Công thức chung của những doanh nhân "vượt khó" thành công
Theo ông Nguyễn Cảnh Bình - Chủ tịch công ty sách Alpha Books và ông Nguyễn Tuấn Quỳnh - Tổng Giám đốc công ty SFC, thành công bền vững sẽ dành cho những ai làm việc chăm chỉ một cách thông minh, dám nghĩ dám làm và có các lựa chọn đi trước thời đại.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: Dịch vụ đổi tiền lẻ giá “chát” vào mùa Vàng giảm nhẹ, chênh lệch 4 triệu đồng/lượng Triều Tiên giữ nguyên chính sách kinh tế sau khi xử tử ông Jang Song-thaek |
PV: Chào ông Tuấn Quỳnh, được biết có những giai đoạn “cao điểm” ông tham gia điều hành đến 6 doanh nghiệp một lúc, đồng thời còn giữ vị trí Phó Chủ tịch Hội Doanh Nhân trẻ TP HCM, đi dạy, tham gia các hoạt động xã hội… Để đảm đương được lượng trách nhiệm quá lớn như vậy, ông có cần một chỉ số IQ gấp đôi và một sức khỏe gấp đôi người khác?
Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh: Tôi là một người rất bình thường, thông minh trung bình và sức khoẻ tàm tạm. Điều duy nhất giúp tôi có thể làm được nhiều việc một lúc, chính là tình yêu với công việc mà mình đang làm. Mẹ tôi đã nhiều lần phàn nàn vì sự đa mang, tham công tiếc việc này của tôi. Và tôi đã trả lời là: Nếu một ngày nào đó, con không yêu thích công việc đó nữa, con sẽ từ bỏ.
Tuy nhiên, làm nhiều việc cùng một lúc, đòi hỏi tôi phải rất tập trung mới có thể tạo ra những kết quả tốt đẹp. Bây giờ, tôi đã làm ít hơn, buông bỏ bớt và sống chậm lại.
PV: Vậy còn ông Cảnh Bình? Để đưa một doanh nghiệp mới thành lập lên vị trí “top” của khối xuất bản tư nhân trong vòng tám năm, hẳn lịch làm việc của ông phải rất dày đặc?
Ông Nguyễn Cảnh Bình: Vâng cám ơn bạn. Một ngày của tôi thường bắt đầu từ 6h và kết thúc vào 24h. Nhưng từ nhiều năm trước tôi đã có cách làm việc như vậy rồi. Có lẽ tôi khó lòng ngồi yên một chỗ và luôn tìm ra những việc mới, những ý tưởng mới để theo đuổi. Song càng ngày công việc càng nhiều lên và phạm vi, lĩnh vực lẫn mức độ khó khăn cũng rộng và lớn hơn trước.
PV: Chúng ta thường tự hào rằng người Việt Nam chăm chỉ, thông minh, nhưng bài học từ những doanh nhân nổi tiếng thường cho thấy sự dấn thân, dám nghĩ dám làm mới là yếu tố làm nên thành công lớn. Ông Tuấn Quỳnh có thể chia sẻ yếu tố dấn thân, dám nghĩ dám làm đã ảnh hưởng thế nào đến cuộc đời và sự nghiệp của ông?
Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh: Tôi tốt nghiệp đại học năm 1994 và bắt đầu đi làm với vị trí nhân viên bình thường ở một công ty dầu khí. Điều duy nhất tôi tâm niệm là khi đã làm công việc gì thì phải luôn phấn đấu trở thành người giỏi nhất trong lĩnh vực đó. Tôi luôn tự nhủ, mình không phải là người thông minh. Vì vậy, để có được thành công tôi phải chuẩn bị kỹ và nỗ lực nhiều hơn người khác.
Tôi thử thách bản thân qua các cuộc thi và kết quả là tôi thường đạt được những giải cao nhất. Ví dụ như: Giải Nhất Cuộc thi do tàu Peace Boat và Hội Liên Hiệp Thanh Niên VN tổ chức và giải thưởng là du lịch vòng quanh thế giới năm 1999; Giải nhất cuộc thi do Đại sứ quán Ấn Độ tổ chức về mối quan hệ VN-Ấn Độ trong thế kỷ 21 và giải thưởng là một chuyến du lịch Ấn Độ năm 2001; Giải nhất cuộc thi Tuỳ bút xanh của Báo Tuổi Trẻ Online năm 2010, 2011; Giải thưởng Doanh nhân được yêu thích nhất năm 2011; Giải thưởng Giảng viên doanh nhân được yêu thích nhất năm 2013…
Tôi nghĩ rằng, khi đặt mục tiêu rõ ràng trong công việc với những yêu cầu cao dành cho bản thân, tôi có đích đến cụ thể để vươn tới. Vấn đề là định ra con đường và dám dấn thân, bắt tay vào thực hiện nó. Bên cạnh đó, với tố chất của một cán bộ Đoàn, tôi luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội cũng như sẵn lòng hỗ trợ, giúp đỡ những người xung quanh, đặc biệt là dìu dắt những bạn trẻ.
Tôi xem sự thành công của họ cũng chính là sự thành công của mình. Tôi cũng xốc nổi, đa mang và va vấp, thất bại nhiều nhưng tôi chưa bao giờ nản chí hoặc thiếu tự tin. Tôi đã trưởng thành từ những thất bại của bản thân, nhất là trong việc điều hành kinh doanh và đối nhân xử thế.
