Cú vấp ngã của ngành điều

Ngành điều đang đứng trước “cơn bão dữ”. Hàng loạt các doanh nghiệp xuất khẩu đang rơi vào tình trạng thua lỗ, thậm chí nhiều “đại gia” trong làng xuất khẩu cũng phải tuyên bố phá sản…

Ông Vũ Thái Sơn, Trưởng Ban Xúc tiến thương mại của Hiệp hội Cây điều VN (Vinacas), ví von: “Một vấp ngã trước thềm hội nhập của các doạnh nghiệp (DN) xuất khẩu điều”

Thưa ông, hơn 1.000 tỉ đồng lỗ trong năm 2005, hiện nay các DN lại đang tiếp tục kêu khó khăn, nguyên nhân vì đâu?

Con số nêu trên mà ngành điều đưa ra chỉ là số phỏng đoán. Nguyên nhân chủ yếu là do năm 2004 ngành điều thắng lớn nhờ giá quốc tế lên, đến năm 2005 nhiều nhà máy lạc quan đã tranh nhau mua điều thô với giá rất cao.

Sau đó thị trường quốc tế xuống giá dẫn đến lỗ. Khi giá xuống, nhiều DN do lỗ lại không chịu bán ra để chờ giá lên. Trong khi chờ, giá chưa lên được lại tới hạn phải trả nợ vay ngân hàng, nên buộc phải bán ra.

Lợi dụng hoàn cảnh này, khách hàng nước ngoài ép giá làm cho giá càng xuống. Theo ý kiến cá nhân tôi, năm 2005, có khoảng 80% - 90% DN kinh doanh điều bị lỗ.

Cái khó lớn nhất hiện nay của các DN xuất khẩu là vốn. Họ cho rằng nếu ngân hàng không tiếp tục mở “hầu bao” với họ, thì trong năm nay sẽ có hàng loạt DN bị phá sản?

Cú vấp ngã của ngành điều - 1
  

Ông Vũ Thái Sơn, Trưởng Ban
 Xúc tiến thương mại Vinacas.

Ngày hôm qua, lãnh đạo Vinacas đã gặp gỡ Thứ trưởng Bộ Thương mại Phan Thế Ruệ và đã kiến nghị lên Chính phủ, thông qua Chính phủ nhờ tác động với hệ thống ngân hàng tiếp tục cho các nhà máy thua lỗ vay tiền để tiếp tục sản xuất, khắc phục lỗ.

Đúng là nếu ngân hàng ngưng cho vay thì một số DN chỉ còn cách phá sản. Nói như vậy không có nghĩa là bi quan. Ngành điều là ngành kinh doanh có lợi thế cạnh tranh rất lớn trên thế giới, nhìn chung là phát triển rất tốt, có thể có năm lỗ như năm 2005 nhưng như vậy không có nghĩa là bức tranh quá tối đối với ngành điều.

Thứ trưởng Ruệ đã hứa sẽ xem xét trình lên Chính phủ chứ chưa có ý kiến chính thức.

Với cách làm ăn như hiện nay, liệu ngành điều có “sống” được nếu VN gia nhập WTO vào tháng 10 năm nay?

Có thể khẳng định là ngành điều rất có lợi thế cạnh tranh do VN tự trồng, tự chế biến điều, giá nhân công lao động rẻ nên sẽ sống rất khỏe khi VN gia nhập WTO.

Từ trước đến nay ngành điều cũng không được Chính phủ bao cấp, gần như là đã tự lực cánh sinh nên không trở ngại gì khi gia nhập WTO. Hơn nữa, khi gia nhập WTO, nhiều thị trường nước ngoài có thể giảm thuế và hạt điều VN sẽ thuận lợi hơn khi xuất khẩu.

Tuy nhiên, đây cũng là đợt sàng lọc, có thể có một số DN khó khăn khi hội nhập do VN phải mở cửa thị trường trong nước, nhiều DN nước ngoài sẽ đầu tư vào lĩnh vực chế biến và mua bán điều ngay tại VN, họ có tiềm lực tài chính và tính chuyên nghiệp cao.

Cạnh tranh nội địa sẽ trở nên gay gắt, chỉ có DN nào có trình độ quản lý tốt, xây dựng thương hiệu tốt sẽ sống được, còn những DN khác có thể sẽ gặp khó khăn và cũng có thể phá sản.

Để bước vào cuộc chơi lớn sắp tới, theo ông, ngành điều cần phải làm gì để cạnh tranh?

Theo tôi, bản thân mỗi DN điều cần phải nỗ lực hơn nữa để hoàn thiện năng lực quản lý, tiết kiệm chi phí sản xuất, đồng thời, phải hội nhập được với văn hóa của quốc tế.

Đặc thù ngành điều là buôn bán kỳ hạn giống như cà phê, giá cả lên xuống thất thường, trong năm 2004 nhiều DN điều VN không tôn trọng hợp đồng đã ký nên hậu quả đã thấy trong năm 2005. Chúng tôi cũng đề nghị phải bỏ thuế nhập khẩu điều thô.

Hiện nay Vinacas, Bộ NN-PTNT, Bộ Thương mại đều đã kiến nghị Bộ Tài chính bỏ thuế nhập khẩu điều thô để giúp các nhà máy có nguyên liệu giá rẻ sản xuất.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính vẫn chưa bỏ, khiến DN gặp rắc rối khi làm thủ tục hải quan, dẫn đến điều thô giá rẻ trên thế giới chảy về Ấn Độ gấp 10 lần so với chảy về VN (Ấn Độ miễn thuế nhập khẩu điều thô).

Theo Lê Cường
Báo Người lao động