1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Chuyên gia:

Cứ nghĩ Trung Quốc là thị trường dễ tính, khi thay đổi là trở tay không kịp

Văn Hưng

(Dân trí) - Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam chỉ ra câu chuyện doanh nghiệp Việt Nam chưa có tầm nhìn chiến lược khi quan niệm Trung Quốc là thị trường dễ tính nên khi họ thay đổi là trở tay không kịp.

Chiều 4/3, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến "Để nông sản không ùn tắc ở cửa khẩu: Đâu là giải pháp căn cơ?". Tọa đàm diễn ra trong bối cảnh câu chuyện ùn ứ hàng xuất khẩu, nhất là nông, hải sản ở các cửa khẩu biên giới phía Bắc, đã thành thông lệ "đến hẹn lại lên", khiến cho điệp khúc buồn của người nông dân cứ lặp lại như một vòng luẩn quẩn.

Phát biểu tại tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan nhìn nhận cách làm kinh tế nông nghiệp của Việt Nam vẫn "mù mờ" đầu cung và cầu, không đi vào quỹ đạo, "đôi khi giống như đi buôn chuyến nhiều hơn là hợp tác bài bản, kết nối cung cầu".

Mới chỉ đi xử lý phần ngọn

Cách đây 3-5 năm, tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu đã xảy ra dù không có ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, sau mỗi lần được giải phóng, những câu hỏi như tại sao lại lệ thuộc một thị trường lớn, không phát triển thị trường 100 triệu dân, sao lại chỉ xuất khẩu thô, làm ăn chính ngạch... lại bị "lãng quên" thay vì tìm giải pháp đối phó với việc đứt gãy.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu thực trạng bà con nông dân làm ra sản phẩm rồi cứ đưa lên cửa khẩu, xem bán được thì bán, còn hơn để chín rục ở nhà. Một số địa phương thông báo bà con không đưa hàng lên cửa khẩu, nhưng chỉ là làm phần ngọn, không phải gốc rễ vấn đề.

Theo người đứng đầu ngành nông nghiệp, tư duy sản xuất nông nghiệp ở các địa phương mới chỉ chú ý tạo ra sản lượng, chứ chưa phải tư duy kinh tế.

Cứ nghĩ Trung Quốc là thị trường dễ tính, khi thay đổi là trở tay không kịp  - 1

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Đối với doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, chỉ ra vẫn còn nhiều doanh nghiệp hoạt động theo lối mòn, thích làm cái dễ, thích xuất khẩu tiểu ngạch.

"Với quan niệm Trung Quốc là thị trường dễ tính, khi thị trường này thay đổi là doanh nghiệp trở tay không kịp. Doanh nghiệp Việt Nam chưa có tầm nhìn chiến lược. Thị trường Trung Quốc không còn dễ tính nữa, người ta thay đổi lâu rồi, các tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm cũng đã thay đổi nhiều", ông Bình nói.

Do chỉ đi xử lý phần ngọn vấn đề, thực tế cho thấy cơ bản hàng hóa nông sản của Việt Nam bị ùn ứ tại các cửa khẩu đã được giải quyết trước Tết, nhưng đến nay ùn ứ đã xuất hiện trở lại ở các cửa khẩu biên giới phía Bắc.

Bà Đoàn Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, thông tin tính đến sáng 4/3, tại Lạng Sơn, lượng xe đang chờ xuất khẩu tại các cửa khẩu là 1.400 xe. Tỉnh này đang tạm dừng tiếp nhận hoa quả tươi đến các cửa khẩu đến 15/3 nhưng dự kiến, lượng xe vẫn có tiếp tục tăng trong thời gian tới khi nông sản vào chính vụ.

Thiết lập vùng xanh có giải quyết được vấn đề?

Để đảm bảo quy trình hoạt động thông quan, đặc biệt cho hàng nông sản đang vào chính vụ, cơ quan chức năng tại cửa khẩu Lạng Sơn đang phải trao đổi hàng ngày, hàng giờ với phía Trung Quốc.

Tỉnh Lạng Sơn cũng tiến hành thiết lập "vùng xanh" ở khu biên giới để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, tuy nhiên, tiêu chí, quy định về điều kiện y tế với người cũng như phương tiện hàng hóa của Việt Nam và phía bạn còn chưa thống nhất, gây ảnh hưởng đến hiệu suất thông quan.

Đồng quan điểm, ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, nhìn nhận việc thiết lập vùng xanh để làm hài hòa nhu cầu phòng, chống dịch cũng như các yêu cầu trong thông quan hàng hóa, nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng như người dân trong hoạt động xuất khẩu.

Cứ nghĩ Trung Quốc là thị trường dễ tính, khi thay đổi là trở tay không kịp  - 2

Tại các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn vẫn còn hơn 1.400 xe chưa được thông quan, trong đó có 800 xe chở nông sản (Ảnh minh họa: LĐO).

Trong khi đó, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), đánh giá cao phương án truyền thông các chính sách về nhập khẩu nông sản của nước bạn một cách kịp thời cho doanh nghiệp, bà con nông dân.

Tuy nhiên, có một thực tế rằng nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản thuộc dạng vừa và nhỏ nên nhận thức về tầm quan trọng của thông tin, cũng như đội ngũ cán bộ nắm bắt vấn đề còn hạn chế. Ông Chinh cho rằng các hiệp hội trong lĩnh vực cần thể hiện vai trò cầu nối giữa cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp.

Đối với ý kiến chuyển đổi sang phương thức chính ngạch, ông Nguyễn Thanh Bình băn khoăn cần thời gian dài mới có thể làm được, vì kinh doanh tiểu ngạch, chính ngạch có đối tượng riêng. Việc tiếp cận khách hàng của chính ngạch, với vị trí, địa điểm nhận hàng, phương thức thanh toán khác là rất khó khăn.

Không thể đi "đường mòn lối mở" mãi được

Bổ sung thêm, ông Phan Văn Chinh nêu thực trạng khi Trung Quốc gần đây áp các quy định tiêu chuẩn chất lượng thì doanh nghiệp gặp khó ngay. Do đó, chính sách không đơn thuần là buôn bán lối đi cửa khẩu chính, phụ mà nằm ở 3 công đoạn.

Thứ nhất, phát triển sản phẩm xuất khẩu phù hợp tiêu chuẩn, quy định thị trường. Thứ hai là vấn đề tổ chức xuất khẩu, vai trò các cơ quan chức năng trong việc cho triển khai thủ tục nhanh hơn.

Thứ ba là vấn đề thị trường. Trung Quốc đã gia nhập WTO, tham gia các hiệp định RCEP, FTA ASEAN - Trung Quốc nên cần tuân thủ các nguyên tắc hiệp định, tức chất lượng hàng hóa phải được nâng cao.

Không phủ nhận trao đổi mậu dịch tiểu ngạch góp phần thúc đẩy nông nghiệp thời gian qua, tuy nhiên, ông Mai Xuân Thành cho rằng người xuất khẩu cũng gặp nhiều rủi ro khi mang hàng sang bên kia bên giới mới tính đến bán hàng. Về lâu dài, cần thúc đẩy xu hướng hàng theo hợp đồng, sẽ hạn chế được rủi ro.

"Doanh nghiệp cần tổ chức chặt chẽ, bảo đảm chất lượng, uy tín mới ký hợp đồng cung ứng đều đặn, hướng tới làm ăn lớn hơn", ông Thành nhấn mạnh.

Sau khi nghe ý kiến của các chuyên gia, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh giải pháp căn cơ là cần phải tổ chức lại ngành hàng, từ khâu sản xuất đến thị trường thông qua hệ thống hạ tầng logistics.

Bộ NN&PTNT đã ký trình Thủ tướng về chủ trương xây dựng Trung tâm kết nối nông sản xuất khẩu tại Quảng Ninh do tỉnh quản lý, doanh nghiệp tư nhân xã hội hóa đầu tư.

"Tại trung tâm này, phía bạn có thể đưa bộ phận thông quan, kiểm dịch sang, nghĩa là kiểm một lần bên này rồi xe chạy suốt, có thể đi sâu vào nội địa tùy theo mối quan hệ của thương nhân hai bên.

Nếu có trường hợp ùn ứ, chúng ta đóng gói, sơ chế, tạm trữ được một thời gian để tránh nông sản nằm ở container vì rủi ro rất nhiều. Khi xảy ra dịch bệnh thì đó là một "vùng xanh" để chứng tỏ nông sản của chúng ta bảo đảm tiêu chuẩn quy định phòng dịch của phía bạn", Bộ trưởng nói.

Sắp tới, Bộ NN&PTNT cũng sẽ dự thảo đề án về xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sau khi tham khảo ý kiến của các cơ quan ngoại giao và thương vụ Việt Nam bên Trung Quốc.