Cuộc đua lãi suất ngân hàng: Sẽ bùng nổ sốt ảo

(Dân trí) - Các ngân hàng liên tiếp tăng lãi suất tiền gửi. Nguyên nhân nào dẫn tới việc tăng lãi suất ồ ạt này và tác động của nó tới khách hàng và thị trường vốn ra sao? Dân trí đã có cuộc trao đổi với bà Dương Ánh Tuyết - Giám đốc chi nhánh Hà Nội Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB).

Thưa bà, bà đánh giá thế nào về đợt tăng lãi suất dây chuyền của các ngân hàng thời gian gần đây?

Việc các ngân hàng thời gian qua nối tiếp nhau tăng lãi suất tiền gửi không hẳn là vì lý do thiếu vốn, cần huy động vốn. Bản chất của việc tăng lãi suất lần này là để giữ thị phần của mình trên thị trường.

Mỗi ngân hàng tăng lãi suất để hút khách gửi tiền dễ dẫn tới sự chuyển dịch vốn từ ngân hàng này sang ngân hàng khác. Để giữ khách, ngân hàng cạnh tranh cũng phải tăng lãi suất, tăng khuyến mãi. Vậy là việc tăng lãi suất tiền gửi thành một dây chuyền.

Nhưng theo tôi, đây không phải là biện pháp tích cực. Nó dễ dẫn đến sự bất ổn của thị trường tiền tệ. Nên tìm cách để giữ nguồn vốn ổn định cũng như lượng khách hàng thường xuyên, khách hàng thân thuộc thì tốt hơn.

Vậy là việc này có dấu hiệu bất thường đối với thị trường?

Cuộc đua lãi suất ngân hàng: Sẽ bùng nổ sốt ảo - 1
  

Bà Dương Ánh Tuyết

Vấn đề tăng lãi suất hay là khuyến mãi đúng ra phải là sự kiện bất thường đối với doanh nghiệp. Nhưng khi liên tiếp tăng, mỗi tháng có một loại khuyến mãi, hết đợt này tới đợt khác thì nó lại trở thành bình thường, hiển nhiên. Việc này không hẳn là tốt, vì nó tạo ra tính bất ổn, tăng trưởng nóng với mỗi ngân hàng, với thị trường.

Cuộc đua tăng lãi suất này nên xác định một giới hạn nhất định để tránh những bất biến không kiểm soát được. Gánh nặng đè lên các doanh nghiệp sẽ rất lớn.

Vào thời điểm này, Ngân hàng nhà nước cần phải "cầm trịch" thị trường, cần phải kìm hãm việc tăng lãi suất ồ ạt ở các ngân hàng, nếu không sẽ tạo ra những cơn "sốt" vốn ảo.

Cuộc đua tăng lãi suất này của các ngân hàng tác động trực tiếp thế nào tới khách hàng, thưa bà?

Phải phân biệt rõ 2 loại khách hàng. Với các khách hàng tiền gửi thì họ lúc nào cũng mong muốn ngân hàng tăng lãi suất, càng tăng họ càng được lợi.

Nhưng với các khách hàng tiền vay thì tăng lãi suất lại là vấn đề rất lớn. Khi tăng lãi suất, các ngân hàng phải chi phí nhiều hơn. Vì vậy, mỗi đơn vị đều phải tìm cách cân đối, bù đắp chi phí và chắc chắn phải tính đến chuyện tăng lãi suất cho vay.

Sáng qua, 7/7, Ngân hàng TMCP Hàng hải - Chi nhành Hà Nội đã trao thưởng cho các khách hàng may mắn trúng thưởng Chương trình Tiết kiệm dự thưởng 6Đ kéo dài từ 9/2 tới 05/5 vừa qua trên toàn hệ thống. Giải nhất của Chương trình với phần thưởng là 1 tivi Sony LCD 40inch đã thuộc về ông Phạm Trọng Minh (Nguyên Hồng - Hà Nội).

Với những ngân hàng lớn thì áp lực với các khách hàng vay tiền "đỡ" hơn vì họ có thể chấp nhận "thiệt" đôi chút để "gánh" cho doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn. Còn với những ngân hàng mà vốn huy động chủ yếu từ dân thì áp lực với người vay tiền càng lớn.

Việc này đặc biệt gây khó khăn lớn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vì cơ hội có thể vay vốn kinh doanh rất thấp mà áp lực về lãi suất, về việc hoàn vốn lại rất lớn.

Vậy còn đối với chính các ngân hàng, có áp lực gì với ngân hàng khi quyết định tăng lãi suất?

Mỗi lần thay đổi lãi suất là một khó khăn đối với ngân hàng, nhất và vấn đề quan hệ với khách hàng. Có những doanh nghiệp dễ chấp nhận việc thay đổi này nhưng với các doanh nghiệp ít thông tin hơn thì rất khó khăn trong việc giải thích, thuyết phục và nguy cơ mất khách rất cao.

Ngân hàng TMCP Hàng hải đối phó với vấn đề này thế nào?

Chúng tôi tập trung xây dựng những dịch vụ thực sự chất lượng, đem đến cho các khách hàng sự tin tưởng và ưu đãi tối đa. Với những khách hàng ban đầu, chúng tôi làm việc, thẩm định rất cẩn thận, khắt khe nhưng khi đã quen thì lại rất dễ dàng, tạo điều kiện thuận lợi hết mức cho doanh nghiệp.

Vì vậy, "nợ xấu', nợ khó đòi của chúng tôi nhìn chung rất thấp, lợi nhuận có được phải là lợi nhuận thực. Vấn đề quan trọng nhất đặt ra với doanh nghiệp cũng như mỗi ngân hàng hiện tại để có thể phát triển bền vững chính là yêu cầu tài chính minh bạch, làm ăn, kinh doanh chính trực.

Xin chân thành cám ơn bà!

Phương Thảo (Thực hiện)