Cuốn sách kinh tế bán chạy nhất Trung Quốc

(Dân trí) - Cuốn “Cuộc chiến tranh tiền tệ”, viết về dòng họ tài phiệt Rothschild, đang là sách bán chạy nhất tại Trung Quốc. Theo đó, những sự kiện lớn trong lịch sử, như trận đại bại của Napoleon ở Waterloo hay cuộc khủng hoảng tài chính châu Á..., đều có liên quan đến đế chế ngân hàng Rothschild.

Trong cuốn sách này, tác giả Song Hongbing liệt kê một loạt sự kiện lớn xảy ra trong khoảng 200 năm nay, như vụ Napoleon thất bại ở Waterloo, cái chết của 6 tổng thống Mỹ, sự thăng tiến của Hitler, sự sụp đổ của nền kinh tế Nhật bản, cuộc khủng hoảng kinh tế ở châu Á hay tình trạng môi trường đang bị tàn phá như hiện nay, mà theo ông đều liên quan đến dòng họ Rothschild.

 

Tờ Financial Times cũng đồng quan điểm với tác giả Song, vì chính Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng đang nằm trong tay một số ngân hàng tư nhân, trong đó có Citibank, còn các ngân hàng tư nhân này do gia đình Do Thái Rothschild kiểm soát.

 

Trong suốt 200 năm qua, Rothschild là một trong những dòng họ tài phiệt có thế lực nhất thế giới. 

 

Cuốn “Cuộc chiến tranh tiền tệ” được đặc biệt chú ý vì xuất bản đúng vào thời điểm tại Trung Quốc đang diễn ra cuộc tranh luận sôi nổi về vấn đề mở cửa thị trường tài chính trong nước. Theo Financial Times, cuốn sách đã gây ra một bất ngờ lớn và được giới lãnh đạo chính trị và kinh tế Trung Quốc đặc biệt quan tâm.

 

Nhà xuất bản cho biết khoảng 200.000 cuốn sách đã bán hết, và khoảng 400.000 bản nữa thuộc diện in lậu cũng đã được lưu hành bất hợp pháp trên thị trường.

 

Tác giả cuốn sách, ông Song cho rằng đồng bào mình bị lúng túng trước sự vận động trên các thị trường tài chính quốc tế và nhiều người không biết phải chống chọi với những mối hiểm nguy thực sự này như thế nào. Do đó, cuốn sách sẽ cung cấp cho họ những thông tin cơ bản.

 

Ông viết: "Bản thân tôi cũng thực sự giật mình khi phát hiện ra rằng ngay cả Fed cũng bị ngân hàng tư nhân dẫn dắt", mặc dù 7 thành viên Hội đồng quản trị của Fed là do chính phủ chọn lựa.

 

Ngoài ra, tác giả cũng khẳng định rằng cuốn sách này hoàn toàn không bài xích người Do Thái. “Người Trung Quốc coi người Do Thái là những người giàu có và khôn ngoan, vì thế chúng tôi muốn học hỏi,” ông nói.

 

Ông Jon Benjamin, chủ tịch Hội đồng quản trị Hiệp hội Do Thái ở Anh thừa  nhận: “Người Trung Quốc khâm phục sự thông minh và nhạy bén trong kinh doanh của người Do Thái, họ không có tư tưởng bài trừ Do Thái. Cuốn sách cũng phản ánh những định kiến khi nhận định về người Do Thái và về ảnh hưởng to lớn của người Do Thái”.

 

Việt Phương

Theo Spiegel