Cướp nhãn hiệu

Lợi nhuận thường còn cao hơn cả buôn ma túy, rủi ro lại ít vì luật lệ lỏng lẻo, kinh doanh hàng giả mạo đang được thống trị bởi nhiều băng nhóm tội phạm quốc tế và gây thiệt hại hàng tỷ đôla cho nền kinh tế.

Theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) tổng giá trị hàng giả được mua bán hằng năm lên đến khoảng 500 tỷ euro, gấp đôi ngân sách quốc gia của Đức.

Hiện nay hàng giả đã chiếm lĩnh 1/10 thương mại thế giới. Cứ 3 CD thì có một là được sao chép trái phép. Áo thi đấu của Michael Ballack, giày thể thao Nike, Viagra và thuốc ngừa thai, bộ lọc dầu và thiết bị đánh lửa, tất cả đều bị làm giả. Tiết kiệm được phí tổn nghiên cứu và tiếp thị, những người giả mạo có thể tung ra thị trường hàng nhái với giá rẻ mạt.

Vua hàng giả

Giấu mình trong một căn nhà cao tầng tại Bắc Kinh, Wang, một trong những "vua hàng giả", chào mời hàng qua Internet trên trang web www.made-in-china.com. Được chất đầy lên đến tận trần trong căn phòng 20 m2 là những chiếc túi xách phụ nữ mang nhãn hiệu Balenciaga, Bottega Vaneta và Marc Jobs.

Chiếc “Saddle Gaucho Bag” mà Claudia Schiffer rất thích mang được Wang chào bán với giá 800 nhân dân tệ. Hàng thật do Christian Dior sản xuất có giá 1.500 euro. Wang gửi hàng qua bưu điện và container đến Nhật, Anh và Mỹ.

Quần áo, phụ kiện may mặc, mỹ phẩm và nước hoa chiếm 1/3 tổng số hàng giả trên thế giới; phần mềm máy tính chiếm 35%; 25% là video, DVD và CD. Trong khi đó, đồng hồ Thụy Sĩ giả mạo được bán nhiều hơn là thật, 40 triệu chiếc giả so với 26 triệu đồng hồ thật. Gần như không có một lĩnh vực sản phẩm nào mà không có hàng giả mạo.

Tại Anh, mỗi ngày trung bình có 1 triệu điếu thuốc lá giả bị tịch thu. Cứ 12 điếu thuốc là có 1 điếu thuốc giả thường chứa các chất gây ung thư cao gấp 5 lần thuốc lá thật.

Ngay trong lãnh vực công nghệ cao cũng có giả mạo. Theo dự đoán của Alexandros Alavanos, nguyên là nghị sĩ châu Âu, 2% các phụ tùng thay thế máy bay là giả mạo. Mary Schiavo, cựu thanh tra an toàn hàng không Mỹ, đã từng tiết lộ từ giữa thập niên 1990 là ngay chính chiếc máy bay Air Force One của tổng thống Mỹ cũng đã chứa nhiều bộ phận giả mạo.

Quy mô công nghiệp làm hàng giả đang lay chuyển nền móng của nền kinh tế phương tây vì từ kem thoa da và nước hoa, quả pin và chip máy tính cho đến kiểu dáng ôtô, kỹ thuật tàu chạy trên đệm từ trường, tất cả đều bị làm nhái.

Vua hàng giả Wang vuốt nhẹ qua làn da chiếc túi xách “Birkin” của Hermès, một chiếc túi mà chỉ có tiền không thôi cũng chưa thể mua được - nếu như không phải là túi giả. Muốn mua một chiếc túi xách này phải chờ đến nhiều năm.

Đối với nhiều phụ nữ, “Birkin” là một cách thể hiện địa vị của mình trong xã hội như một chiếc ôtô Rolls-Royce cho giới đàn ông. Wang và đối tác cũng không tằn tiện khi làm giả chiếc túi xách này. Da của cá sấu con cũng được mua ở Mỹ như Hermès và để bảo đảm chất lượng, Wang đã thuê thợ may người Ý làm việc trong các hãng may bí mật. Wang bán chiếc túi này chỉ với giá 3.000 đôla, để mua hàng thật khách hàng ở Mỹ phải trả gần 25.000 đôla.

Tội phạm lớn nhất của thế kỷ 21

Kinh doanh hàng giả mạo đã nằm trong tay của tội phạm có tổ chức từ lâu. “Cướp nhãn hiệu sẽ trở thành tội phạm lớn nhất của thế kỷ 21”, Maria Livanos, Thư ký Phòng Thương mại Thế giới tại Genève tiên đoán. Lợi nhuận thường còn cao hơn cả buôn bán ma túy mà rủi ro thấp vì luật lệ lỏng lẻo.

Trong năm 2003 chỉ có 106 người trong số 2.425 tình nghi phạm tội tại Đức bị xử phạt tiền, không có một ai bị phạt tù giam. Mới đây nhân viên hải quan Đức tại cảng Hamburg đã tịch thu 20 container với 250.000 túi xách, dây thắt lưng và ví mang nhãn hiệu Louis Vuitton.

Giá trị đợt hàng giả mạo này được phỏng đoán vào khoảng 1 triệu euro. Trong vòng 10 năm qua, số vụ hàng giả bị tịch thu tại Đức đã tăng từ 506 lên 7.217 vụ và đấy chỉ là phần nổi của một núi băng khổng lồ, vì chỉ có vào khoảng 5% hàng hóa là được kiểm tra.

Theo số liệu của công ty tư vấn doanh nghiệp A. T. Kearney, thiệt hại do hàng giả mạo gây ra cho nền kinh tế Đức là 25 tỷ euro hằng năm, làm mất 70.000 việc làm.

Ngay tại Đức ngày càng nhiều hàng giả xuất hiện trong cửa hàng. Chuỗi siêu thị bán hàng rẻ tiền Aldi đã bị mắc lừa khi mua máy báo khói giả, lúc có hoả hoạn mà nó vẫn câm nín. Loạt hàng giả này xuất xứ từ Trung Quốc, ngay đến dấu niêm kiểm tra sản phẩm cũng được làm giả hoàn hảo.

Nhà thiết kế thời trang nổi tiếng Tommy Hilfiger đã phải nhờ tòa án ra lệnh tạm thời cấm bán sơ mi và áo polo trong các cửa hàng của chuỗi siêu thị Real. Real đã đưa đơn chống án và vụ kiện này hiện vẫn đang còn tiếp diễn.

Theo Phan Ba
VnExpress/Stern