Cuộc đua tăng vốn điều lệ : Đã có đích đến

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 141/2006/NĐ-CP về danh mục mức vốn pháp định của các tổ chức tín dụng, trong đó quy định đến năm 2008, mức vốn pháp định tối thiểu đối với ngân hàng TMCP là 1.000 tỷ đồng; đến năm 2010 sẽ là 3.000 tỷ đồng.

Yêu cầu này đã làm cho cuộc đua tăng vốn điều lệ của các ngân hàng TMCP ngày càng nóng lên.

Kẻ thong thả, người gấp rút
 
Quy định này nhằm tăng cường khả năng tài chính của các ngân hàng, một yêu cầu hàng đầu khi nước ta bước vào môi trường cạnh tranh hậu WTO. Thực tế thời gian vừa qua, các ngân hàng TMCP trong nước cũng đã chủ động tăng vốn điều lệ, việc này đã diễn ra từ đầu năm và đang vào giai đoạn nước rút.

Hiện tại Sacombank có vốn điều lệ trên 2.000 tỷ đồng và dự kiến sẽ tăng lên 2800 tỷ đồng sau khi chia cổ tức trong quý 1 năm 2007, nên sức ép tăng vốn điều lệ không lớn. ACB hiện có 1.100 tỷ đồng nhưng sẽ tăng lên trên 2.000 tỷ đồng vào năm tới. Hiện vốn điều lệ của Eximbank là 1.600 tỷ đồng và VIB Bank cũng vừa tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng cách đây vài ngày.

EAB cho biết đầu năm sau cũng sẽ tăng vốn điều lệ lên 50% sau khi bán cổ phần cho ngân hàng nước ngoài. Nhiều ngân hàng khác cũng sẽ bước vào “câu lạc bộ 1.000 tỷ đồng” trong năm sau, như SCB, An Bình, Saigonbank, OCB…

Theo nhận định của các chuyên gia, sức ép tăng vốn điều lệ không lớn ở các ngân hàng có quy mô lớn hoặc bậc trung nhưng đối với các ngân hàng có quy mô nhỏ hoặc vừa chuyển đổi mô hình từ ngân hàng nông thôn sang đô thị sẽ có khó khăn. Đây cũng là thời điểm thích hợp để các ngân hàng nhỏ tăng tốc cho lộ trình tăng vốn vì hiện giá trị cổ phiếu các ngân hàng đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Các ngân hàng trong nước có lợi thế là am hiểu thị trường, mạng lưới rộng khắp, nhưng thực tế hầu hết đều yếu về năng lực tài chính và công nghệ quản lý. Chính vì vậy, các ngân hàng đang cấp thiết tăng vốn điều lệ để có khả năng đầu tư phát triển công nghệ. Nếu các ngân hàng chậm chân trong lĩnh vực này thì cầm chắc sự mất thị phần trong tương lai gần.

Theo quy định, khi có vốn 1.000 tỷ đồng thì tài sản có của ngân hàng có thể huy động được tới 20.000 tỷ đồng và lợi nhuận mỗi năm đem lại cũng lớn hơn, quy mô hoạt động cũng bao quát hơn.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, việc phát hành ồ ạt cổ phiếu cũng chính là điểm yếu trong hoạt động nếu không có giải pháp thích hợp. Bởi vì trong cuộc chạy đua tăng vốn sẽ kéo theo các cuộc chạy đua khác như thu hút nhân lực, mặt bằng, mở rộng mạng lưới…

Nhiều cơ hội lựa chọn sản phẩm mới

Tăng vốn điều lệ ngân hàng là yêu cầu tất yếu để tăng năng lực nội sinh trong bối cảnh hội nhập, là nền tảng để các ngân hàng đưa ra nhiều sản phẩm mới phục vụ đại chúng. Hiện nay các ngân hàng cũng đã đầu tư rất lớn cho việc phát triển công nghệ, như Sacombank đã chi hơn 4 triệu USD cho việc ứng dụng hệ thống corebanking, VIB Bank đầu tư hơn 3 triệu USD cho hệ thống ngân hàng đa năng.

Đặc biệt thời gian qua EAB đã đầu tư khá nhiều tiền vào công nghệ để cuối năm 2006 sẽ triển khai một loạt các dịch vụ hiện đại, đem lại lại các tiện ích tối đa cho khách hàng cá nhân, các doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia, việc đầu tư vào các dự án hiện đại hóa công nghệ thể hiện các ngân hàng cam kết phục vụ với chất lượng tốt hơn đối với khách hàng và nâng cao thương hiệu của mình trong thương trường hiện nay.

Việc mở rộng mạng lưới hoạt động cũng được các ngân hàng triển khai nhanh trong thời gian gần đây. Đã có hàng trăm chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng được mở ra. Hầu hết các ngân hàng có vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng trở lên đều đã có mạng lưới hoạt động từ 55 đến 100 điểm giao dịch trên cả nước.

Bên cạnh một hệ thống dịch vụ tài chính đa dạng, nhiều lựa chọn cho khách hàng thì việc phủ hoạt động xuống các huyện, thậm chí các xã, sẽ giúp người dân tiếp cận dịch vụ ngân hàng dễ dàng và thuận lợi.

Theo ông Trần Ngọc Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, tăng vốn pháp định theo quy định là phù hợp với khả năng phát triển hiện nay của ngân hàng nội địa. Điều quan trọng là làm sao sử dụng vốn một cách hiệu quả.

Theo Thái Anh
Báo SGGP