1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

“Cung điện công chúa” sai phép trên đất Ba Vì là của một bác sĩ ở Hà Nội?

Ngày 10/5, đoàn giám sát HĐND thành phố Hà Nội do Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn dẫn đầu làm việc với huyện Ba Vì về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm luật Đất đai.


Cung điện công chúa tại xã Yên Bài, Ba Vì.

Cung điện công chúa tại xã Yên Bài, Ba Vì.

Tại đây, nhiều thành viên đoàn giám sát băn khoăn về tình trạng quản lý đất nông lâm trường trên địa bàn. Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Hoài Nam cho biết, theo phản ánh của dư luận thời điểm hiện tại, Yên Bài (Ba Vì) “mọc” lên một công trình rộng 9.000m2 như một cung điện.

Trưởng ban Pháp chế HĐND Nguyễn Hoài Nam đặt hàng loạt câu hỏi: “Người dân đồn thổi, phải chăng của một lãnh đạo cấp cao. Tôi sẽ đề nghị Chủ tịch UBND thành phố làm rõ vấn đề này, làm đến cùng xem nó là cái gì. Chúng ta đang nói đến phòng chống tham nhũng mà ngang nhiên thế này, coi thường kỷ cương thì không được. Các đồng chí phải báo cáo đã kiểm tra thế nào, phát hiện thế nào, lập biên bản chưa, giấy phép xây dựng có hay không có, làm đúng quy định hay không?”

Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Bạch Công Tiến cho biết, mảnh đất xây dựng công trình “cung điện công chúa” trên địa bàn xã Yên Bài đã được sang tên nhiều lần. Sau đó thuộc sở hữu của ông Lê Viết Long. Được biết, ông Long là một bác sĩ ở Hà Nội.

Theo ông Tiến, sự việc xảy ra từ năm 2010. Ban đầu người ta chỉ xây như một nhà cấp 4. Đất này là đất nông trường theo Nghị định 01 thì được xây dựng 300 mét vuông đất ở.

Tuy nhiên, theo Nghị định 01 không quy định rõ người dân được phép xây dựng nhà kiên cố, nhà tạm hay nhà cấp 4. Do đó nhiều người đã lợi dụng điều này để xây dựng các công trình sai phép.

Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết, công trình trôi nổi qua nhiều chủ và “chính quyền không thể nào biết được vì không quản lý người ta”. “Sau đó họ xây dựng công trình này, có một bà đồng cốt đến, xưng là công chúa nhà trời, có biểu hiện khác thường. Vì thế chúng tôi quan tâm, để ý thì thấy có dấu hiệu xây dựng công trình tâm linh chứ không phải nhà ở nên cho ngăn chặn, yêu cầu phá dỡ nhưng họ chưa chấp hành”, ông Tiến nói.

Theo ông Tiến, huyện đã thành lập một đoàn thanh tra rà soát lại tất cả quá trình quản lý đất đai, mua bán, hồ sơ thủ tục, quá trình vi phạm. Tới đây đoàn thanh tra sẽ có kết luận và sẽ đề xuất hướng xử lý buộc phải tháo dỡ, cưỡng chế.

Ông Bạch Công Tiến cho biết thêm, việc quản lý đất đai trên địa bàn huyện rất phức tạp, thậm chí có biểu hiện mua bán bất động sản, chuyển nhượng đất nông lâm trường. Bên cạnh đó, việc quy hoạch ở các nông lâm trường chưa rõ ràng phần nào đất ở, phần nào đất sản xuất và không bàn giao cho địa bàn quản lý. Điều này dẫn đến nhiều kẽ hở cho người dân mua bán đất trái phép.

Theo Vương Trần
Lao động

“Cung điện công chúa” sai phép trên đất Ba Vì là của một bác sĩ ở Hà Nội? - 2