Công ty cổ phần xử lý, tái chế chất thải công nghiệp Hòa Bình cam kết bảo vệ môi trường
(Dân trí) - Liên quan đến hoạt động xử lý ô nhiễm trên địa bàn huyện Yên Dũng (Bắc Giang), Công ty cổ phần xử lý, tái chế chất thải công nghiệp Hòa Bình luôn chủ động phối hợp, hỗ trợ các cơ quan chức năng.
Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Yên Dũng vừa có Báo cáo số 48/BC-TNMT về kết quả kiểm tra, xác minh nguồn thải gây ô nhiễm nước mương tiêu cánh đồng thôn Tân Hưng, xã Tư Mại.
Theo đó, nhận được thông tin phản ánh của người dân xã Tư Mại về việc mương nước trên cánh đồng thôn Tân Hưng có màu đen, mùi hôi, đề nghị Phòng TN&MT kiểm tra, ngày 17/6/2020, Phòng TN&MT đã phối hợp với UBND thị trấn Nham Biền, Ban quản lý thôn Tân Hưng, xã Tư Mại kiểm tra, xác minh nguồn nước thải.
Báo cáo cho biết: Tại thời điểm kiểm tra mương nước từ thôn Tân Hưng ngược về phía trên theo đường nước chảy đến gần cống đường vào khu xử lý rác tập trung của huyện, nước mương có màu đen, mùi hôi là đặc trưng của thải sinh hoạt, chăn nuôi… Đây là mương nước tiếp nhận nước ở các cánh đồng và nước thải sinh hoạt cả tổ dân phố Đông Hương, thị trấn Nham Biền, nước ở các cánh đồng thuộc thôn Tân Hưng và nước thải của Nhà máy tái chế, xử lý chất thải công nghiệp Hoà Bình rồi đổ về kênh tiêu thuộc địa phận thôn Tân Hưng.
Tổ công tác cùng đại diện Nhà máy tái chế, xử lý chất thải công nghiệp Hoà Bình tiến hành kiểm tra cho thấy nhà máy vẫn hoạt động bình thường, không thấy có xả thải nước ra ngoài môi trường qua đường ống xả thải của nhà máy; kiểm tra dọc tuyến mương phía sau nhà máy và các khu vực liền kề, cho thấy điểm xả thải đến sau nhà ở công nhân của nhà máy, nước mặt mương nước có màu bình thường, mương nước nhiều cây cỏ che lấp; đoạn từ sau cống qua mương đường vào khu xử lý rác của huyện đến cống thuộc xứ đồng Lò Ngói, thôn Tân Hưng thì nước có màu đen, mùi hôi tanh.
Tại buổi làm việc, các thành phần đã tiến hành kiểm tra dọc theo tuyến kênh nhưng không phát hiện được dấu vết nguồn thải và đã mời đơn vị quan trắc môi trường về lấy 4 mẫu nước mặt tại các vị trí khác nhau để phân tích, đánh giá chất lượng và mức độ ô nhiễm nguồn nước nêu trên. Kết quả phân tích cho thấy nguồn nước ở mương ô nhiễm không phải là nước thải công nghiệp nặng mà là thông số vượt quy chuẩn thường có trong nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, nước thải do phân huỷ chất hữu cơ, nước thải hầm cầu…
Để xác định và xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm, Phòng TN&MT huyện Yên Dũng đã đề nghị Nhà máy tái chế, xử lý chất thải công nghiệp Hoà Bình hỗ trợ địa phương kinh phí lắp camera giám sát, kinh phí chi cho tổ kiểm tra địa phương để bắt giữ các đối tượng xả thải trái phép, phối hợp với chính quyền địa phương phát cây, nạo vét, khơi thông mương thoát nước khu vực phía sau nhà máy…
Liên quan tới vụ việc trên, ông Nguyễn Thanh Nhàn, Giám đốc Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp, tái chế phế liệu thuộc Công ty cổ phần xử lý, tái chế chất thải công nghiệp Hòa Bình, cho biết: Toàn bộ nước thải thu gom từ các khách hàng và nước thải phát sinh từ hoạt động sản xuất của nhà máy được thu gom, lưu giữ tại các bể chứa nước thải (bể được bọc HDPE).
Sau đó nước thải được đưa vào xử lý tại hệ thống xử lý nước thải đã được Bộ tài nguyên và Môi trường cấp phép, nước thải sau hệ thống xử lý đạt QCVN 40:2011/BTNMT, cột B - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp.
Ngoài ra, nước thải sau hệ thống xử lý đạt quy chuẩn được dẫn ra hồ điều hoà (hồ điều hoà được bọc HDPE) nhằm tăng tính ổn định của nước thải trước khi chảy ra kênh mương bằng hình thức tự chảy.
Không những vậy, ông Nhàn còn cam kết và khẳng định không có chuyện xả nước thải chưa xử lý ra ngoài môi trường. Quá trình hoạt động Công ty cam kết tuân thủ các quy định về pháp luật bảo vệ môi trường.
Vẫn theo ông Nhàn, trên tinh thần cầu thị và vì một môi trường xanh - sạch - đẹp, nên mỗi khi có ý kiến phản ánh của người dân liên quan tới lĩnh vực môi trường, nhà máy đều khẩn trương xin ý kiến từ lãnh đạo Công ty để cắt cử cán bộ chuyên môn xuống hiện trường nắm tình hình thực tế.