giảm trợ cấp, hiện nay trợ cấp xuất khẩu thì chúng ta đã cắt rồi, còn lại những dạng trợ cấp trực tiếp khác thì không đáng kể.

Trong kế hoạch hậu WTO, chúng ta sẽ tập trung giúp nâng cao năng lực cạnh tranh đối với cộng đồng doanh nghiệp trong nước bằng các biện pháp hỗ trợ gián tiếp mà WTO cho phép. Trong đó, Chính phủ tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, thu hút thêm các nguồn vốn đầu tư vào năng lượng, đường, cảng biển…

Nếu những việc này chúng ta làm tốt cũng có nghĩa giúp cộng đồng kinh doanh giảm bớt được chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh; và đây chính là vấn đề sống còn khi chúng ta gia nhập WTO.

Môi trường kinh doanh được cải thiện hơn nữa, tôi tin rằng sẽ giúp chúng ta đạt được hai mục tiêu lớn trong thời gian tới là Việt Nam sẽ ra khỏi những nước chậm phát triển vào năm 2010 và đến năm 2020 trở thành nước công nghiệp phát triển.

Theo Xuân Toàn
Báo Tuổi trẻ