Cửu vạn đêm, thức trắng kiếm tiền triệu

Lao động chân tay ở Hà Nội như phá dỡ nhà cũ, dọn vườn, sửa ống nước... không chỉ sống tốt mà còn kiếm bạc triệu mỗi đêm. Họ gọi đùa đó là những nghề “ráo mồ hôi là ráo tiền”.

Nghề phá dỡ, dọn dẹp nhà cũ

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh ở đường Hoàng Hoa Thám muốn phá dỡ căn nhà cũ 14m2 để xây bếp nên tính sẽ phải thuê người. Chiều tối, bà ra chợ Bưởi kiếm được hai thanh niên, với mức tiền công phá dỡ, vận chuyển gạch vữa là 2 triệu đồng.

Bà nghĩ, chắc cũng phải mất 2 ngày mới xong. Tuy nhiên, sáng hôm sau, bà thấy căn phòng cũ đã được phá dọn xong xuôi, sạch sẽ. Hai thanh niên thì tranh thủ chợp mắt vì đã thức cả đêm để làm.

"Chúng cháu làm xong sớm còn ra đứng đợi xem có ai gọi để kiếm thêm chút ạ", một trong hai thanh niên gãi đầu gãi tai giải thích khi thấy bà Thanh tròn mắt ngạc nhiên.


Lao động chân tay, nghề đổ mồ hôi mới có tiền.
Lao động chân tay, nghề đổ mồ hôi mới có tiền.


Quê ở Thọ Xuân, Thanh Hóa, anh Nguyễn Tiến Bình (sinh năm 1973) đã có vợ và con nhỏ ở quê, do nông nhàn nên tranh thủ ra "chợ người" ở Hà Nội bán sức lao động. Anh tâm sự, nghề của anh cứ "ráo mồ hôi là ráo tiền". Cậu còn lại tên Long, năm nay mới 20 tuổi, phải bỏ học đi theo anh Bình kiếm chút tiền nuôi mẹ già bệnh nặng ở quê.

Cũng từng phải thuê người đến sửa mái nhà bị mối mọt ăn mất một thanh gỗ và thay 2 bộ bản lề cũ kỹ, bà Nguyễn Thị Thanh Nga ở Cầu Giấy, Hà Nội thuê 2 lao động làm. Chỉ trong vòng 3 tiếng họ đã kiếm được 1 triệu đồng. Hai anh này kể hầu như ngày nào cũng có người gọi đi sửa chữa nhà cửa, có nhà còn sửa nhiều lần thành quen nên "kiếm cũng được".


Hai thanh niên đang lợp lại mái nhà cho bà Nga.

Nghề sửa chữa đồ điện, ống nước

Bị hỏng đường dẫn nước, bà Xuân ở Xuân La, Tây Hồ nhờ anh Vũ - thợ sửa ống nước quen - đến xem và sửa hộ. Sau khi xem xét, anh Vũ cho hay phải thay toàn bộ 35m đường ống, bởi ống cũ đã hỏng, với chi phí tổng cộng 1,3 triệu đồng (cả công). Chiều cùng ngày, với sự giúp đỡ của cậu con trai 10 tuổi, anh mang ống nước đến thay mới toàn bộ cho gia đình bà Xuân, chưa đầy 2 tiếng đã xong.

"Tôi sửa ống nước 20 năm rồi. Quen tay, quen mắt nên thấy hỏng hóc ở đâu thì phát hiện ra ngay. Khách cứ gọi suốt, chẳng mấy khi được nghỉ. Có khi nửa đêm khách gọi cũng đi, nhờ đó mà cũng kiếm được tiền triệu", anh Vũ khoe.


Thang, dây điện... đồ nghề sửa chữa của anh Tung.
Thang, dây điện... đồ nghề sửa chữa của anh Tung.


Chuyên nhận sửa điều hòa, tủ lạnh, lò vi sóng, anh Đỗ Thế Tung ở Cầu Giấy (47 tuổi, quê ở Nam Định) tâm sự cũng khá vất vả vì đôi khi toát cả mồ hôi mà không tìm ra chỗ hỏng hóc. Bù lại, mỗi chiếc anh lấy tiền công từ 200.000 đến 250.000 đồng. Nhờ đó, anh nuôi 3 đứa con học đại học và vợ anh cũng ra Thủ đô bán hàng nước kiếm sống.

Làm cửu vạn đêm

Ở góc khuất của cuộc mưu sinh nơi Hà Thành mà ít ai thấy là những dáng vẻ lom khom, oằn mình với những chuyến hàng nặng trĩu trên vai - những nữ cửu vạn tại chợ đầu mối Long Biên.

Nữ cửu vạn đi làm đêm ở chợ đầu mối Long Biên, Hà Nội.
Nữ cửu vạn đi làm đêm ở chợ đầu mối Long Biên, Hà Nội.


Các loại hàng hoá như táo, dưa, cam, xoài, cải bắp... được các nữ cửu vạn chuyển ra xe, sau đó bốc, vác lên thùng. Những thùng hàng nặng 40-50kg, thậm chí có những xe hàng 5 đến 7,8 tạ. Nặng là thế nhưng ai cũng cố gắng, bởi lẽ, xe hàng càng nặng tiền công được trả càng cao.

Chị Văn Thị Hải - một trong nữ cửu vạn tại chợ Long Biên, cho hay, những ngày hàng về nhiều, thu nhập của chị từ 500.000 đến 700.000 đồng.

Lau nhà, dọn cỏ


Đàn ông cũng làm nghề dọn vườn.
Đàn ông cũng làm nghề dọn vườn.


Một cách kiếm tiền khác là đi dọn nhà, lau nhà hay dọn cỏ trong những khu biệt thự.

Chị Hiền, 45 tuổi, quê ở Đan Phượng, Hà Nội ban đầu đi thu mua đồng nát. Sau đó, thấy lau dọn nhà cửa cho thu nhập tốt hơn, chị liền bỏ để theo công việc này. Tính ra, mỗi giờ lau dọn nhà chị kiếm được 50.000 đồng, ngày tết là 70.000 đồng. Nhà rộng, chị làm từ 4 giờ chiều đến tận 12 đêm mới xong, cộng với buổi sáng thì chị cũng kiếm được cả triệu đồng một ngày.

Theo Thu Nga
VEF
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước