1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Vụ bà Chủ tịch HĐQT trường tư bị tố quỵt nợ hàng trăm tỷ đồng:

Cụ già, trẻ nhỏ cũng tham gia vào “vòng xoáy” đòi nợ

(Dân trí) - “Trước đây có rất nhiều gia đình phải vào trường sinh sống suốt nhiều tháng mà vẫn không lấy được sổ đỏ. Gia đình tôi bị bà Yến hại tan cửa nát nhà, giờ cả 8 người phải vào trường ở nhưng bị xua đuổi”, chủ nợ Nguyễn Thị Lan Dương bức xúc.

Vụ việc bà Trương Thị Hải Yến - Phó Hiệu trưởng kiêm Chủ tịch HĐQT trường THPT dân lập Phương Nam đang bị hàng chục chủ nợ “bao vây” trường đòi nợ hàng trăm tỷ đồng cùng nhiều “sổ đỏ” vẫn chưa “hạ nhiệt” khi bà Yến vẫn không xuất hiện vì lo sợ bị những người xưng là chủ nợ này đe dọa.

Sự việc chưa được giải quyết dẫn đến hàng chục người, trong đó có nhiều cụ già và trẻ em phải dọn vào trong khuôn viên trường sống nheo nhóc. Nhiều chủ nợ cho biết đây đã là cách cuối cùng trên chặng đường đòi nợ bà Yến. Họ không phải đang nhẫn tâm hành hạ người thân của mình để đòi nợ mà thực là đã tan cửa nát nhà, không còn một mảnh đất cắm dùi, gia đình li tán, bế tắc.

Cụ già, trẻ nhỏ cũng tham gia vào “vòng xoáy” đòi nợ
Cụ già, trẻ nhỏ đang sống nheo nhóc trong Trường THPT dân lập Phương Nam để cùng gây sức ép đòi nợ bà Yến.

Tuy nhiên, việc dọn vào sinh sống trong trường của hơn chục nhân khẩu cũng đã bị lực lượng công an “tuýt còi” và chưa biết có đòi được phần nợ nào không. Chị Nguyễn Thị Lan Dương (36 tuổi), ở phố Khâm Thiên - Đống Đa (Hà Nội), một trong những người tố bà Yến vay 700 triệu đồng cho biết: "Thấy gia đình các chủ nợ dọn vào trường ở, nhà trường đã mời cơ quan công an đến yêu cầu người dân giải tán. Thế nhưng, nợ không đòi được, nhà cửa mất hết thì những chủ nợ như chúng tôi biết giải tán đi đâu".

Về hoàn cảnh bi đát của mình, chị Dương cho biết sau nhiều lần đòi nợ không được, khi bị gây áp lực, bà Yến đã chấp nhận viết giấy hẹn đến ngày 25/6 sẽ trả. Do tiền vay lãi, quá hạn không trả, chị bị chủ nợ đến tịch thu nhà. “Vì không có nhà, gia đình tôi gồm 8 người, trong đó có mẹ đẻ là cụ Hoàn Thị Lư (68 tuổi), 3 đứa con nhỏ nhất 19 tháng vào căng tin của trường để ở chờ đòi tiền. Con sắp nhập trường nhưng không có tiền mua đồng phục, học phí, vậy mà nhiều lần đòi nợ nhưng chị Yến chỉ viết giấy hẹn sau bỏ đó”, chị Dương bức xúc.

Sống tạm bợ trong trường muôn phần cực khổ. Người lớn đã đành nhưng trẻ nhỏ càng cơ cực. Cháu bé 19 tháng tuổi được một người bác nấu cháo mang vào cho ăn, còn hai đứa con khác cũng như chị Dương đều phải ăn mì gói.

Dùng cách cuối cùng đi đòi nợ nhưng chị Dương cũng cho biết đây không phải lần đầu tiên các chủ nợ phải dọn vào trường ở mà trước đây đã có rất nhiều gia đình vào trường sinh sống, trong đó có cả những hộ gia đình phải mất 8 tháng sinh sống tại trường mà không lấy được “sổ đỏ”.

Bà Trương Thị Hải Yến
Bà Trương Thị Hải Yến sẵn sàng chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có sai phạm để trường THPT dân lập Phương Nam được yên ổn.

Nhiều chủ nợ và gia đình đang nheo nhóc sống trong trường bức xúc bởi nhiều ngày ở trong trường, họ không được bất kỳ một ai đứng ra chịu trách nhiệm và hỏi thăm, kể cả các cụ già và em nhỏ. Thậm chí, cán bộ công tác trong trường còn xua đuổi, đòi cắt điện, nước để buộc các hộ dân rời trường.

Về việc các chủ nợ đang “bao vây” trường đòi nợ, bà Trương Thị Hải Yến cũng bức xúc rằng các chủ nợ cho bà vay nặng lãi, lấy tiền hàng tháng rồi, giờ tại sao quay ra tố cáo, “bao vây” trường hãm hại bà.

Bà Yến cho biết việc bà vay tiền là đầu tư vào nhà trường, có dấu của trường, có cả tập thể nhà trường làm chứng, chứ không thể nói là vay cá nhân. Đồng thời, bà Yến cũng khẳng định sẵn sàng chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có sai phạm để trường THPT dân lập Phương Nam được yên ổn.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc.

Anh Thế