CPI giảm: Tín hiệu tốt nhưng thận trọng chu kỳ 3 năm!

(Dân trí) - Theo Tổng cục thống kê, chưa nên lo ngại về tính giảm phát hay thiểu phát trong thời điểm hiện tại. Song khuyến cáo, điều hành của Chính phủ phải đúng liều lượng để tránh tiếp tục rơi vào chu kỳ "2 năm tăng 1 năm giảm" của nền kinh tế.

Trao đổi với Dân trí tại phiên họp báo công bố số liệu kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm diễn ra sáng nay (29/6), các đại diện từ Tổng cục Thống kê dù đưa ra những lưu ý quan trọng song vẫn thống nhất quan điểm “đồng ý với hướng điều hành chính sách” của Chính phủ trong thời gian vừa qua.

Nói đến tình hình 6 tháng đầu năm khó khăn, Tổng cục trưởng Đỗ Thức nhìn nhận, điều này không phải Quốc hội, trung ương, Chính phủ không biết đến mà đã nhìn thấy khá rõ và cũng đã có những giải pháp phù hợp.

“Có thể nói, thông qua những chỉ tiêu về kinh tế vĩ mô, có thể đưa ra đánh giá là tình hình kinh tế đã được cải thiện. Xét trên bình diện chung, nền kinh tế đã đón những dấu hiệu tích cực.” – người đứng đầu cơ quan thống kê quốc gia đánh giá.

Tổng cục trưởng Đỗ Thức: Chúng tôi không hy vọng Chính phủ sẽ bơm tiền (ảnh: B.D).

Tổng cục trưởng Đỗ Thức: Chúng tôi không hy vọng Chính phủ sẽ bơm tiền (ảnh: B.D).

Ông Thức dẫn chứng, tình hình nhập siêu được cải thiện, thu ngân sách vẫn tăng, bội chi thấp, tỉ giá ổn định, dự trữ ngoại tệ tương ứng với 10 tháng nhập khẩu.

Tổng Cục trưởng Đỗ Thức đồng thời phủ nhận những quan điểm lo ngại rằng, 6 tháng đầu năm nền kinh tế đã rơi vào trì trệ, bởi theo ông, thông qua những số liệu vừa rồi, chưa thể đưa ra khẳng định như vậy.

“Nếu muốn đề cập đến giảm phát thì CPI phải giảm liên tiếp nhiều tháng liền chứ không thể chỉ căn cứ vào 1 tháng CPI âm”, theo ông Thức. Điều đáng lưu ý là trước đó CPI đã tăng ở mức rất cao, trong một thời gian dài, đến nay CPI vẫn tăng, nhưng tốc độ tăng chậm và đến tháng 6 này thì CPI mới giảm, và giảm không đáng kể.

Về điều này, Vụ trưởng Vụ Giá, ông Nguyễn Đức Thắng cũng nhìn nhận rằng, đặt trong mục tiêu chung là kiềm lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô thì CPI tháng 6 giảm là yếu tố tốt chứ không như nhiều người lo ngại là giảm phát hay thiểu phát. Trong tương quan các yếu tố gây tăng giá "lép" hơn so với các yếu tố làm giảm giá, ông Thắng cho rằng, thời gian tới, CPI vẫn sẽ ở mức thấp nhưng đến cuối năm, lạm phát sẽ ở mức cao hơn.

Nghịch lý tiền - hàng, vòng quay tiền đang rất chậm

Đánh giá về điều hành trong giai đoạn vừa qua, ông Thức nhìn nhận, về cơ bản là hợp lý, cái bất cập của chính sách tài khóa và tiền tệ trong Nghị quyết 11 chỉ có 1 điều đó là về "liều lượng chính sách thế nào cho phù hợp hơn".

Ông bám vào những ngôn từ trong điều hành chỉ đạo phải “chặt chẽ” nhưng vẫn “linh hoạt”, “nằm trong tầm kiểm soát được” – đó là những điểm mấu chốt để thành công.

Ở đây, quan trọng là liều lượng tăng trưởng cung tiền (M2) và tăng trưởng tín dụng phải trong vòng quản lý được và đáp ứng được “đủ” nhu cầu của nền kinh tế.

Ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia dẫn số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho hay, đến cuối tháng 6, tổng phương tiện thanh toán tăng gần 7%, gấp trên 2 lần so với mức tăng GDP theo giá hiện hành. 

Nếu theo lý thuyết, khi tiền lớn hơn hàng thì giá cả hàng hóa phải tăng lên, nhưng thực tế thì giá cả trong 6 tháng lại giảm. Lý giải cho nguyên nhân này, ông Tuyến cho là do tổng cầu của nền kinh tế tăng chậm lại, nhất là cầu về tiêu dùng.

Đồng ý quan điểm này, Tổng cục trưởng Đỗ Thức cũng cho rằng, với việc tổng phương tiện thanh toán gấp nhiều lần mức tăng GDP thì chứng tỏ vòng quay của tiền của nền kinh tế đang rất chậm.

Chính vì vậy, theo ông, “cái mà chúng tôi mong là không có gói kích cầu như 2009”. Bởi tình hình năm nay và quý I/2009 rõ ràng là khác nhau. Ở đây phân biệt khái niệm cứu và xử lý là khác nhau, nếu cứu mà không xử lý được thì làm tăng giá cả - do cầu tăng khiến cung tăng, nền kinh tế khó kiểm soát một khi đã bơm tiền và không cẩn thận, kinh tế cả nước lại rơi vào chu kỳ 3 năm. Chu kỳ này có 2 năm lạm phát cao thì đến 1 năm suy giảm.

Họp báo Tổng cục Thống kê sáng 29/6 (ảnh: B.D).

Họp báo Tổng cục Thống kê sáng 29/6 (ảnh: B.D).

Chính sách đúng hướng nhưng thực thi chưa đạt

Nhắc đi nhắc lại cụm từ “sử dụng liệu lượng hợp lý” ông Đỗ Thức cho rằng cần phải điều hành làm thế nào những chỉ tiêu cần tăng sẽ tăng còn những chỉ tiêu cần giảm xuống sẽ được hạn chế.

Ông Thức nhắc lại, quan điểm của Tổng cục Thống kê là hoàn toàn đồng ý với điều hành của Chính phủ song về thực hiện, dù ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay xuống 12-14% nhưng doanh nghiệp chưa tiếp cận được - đây là vướng mắc trong thực thi chính sách – chính sách đi đúng nhưng thực hiện chưa sát và chưa đạt.

Theo mẫu điều tra doanh nghiệp từ 1/1/2011 đến 1/4/2012 của Tổng cục cho thấy, có 57,8% số doanh nghiệp đang vay vốn cho sản xuất kinh doanhtới 33,5% phải vay vốn với lãi suất bình quân năm trên 19%.

86,3% doanh nghiệp cho rằng mức lãi suất bình quân năm chấp nhận được không quá 15% 72,7% doanh nghiệp cho  rằng mức lãi suất bình quân năm chấp nhận được không quá 14%.

Doanh nghiệp là động lực của nền kinh tế nên để đảm bảo tăng trưởng hợp lý, nhiệm vụ của điều hành chính sách trước mắt nhất là hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, theo như lãnh đạo Vụ tài khóa, để đạt được mức tăng trưởng GDP cả năm là 6% thì trong 2 quý cuối năm GDP sẽ phải tăng 7,28%, còn để đạt được mức tăng trưởng 6,5% thì phải tăng tới 8,18%. Do vậy, đại diện này nhận định, mục tiêu đã đưa ra cho năm nay khó thực hiện được.

Ông Đỗ Thức cũng nhìn nhận, dự báo, tăng trưởng kinh tế cả nước năm nay chỉ khoảng 5,4 - 5,7%.

Bích Diệp