Tân chủ tịch WP:

“Cuối năm nay Việt Nam có thể gia nhập WTO”

Tân chủ tịch Ban công tác về đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam (WP), ông Eirik Glenne, đã bày tỏ lạc quan về triển vọng Việt Nam có thể gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào tháng 12/2005.

Trong cuộc gặp gỡ báo chí vị tân chủ tịch người Na Uy cho biết:

Tại cuộc họp không chính thức của WP ngày 20/5 tại Geneva, tôi đã nhấn mạnh rằng VN và các đối tác nên kết thúc đàm phán trước tháng chín năm nay để có thể đạt mục tiêu gia nhập ngay cuối năm nay.

Và rất đáng mừng là VN đang cho thấy những nỗ lực rất cao trên các bàn đàm phán song phương. VN vừa hoàn tất đàm phán với Hàn Quốc, đàm phán với Nhật Bản đang đi theo tiến trình tích cực và có thể nói gần như sắp kết thúc. Với đối tác lớn nhất là Mỹ, hai bên đều cho thấy quyết tâm đạt được một thỏa thuận trong tháng sáu này.

Ông Eirik Glenne sinh năm 1946, được Đại hội đồng WTO cử làm chủ tịch mới của Ban công tác về đàm phán gia nhập WTO của VN từ giữa tháng 2/2005.

Ông từng là đại sứ Na Uy tại Malaysia và Thụy Điển và hiện là đại sứ Na Uy tại WTO. Ông là vị chủ tịch thứ hai của Ban công tác về đàm phán gia nhập WTO của VN thành lập tháng 1/1995, kế nhiệm cựu chủ tịch Ho Seung quốc tịch Hàn Quốc.

Như vậy, thời gian biểu cho đàm phán song phương là đầy hứa hẹn cho tiến trình gia nhập. Về khía cạnh đa phương, sau cuộc họp ngày 20/5, một số thành viên WP đã gửi câu hỏi về bản chào mới nhất của VN và chúng tôi sẽ làm việc với những ý kiến mới này tại phiên họp đa phương chính thức tổ chức vào tháng chín tới.

Cuộc họp này có ý nghĩa quan trọng nhằm tiến tới hoàn thành bản báo cáo cuối cùng của WP.

Một chuyên gia thương mại của Mỹ cho rằng VN chỉ có thể hoàn tất các đàm phán song phương vào tháng 12-2005 và chính thức gia nhập WTO vài tháng sau đó. Quan điểm của ông thế nào?

Hiện tại còn rất nhiều việc phải làm nhưng tôi nghĩ VN có thể gia nhập WTO tại cuộc họp bộ trưởng của WTO tại Hong Kong tháng mười hai năm nay. Bản thân tôi sẽ cố gắng hết mình để góp phần biến mục tiêu này thành hiện thực.

Nhưng chúng ta cũng biết rõ là câu trả lời cho “có thể” hay “không thể” phụ thuộc rất lớn vào nỗ lực của VN và các bên liên quan từ đây cho đến cuối năm. Theo các ý kiến mà tôi nhận được, các thành viên đều rất ấn tượng với nỗ lực của VN trong việc sửa đổi và thông qua các luật mới nhằm phù hợp với qui định của WTO.

Trong khi đàm phán đang đi vào giai đoạn nước rút, nhiều tổ chức phi chính phủ đã lên tiếng về việc VN đang bị ép phải đưa ra những cam kết “WTO cộng” (cao hơn những yêu cầu đối với các thành viên hiện hữu). Các tổ chức này cho rằng VN với vị thế một nước thu nhập thấp sẽ bị thiệt nhiều hơn là hưởng lợi từ WTO nếu phải chịu những điều kiện khắt khe như vậy?

Quan điểm của tôi là không nên phán xét về các điều kiện một khi nó vẫn chỉ ở trên bàn đàm phán. Theo nhìn nhận từ bản thân, tôi không thấy một quốc gia nào lại không được hưởng lợi từ WTO, cách này hay cách khác. Không nước nào muốn rút ra khỏi WTO mà ngày càng nhiều quốc gia muốn tham gia tổ chức này.

Tôi tin nền kinh tế VN nói riêng và đất nước VN nói chung cũng sẽ hưởng lợi từ việc gia nhập WTO như tất cả các nước khác.

Xin cảm ơn ông.

Theo Tuổi trẻ

Dòng sự kiện: Gia nhập WTO

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm