1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

"Cú sốc" 2020: Hàng vạn gia đình giảm thu nhập, điều kiện sống thấp hơn 2019

Mặc dù số lượng hộ gia đình bị giảm thu nhập đã thu hẹp lại, điều kiện sống của trên nửa số hộ gia đình thấp hơn so với năm 2019.

Ngân hàng Thế giới (WB) đang thực hiện khảo sát đánh giá tác động của Covid-19 đến các hộ gia đình tại Việt Nam, đặc biệt các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Khảo sát tập trung vào các khía cạnh: thu nhập hộ gia đình, tình trạng việc làm và tiếp cận trợ giúp từ chính phủ.

Trong đợt khảo sát lần hai, WB đã thực hiện phỏng vấn qua điện thoại với gần 4.000 hộ gia đình trên toàn quốc từ ngày 27/7 đến 12/8 - thời điểm bắt đầu làn sóng Covid-19 thứ hai.

Kết quả cho thấy 1/3 số hộ gia đình có mức thu nhập giảm so với tháng trước. Con số này 70% là tại lần khảo sát trước, chứng tỏ kinh tế đã có dấu hiệu hồi phục.

Cú sốc 2020: Hàng vạn gia đình giảm thu nhập, điều kiện sống thấp hơn 2019 - 1

Covid-19 làm nhiều gia đình giảm thu nhập.

Mặc dù số lượng hộ gia đình bị giảm thu nhập đã thu hẹp lại, song điều kiện sống của trên nửa số hộ gia đình thấp hơn so với năm 2019. Trên một nửa số hộ gia đình cho hay thu nhập bị giảm trong tháng trước đó so với cùng kỳ năm ngoái. Việc một số nhóm hộ gia đình vẫn có điều kiện sống thấp hơn chứng tỏ một số thành phần kinh tế chịu ảnh hưởng nhiều hơn do đại dịch. Các hộ kinh doanh gia đình gần như đều bị giảm thu nhập so với năm trước đó.

Theo Ngân hàng Thế giới, phần lớn các doanh nghiệp gia đình vẫn tiếp tục hoạt động, nhưng một phần nhỏ đang gặp khó khăn. Số lượng các doanh nghiệp gia đình dừng hoạt động cũng tăng lên trong khảo sát Vòng 2 (thời gian tham khảo: Tháng 6/Tháng 7). So với kết quả từ Vòng 1 vào thời điểm tháng 5/tháng 6, tỷ lệ doanh nghiệp đang hoạt động trong tháng 6/tháng 7 đã giảm từ 95% xuống 90%.

Một số cũng quan ngại cho rằng những doanh nghiệp tạm thời đóng cửa có thể sẽ chuyển sang trạng thái đóng cửa vĩnh viễn. Tỷ lệ doanh nghiệp gia đình dừng hoạt động không có sự khác biệt đáng kể giữa các vùng, lĩnh vực hoạt động hoặc theo vị trí thành thị - nông thôn. Tuy nhiên, doanh nghiệp gia đình có quy mô lớn hơn, số lượng nhân viên nhiều hơn có nhiều khả năng tiếp tục hoạt động.

Chính phủ đã ban hành "gói" hỗ trợ kinh tế lần thứ nhất khá kịp thời, ngay trong tháng 3-4/2020. Tuy nhiên, việc thực thi chính sách nói chung còn chậm. Sự vào cuộc của nhiều cơ quan ban ngành thiếu quyết liệt, chưa đồng bộ. Kết quả là tác động của gói hỗ trợ chưa như mong đợi, còn nhiều hạn chế.

Theo khảo sát của WB, khả năng người dân tiếp cận các gói cứu trợ Covid-19 của Chính phủ vẫn còn thấp. Trong khoảng 13% số hộ nộp đơn đề nghị hỗ trợ từ tháng 2, chỉ 2,3% nhận được hỗ trợ trong tháng 7/8.

