1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Cư dân đâm đơn kiện chủ đầu tư vì "chây ỳ" không trả quỹ bảo trì

(Dân trí) - Mới đây, Ban quản trị (BQT) đơn nguyên 1 và 3 tòa nhà CT3, Khu đô thị mới Trung Văn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã chính thức đệ đơn lên Tòa án nhân dân quận Tây Hồ kiện chủ đầu tư là Công ty CP Xây dựng số 1 Sông Hồng “chây ì” bàn giao hơn 6 tỷ đồng phí bảo trì.

Trong thời gian qua, tình trạng chiếm dụng kinh phí bảo trì xảy ra khá phổ biến ở nhiều tòa chung cư.
Trong thời gian qua, tình trạng chiếm dụng kinh phí bảo trì xảy ra khá phổ biến ở nhiều tòa chung cư.

Chung cư CT3 gồm 3 đơn nguyên; trong đó, đơn nguyên 1&3 cao 19 tầng, được đưa vào sử dụng từ năm 2012. Từ năm 2009, gần 200 hộ dân tại đây đã mua nhà của Công ty CP Xây dựng Sông Hồng 1 và nộp đủ số tiền mua nhà cũng như 2% phí bảo trì.

Tuy nhiên, phải 2 năm sau ngày bàn giao nhà, cư dân mới nhận được hóa đơn VAT và các giấy tờ liên quan tới căn hộ của mình. Hơn nữa, sau 5 năm nhận nhà, chủ đầu tư vẫn kiên quyết chưa chịu trả phí bảo trì cho cư dân.

Tới năm 2015, sau khi làm đơn kiến nghị UBND quận Nam Từ Liêm và UBND phường Trung Văn, Ban Quản trị đơn nguyên 1&3 chung cư CT3 Trung Văn đã được thành lập đúng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, tới nay, phía chủ đầu tư vẫn không thực hiện việc bàn giao phí bảo trì cho Ban Quản trị.

Theo thông tin từ đại diện BQT đơn nguyên 1&3, ước tính chưa đầy đủ, phí bảo trì mà chủ đầu tư thu của cư dân đến tháng 3/2017 là hơn 6 tỷ đồng.

Phí bảo trì không được hoàn trả, sau 5 năm vận hành, nhiều hạng mục của tòa nhà này đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng vẫn chưa có kinh phí để sửa chữa.

Đáng lưu ý, theo phản ánh của cư dân tại đây, liên quan tới việc chủ đầu tư “chây ỳ” quỹ bảo trì, cơ quan chức năng đã có nhiều văn bản chỉ đạo xem xét giải quyết theo đúng quy định của pháp luật cũng như yêu cầu Công ty CP Xây dựng số 1 Sông Hồng bàn giao kinh phí bảo trì 2%, phần diện tích chung tại tòa nhà cho Ban Quản trị.

Gần đây nhất, ngày 14/10/2016, UBND quận Nam Từ Liêm cũng có Công văn số 1773 tiếp tục đôn đốc chủ đầu tư khẩn trương thực hiện các nội dung mà Sở Xây dựng chỉ đạo. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chủ đầu tư vẫn cố tình không bàn giao phí bảo trì khiến Ban Quản trị. Chính vì vậy, cư dân 2 đơn nguyên trên đã thống nhất khởi kiện chủ đầu tư ra tòa đòi công lý.

Trong thời gian qua, tình trạng chiếm dụng kinh phí bảo trì xảy ra khá phổ biến ở nhiều tòa chung cư. Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, thành phố hiện có hơn 600 chung cư đã đi vào hoạt động, nhưng hơn 1/2 vẫn chưa bàn giao kinh phí bảo trì cho người dân quản lý.

Thậm chí, có những dự án, cơ quan chức năng đã vào cuộc yêu cầu trao trả phí bảo trì chung cư cho người dân, nhưng chủ đầu tư tìm rất nhiều lý do để chây ì. Hiện Hà Nội vẫn chưa cưỡng chế được trường hợp nào.

Gần đây nhất, chung cư Hồ Gươm Plaza ở Mộ Lao (Hà Đông, Hà Nội) đã nhiều lần giăng băng rôn, biểu tình để yêu cầu chủ đầu tư là Công ty Cổ phần May Hồ Gươm không chịu bàn giao gần 20 tỷ đồng tiền phí bảo trì của tòa nhà. Mặc dù các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc, liên tục yêu cầu Công ty Hồ Gươm phải trả lại phí bảo trì nhưng đến nay chủ đầu tư mới chuyển trả 2 tỷ đồng vào tài khoản của cư dân.

Tại chung cư Thăng Long Garden (250 Minh Khai, Hà Nội), Ban Quản trị được chính thức thành lập ngày 30/8/2016 nhưng đến nay, chủ đầu tư là Công ty CP May Thăng Long vẫn chưa chịu chi trả quỹ bảo trì ước tính lên tới 16-20 tỷ đồng.

Hồi năm ngoái, chung cư Keangnam, Nam Từ Liêm, Hà Nội cũng gây nhiều ồn ào khi cư dân tố chủ đầu tư chây ỳ hơn 100 tỷ đồng quỹ bảo trì. Hay tại một số dự án khác như chung cư Bắc Hà (Nam Từ Liêm), Sky City, Tổ hợp chung cư NO5 Trung Hòa - Nhân Chính… cũng rơi vào tình trạng tương tự.

Phương Dung