Công, tư "bắt tay" hỗ trợ phát triển thủy sản bền vững tại Việt Nam

(Dân trí) - Bản thỏa thuận hợp tác công-tư về thủy sản bền vững vừa được ký kết lần đầu tiên tại Việt Nam, đánh dấu nỗ lực của các bên tham gia đóng góp cho sự phát triển của ngành thủy sản Việt Nam theo hướng bền vững và có trách nhiệm.

Công, tư "bắt tay" hỗ trợ phát triển thủy sản bền vững tại Việt Nam - 1
Đại diện các bên ký kết thỏa thuận hợp tác công-tư về thủy sản bền vững (Ảnh: N.A)

Thỏa thuận hợp tác này vừa được ký kết với sự tham gia sáng lập của 6 thành viên khác bao gồm: Tổ chức hợp tác Quốc tế CHLB Đức (GIZ), Tổ chức Sáng kiến Bền vững Thương mại (IDH), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản (VIFEP), Hiệp hội Nghề cá Việt Nam (VINAFIS), và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt nam (WWF-Việt Nam).

Phát biểu tại lễ ký kết, TS. Phạm Anh Tuấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản nói: “Chính phủ Việt Nam đánh giá cao vai trò và sự đóng góp của các tổ chức xã hội dân sự, các tổ chức phi chính phủ và các công ty tư nhân cho sự phát triển bền vững của ngành thủy sản. Thỏa thuận hợp tác này là nền tảng cho sự hợp tác giữa hai khối nhà nước – tư nhân, đồng thời góp phần giảm thiểu sự chồng chéo trong hoạt động và tăng cường sự phối hợp giữa các bên.”

“Thỏa thuận hợp tác này sẽ hỗ trợ cho sự phát triển của ngành thủy sản khi hướng tới mục tiêu phát triển chó trách nhiệm và đáp ứng nhu cầu đặt ra bởi các thị trường xuất khẩu,” ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký VASEP nhấn mạnh.

TS. Christian Henckes, Giám đốc Chương trình của GIZ/ICMP nhận định: “Thách thức lớn nhất của ngành thủy sản Việt Nam tại thời điểm hiện tại là chuyển đổi từ sản xuất dựa trên số lượng sang sản xuất dựa trên chất lượng. Trong xu thế đó, chính phủ cần kêu gọi được sự chung tay của tất cả các bên, đặc biệt là doanh nghiệp và nhà sản xuất. Và hình thức hợp tác công-tư này trở thành một bước đi quan trọng, đúng hướng.”

Hợp tác công - tư (PPP) là hình thức hợp tác giúp tối ưu hóa hiệu quả đầu tư và cung cấp dịch vụ công cộng chất lượng cao, mang lại lợi ích cho cả nhà nước và người dân cũng như môi trường của nước sở tại.

Khi tham gia PPP, các doanh nghiệp và thậm chí cả ngư dân cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ thực hiện các chiến lược, chương trình và chính sách về thủy sản bền vững tại Việt Nam.

TS Lê Thanh Lựu, đại diện cho VINAFIS, chia sẻ: “Đây là một bước đi quan trọng của doanh nghiệp. Thỏa thuận hợp tác này sẽ tăng cường “tiếng nói” của ngư dân và doanh nghiệp trong việc tham gia vào quá trình phát triển thủy sản.”

Tất cả các thành viên của PPP cam kết hợp tác trong việc phát triển và thực hiện các hoạt động liên quan đến: Phát triển và thúc đẩy các nghề có trách nhiệm; hỗ trợ phát triển các chiến lược quốc gia, chương trình, kế hoạch và chính sách có liên quan về nghề cá có trách nhiệm và bền vững tại Việt Nam; hỗ trợ phát triển những giải pháp khuyến khích cho việc tiếp nhận các thực hành có trách nhiệm; và xúc tiến các sản phẩm thủy sản có trách nhiệm trên thị trường quốc tế trong nước.

Theo Bộ NN&PTNT, trong 8 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 4,13 tỷ USD, giảm 17,5% so với cùng kỳ năm 2014.

Nguyên An

Công, tư "bắt tay" hỗ trợ phát triển thủy sản bền vững tại Việt Nam - 2