Còn theo điều tra diện rộng của Tổng cục Thống kê, chỉ chưa tới 18% doanh nghiệp tiếp cận được gói hỗ trợ.

Cú sốc 2020: Hàng vạn gia đình giảm thu nhập, điều kiện sống thấp hơn 2019 - 2

Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần tiếp tục được thực hiện theo hướng khẩn trương, tập trung, đúng đối tượng

Có cần gói hỗ trợ lần hai?

Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), trong báo cáo kinh tế vĩ mô quý III, cũng đánh giá: Số doanh nghiệp được thụ hưởng chính sách không đáng kể do nhiều doanh nghiệp đã thực hiện các nghĩa vụ thuế trước giai đoạn được gia hạn từ tháng 3/2020. Việc thực thi chính sách hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp ảnh hưởng bởi dịch bệnh cho thấy nhiều bất cập, còn  DN muốn tiếp cận nguồn hỗ trợ này phải đáp ứng các thủ tục phức tạp với chi phí lớn.

TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng VEPR, cho rằng: Các chính sách an sinh xã hội vẫn cần được ưu tiên hàng đầu và cần phải được tiếp tục triển khai nhanh chóng, đúng đối tượng, trước khi người dân rơi vào những bi kịch không đáng có.

Đặc biệt, việc thực thi chính sách cần quan tâm hơn đến lao động trong khu vực phi chính thức bởi nhóm này chiếm một tỷ trọng lớn, dễ tổn thương, chịu tác động nặng nề nhất và đang khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ. Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần tiếp tục được thực hiện theo hướng khẩn trương, tập trung, đúng đối tượng và thực chất hơn, theo sát với nhu cầu của doanh nghiệp.

"Chúng tôi cho rằng gói cứu trợ lần hai ở thời điểm này là không cần thiết, bởi khi gói cứu trợ lần một còn chưa được giải ngân một cách hiệu quả thì việc đưa ra gói cứu trợ lần hai chỉ mang tính dân túy, đồng thời nhiều khả năng chỉ gây thêm gánh nặng cho ngân sách thay vì thực sự tạo được ảnh hưởng tích cực trong nền kinh tế và xã hội", ông Phạm Thế Anh nói tại tọa đàm.

Trái ngược quan điểm trên, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ, tại Diễn đàn kinh tế 2021 mới đây cho rằng: "Bối cảnh khó khăn chung cộng dịch Covid-19 tái bùng phát càng cho thấy phải tiếp tục có những chính sách kích thích kinh tế mới - gói hỗ trợ lần thứ hai. Quan trọng nhất là cần đảm bảo thực thi 'nhanh - đúng và minh bạch' các gói hỗ trợ này".

Bên cạnh nỗ lực giúp doanh nghiệp và người lao động vượt "bão dịch" với quy mô đủ lớn, dù phải chấp nhận thâm hụt ngân sách và tỷ lệ nợ công cao hơn, TS Võ Trí Thành lưu ý: Tính ít nhất cho cả năm 2021, "gói" hỗ trợ lần hai phải gắn với tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế , bắt nhịp được với xu hướng phát triển (công nghệ, nhất là chuyển đổi số; kỹ năng lao động và cả cách thức tiêu dùng mới,... ). Mục tiêu ở đây chính là vừa cố gắng giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp vừa tạo tiền đề cho bước phát triển bền vững, bao trùm và sáng tạo tiếp theo.

Dù khẳng định trước cú sốc lớn như đại dịch Covid-19, vai trò hỗ trợ của nhà nước là rất quan trọng, song TS Võ Trí Thành cũng nhấn mạnh "dù như thế nào nỗ lực của bản thân doanh nghiệp vẫn có ý nghĩa quyết định". Bởi theo chuyên gia này, "thảm họa Covid-19 là biến cố không ai mong đợi, song đây chính là dịp thử thách bản lĩnh Việt Nam và doanh nghiệp".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm