Giảm phát tại cả hai "đầu tàu" kinh tế

(Dân trí) - Trong khi chỉ số CPI tại Hà Nội giảm 0,17%, chạm "đáy" 10 năm trở lại đây thì CPI tại TPHCM cũng âm 0,43% so tháng trước, thấp nhất trong gần 2 năm.

Hôm nay, lần lượt các Cục Thống kê hai đầu cầu kinh tế đã công bố số liệu về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6. Đáng lưu ý, tiếp nối đà giảm kể từ tháng 8/2011, lạm phát ở cả Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) tháng cuối cùng của quý II đã xuống mức âm. 

Trong khi, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Thủ đô giảm 0,17%, chạm "đáy" trong vòng 10 năm trở lại đây thì CPI tại TPHCM cũng âm 0,43% so tháng trước, thấp nhất trong gần 2 năm.

(Hình minh họa).
(Hình minh họa).

Cụ thể, tại Hà Nội, có 3 trong tổng số 11 nhóm hàng là có mặt bằng giá đi xuống so tháng trước, bao gồm nhóm nhà ở, điện, nước và vật liệu xây dựng (giảm 1,86%); giao thông (giảm 1,73%) và nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (giảm 0,05%).

Một số mặt hàng tiêu dùng như quần áo, giày dép mùa hè có xu hướng tăng nhẹ do tính thời vụ. Giá gas và giá xăng dầu giảm do ảnh hưởng của việc giảm giá các mặt hàng này trên thế giới.

Trong khi đó, tại TPHCM, danh mục nhóm hàng hóa có mức giá giảm lên tới 5/11 nhóm hàng, gồm văn hóa giải trí (giảm 2,62%), nhà ở điện nước chất đốt (giảm 2,02%), may mặc mũ nón (giảm 0,07%) hàng hóa và dịch vụ khác (giảm 0,17%). 

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống vẫn tăng nhưng mức tăng không đáng kể, chỉ ở mức 0,18%, chủ yếu do tăng giá ở ăn uống ngoài gia đình - tăng 1,18%. Trong khi đó, lương thực và thực phẩm vẫn giữ đà giảm lần lượt giảm 0,51% và 0,3%.

Không nằm trong rổ tính giá, tại Hà Nội, chỉ số giá vàng giảm 2,69% trong khi chỉ số giá USD tăng 0,25% so tháng trước. Ở TPHCM, chỉ số giá vàng và USD diễn biến trái chiều, tương ứng giảm 1,58% và tăng 0,27%.

Trong khi đó, mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội trên địa bàn (GRDP) ở hai đầu tàu kinh tế tăng thấp hơn so với mức tăng những năm trước đó. Tại Hà Nội, GDP 6 tháng đầu năm tăng 7,6% so cùng kỳ với mức sụt giảm mạnh ở ngành nông, lâm và thủy sản (giảm 2,9%). Trong khi đó, mức tăng trưởng ở các ngành dịch vụ tăng 8,5% so cùng kỳ và đóng góp lớn vào mức tăng chung. Còn tại TPHCM, 6 tháng đầu năm, GDP tăng 8,1% so cùng kỳ năm 2011.

Nếu cầu thị trường giảm đột ngột và tồn kho sản xuất vẫn phổ biến và ở mức cao thì đây sẽ là dấu hiệu bất lợi cho nền kinh tế. Về lý thuyết, tình trạng giảm phát nếu diễn ra trên diện rộng sẽ làm tăng tâm lý cất giữ tiền, hạn chế hoặc trì hoãn tiêu dùng của người dân. Từ đó, sẽ càng khiến cầu thị trường suy giảm, giảm sức mua và buộc các doanh nghiệp phải tiếp tục giảm giá hàng bán, gây hệ lụy tới tiền lương và việc làm.

Giảm phát cũng không phải là điều mà các nhà băng mong đợi khi lãi suất danh nghĩa không thể âm, nên lãi suất thực tế có thể lên rất cao và tăng gánh nặng nợ nần.

Hiện tại, trong điều hành, Chính phủ đã tiến hành một số biện pháp kích thích tăng trưởng với việc giảm lãi suất (đưa trần lãi suất tiền gửi và trần lãi suất cho vay lần lượt xuống còn 9% và 13%), phấn đấu tăng trưởng tín dụng mỗi tháng 2% đến cuối năm và tăng lương... nhằm kích cầu. Đồng thời cũng đưa ra thông điệp sẽ phối hợp các biện pháp đề phòng lạm phát trở lại.

Về phía doanh nghiệp, trong bối cảnh hiện nay, để tránh việc thụ động "tự sát" khi tiếp tục sản xuất những mặt hàng không thể bán hoặc khó tiêu thụ thì phải tiến hành các cải cách cơ cấu - bao gồm nâng cao quản trị cũng như chất lượng sản phẩm và cải thiện danh mục hàng hoá, dịch vụ sản xuất và chuyển các năng lực sản xuất dư thừa sang các lĩnh vực mới, còn nhiều tiềm năng phát triển, hoặc tạo ra nhu cầu mới cho xã hội.

Bích Diệp