Cục Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công Thương là một bất cập lớn
Luật Cạnh tranh chưa thuộc Bộ hoặc Chính phủ quản lý đã và đang gây ra sự xung đột lợi ích, thể hiện tính độc lập rất kém.
Thảo luận về Mô hình Cơ quan cạnh tranh trong Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) tại Hội thảo do Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 19/5, nhiều chuyên gia và đại diện doanh nghiệp đều có chung nhận định, sau 12 năm thực thi (từ 2014), Luật Cạnh tranh đã có có sự ảnh hưởng và tác động nhất định đến môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Nhưng Luật Cạnh tranh vẫn còn nhiều hạn chế, trong đó nội dung về “Mô hình và địa vị pháp lý” của Luật Cạnh tranh là một điểm đáng lưu ý cần phải được xem xét, sửa đổi.
Theo quan điểm của ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại - người từng chủ trì xây dựng Luật Cạnh tranh năm 2004, Việt Nam là một trong những nước Đông Nam Á đầu tiên xây dựng Luật Cạnh tranh, khi đàm phán với các nước trên thế giới về các Hiệp định tự do thương mại mới, luật này đều đã được các nước thừa nhận.
Tuy nhiên, ông Tuyển cũng thẳng thắn thừa nhận, Luật Cạnh tranh đang tỏ ra không hiệu quả trong quá trình thực thi, tính bất cập dần phát sinh. Bất cập lớn nhất ở Luật Cạnh tranh là chưa thuộc Bộ hoặc Chính phủ quản lý. Vì hiện nay, Luật Cạnh tranh vẫn thuộc 31 cơ quan quản lý cạnh tranh thuộc bộ và 35 cơ quan quản lý cạnh tranh thuộc Chính phủ, điều này gây ra sự xung đột lợi ích, thể hiện tính độc lập kém.
Trong khi yêu cầu quan trọng nhất đối với cơ quan cạnh tranh phải đảm bảo là một cơ quan độc lập, muốn độc lập được là phải khẳng định được vị thế. Do đó, một trong những nội dung cần sửa đổi là mô hình cơ quan cạnh tranh, đây là yêu cầu rất quan trọng và cơ bản sườn nội dung dự thảo sửa đổi nội dung này trong Luật theo ông Tuyển là hợp lý.
Bởi theo như phân tích của ông Trương Đình Tuyển, mô hình Cục Quản lý cạnh tranh hiện nay vẫn còn nằm trong Bộ Công Thương là một bất cập rất lớn. Bộ đang quản lý rất nhiều doanh nghiệp, Hội đồng cạnh tranh đang “tiêm nhiễm” thủ tục. Văn phòng chủ yếu ra văn bản, tổ chức cuộc họp mà không sâu sát vào khâu kiểm tra, từ đó không có căn cứ đảm bảo vững chắc cho Hội đồng cạnh tranh hoạt động hiệu quả. Do vậy, phải có cơ quan quản lý cạnh tranh đảm bảo yêu cầu.
“Có 31 cơ quan quản lý cạnh tranh thuộc bộ, 35 cơ quan quản lý cạnh tranh thuộc Chính phủ nhưng không có cơ quan nào chiếm vị trí tuyệt đối cho nên vị thế phụ thuộc nhiều vào bản lĩnh của người quản lý đứng đầu cơ quan đó nhiều hơn. Tôi ủng hộ mô hình mới để tăng vị thế của Luật Cạnh tranh, nâng cao tính chuyện nghiệp từ đó có nguồn lực tài chính, tăng quyền hạn và bản lĩnh cho cán bộ. Chính phủ kiến tạo phải tập trung giải quyết Luật Cạnh tranh thì mới kiến tạo và giải quyết được tính công bằng của môi trường kinh doanh”, ông Tuyển nói.
Nhận định về Luật Cạnh tranh sửa đổi lần này, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương lại cho rằng, bộ máy hiện nay cần nhìn rộng hơn, không thể cứ nhìn phiến diện Nghị định 33 về thiết kế thay đổi vai trò chức năng của nhà nước.
“Có nhiều thứ phải bỏ, nhiều thứ mới xuất hiện. Nếu chúng ta cứ loay hoay không biết loại bỏ gì và thêm gì thì đó là do sự tiếp xúc xơ cứng về tư duy, đi ngược lại sự phát triển của tự nhiên”, TS. Nguyễn Đình Cung nói.
TS. Nguyễn Đình Cung cũng nêu rõ, trong nền kinh tế thị trường, vai trò của Nhà nước không phải chỉ quản lý mà làm phải cho thị trường vận hành tốt hơn. Các chính sách cạnh tranh là dựa trên thị trường trong sự cạnh tranh lành mạnh. Cơ quan quản lý cạnh tranh là cơ quan thực thi pháp luật cạnh tranh, đây là một bộ phận của chính sách cạnh tranh của quốc gia.
“Cần phải có cái nhìn theo chiều ngang, nhìn rộng hơn và khác hơn mới phù hợp với cơ quan cạnh tranh mới, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thị trường hiện đại. Thay đổi tư duy ở chỗ trước hết cần nhìn ra Luật là cái gì và hoạt động theo luật đó chứ không có cơ quan hay bộ trưởng nào có quyền áp đặt”, TS. Nguyễn Đình Cung nêu rõ.
Ông Bạch Văn Mừng, Cục trưởng Cục quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, Dự thảo Luật Cạnh tranh được tiến hành sửa đổi trên nhiều nội dung, sau khi Cục đã tiến hành nghiên cứu và tham khảo nhiều mô hình các nước ở ASEAN, châu Âu, châu Á, Mỹ...
Hiện nay, Bộ Công Thương đã trình lên Chính phủ đề nghị xem xét lại sườn Luật Cạnh tranh năm 2004. Chính phủ đã đồng thuận trình lên Quốc hội và chính thức đưa việc sửa đổi Luật Cạnh tranh vào Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội. Theo tiến trình, luật cạnh tranh sửa đổi sẽ được trình lên Quốc hội thông qua vào nửa đầu năm 2018.
Ông Mừng cũng cho biết thêm, thông qua các cuộc hội thảo gần đây, đa phần ý kiến đều mong muốn sẽ có Luật Cạnh tranh thật tốt để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi tại Việt Nam. Ban dự thảo sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp đến từ để trình lên Chính phủ và Quốc hội để có được Luật Cạnh tranh mới thật sự hiệu quả và chất lượng nhằm đáp ứng được mong muốn của các doanh nghiệp trong thời gian tới./.
Theo: Nguyễn Quỳnh/VOV.VN