Tôi cho là may mắn giữ vai trò hết sức quan trọng trong cuộc sống. Nhưng với tôi, trong nhiều trường hợp trừ việc mua xổ số hoặc đánh bài, may mắn chính là kết quả của sự nỗ lực, dấn thân, làm việc trước đó. Tôi đã từng có cơ hội để kiếm tiền, tôi đã “chộp” lấy cơ hội đó. Nhưng cơ hội chỉ mở ra cho tôi khi tôi đã làm việc cật lực và xuất sắc. Tôi tin mọi thứ trong cuộc đời này đều có “duyên” của nó. Và “may mắn” cũng là “duyên” của sự cố gắng, nỗ lực mà đôi khi chúng ta không nhìn thấy rõ ràng được.
PV: Với ông Cảnh Bình, sự dám nghĩ dám làm của ông thể hiện rõ khi ông bắt tay vào làm dòng sách tri thức, lĩnh vực được xem là nhiều thử thách nhất. Ông quyết định bước chân vào lĩnh vực này đơn thuần chỉ do đam mê, hay vì khi đó ông đã nhìn ra cách thức giúp doanh nghiệp mình phát triển? Khi đó ông có sợ thất bại không và đâu là những lựa chọn khó khăn nhất của ông từ trước đến nay?
Ông Nguyễn Cảnh Bình: Ban đầu tôi làm hoàn toàn do đam mê, nhưng phải nói thêm là tôi luôn có niềm tin và càng ngày càng tin hơn vào điều mình đã tin. Tôi tin rằng, khi xã hội phát triển, con người cần nhiều tri thức hơn chứ không phải ít đi. Xã hội chúng ta sẽ phát triển hơn, văn minh hơn, tri thức hơn dù lẽ ra nó hẳn đã phải tốt hơn lắm rồi… Vì thế, tôi tin có thị trường cho mình, có nhiều người cần đến mình.
Thất bại là điều hoàn toàn có thể xảy ra với bất kỳ ai. Tôi cũng đôi khi nghĩ đến nó, và từng đương đầu, đối diện với nó, tưởng chừng như thất bại không tránh khỏi. Nhưng đúng hôm đó tôi tự đặt câu hỏi cho mình. Liệu mình có tham lam không, có dốt không, có lười không? Không, tôi tin rằng tôi không như thế! Vậy thì tôi chẳng phải lo lắng nhiều. Vấn đề là làm thế nào điều hành công ty cho thật hiệu quả. Làm thế nào để chọn sách chất lượng, để có được nhân sự giỏi, để bán hàng tốt… Vậy thôi.
Về các lựa chọn, tôi nghĩ cá nhân tôi và Alpha Books đã từng có hai lựa chọn khó khăn. Đó là năm 2006 chúng tôi phải lựa chọn về dòng sản phẩm: Sẽ thiên về các sản phẩm giải trí mang lại lợi nhuận cao hay là sản phẩm có giá trị, có đóng góp cho sự phát triển của dân trí dù lợi nhuận mang lại không nhiều? Cuối cùng tôi đã chọn lựa chọn thứ hai với các dòng sách độc giả đã quen thuộc như hiện nay.
Lựa chọn khó khăn thứ hai là mở rộng hay không không mở rộng công ty trong bối cảnh khủng hoảng bắt đầu lan rộng, và có ảnh hưởng rõ nét đến kinh tế và đời sống của người dân. Cuối cùng cá nhân tôi lại tiếp tục chọn lựa chọn thứ hai bởi tôi tin rằng những gì thực sự có giá trị vẫn có thể trụ vững và phát huy. Tôi cũng luôn luôn khuyến khích nhân viên của mình đổi mới, sáng tạo hơn nữa trong công việc, lĩnh vực của mình. Bởi tôi tin rằng, nhu cầu của khách hàng luôn luôn có, nó chỉ biến đổi từ dạng này sang dạng kia mà thôi. Điều quan trọng là mình nắm bắt, đón đầu và đáp ứng được nhu cầu đó.
PV: Về phía ông Tuấn Quỳnh, theo quan điểm lãnh đạo của ông thì yếu tố tiên phong đi đầu có vai trò thế nào đối với con đường phát triển của một doanh nghiệp? Ông có thể cho biết một số trường hợp mà ông thấy tâm đắc?
Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh: Tôi nghĩ rằng, yếu tố tiên phong đi đầu có vai trò quan trọng đối với sự phát triển doanh nghiệp.
Tại một số công ty, tạo ra sản phẩm, mới, lạ, độc đáo là tiêu chí cho hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Có công ty đẩy nhanh tốc độ tung ra sản phẩm mới, vừa xây dựng được giá bán cao, vừa đẩy các đối thủ cạnh tranh ở thế người đi sau. Nếu đối thủ cạnh tranh “bắt chước” sản phẩm nào đó thì cũng là lúc công ty kịp tung ra mẫu mới và bán với giá cao; còn mẫu cũ thì hạ giá để cạnh tranh với đối thủ. Với chiến lược này, một số công ty đã phần nào tạo được vị thế tiên phong trên thị trường.
Samsung là một ví dụ. Nhận ra sự chuyển đổi từ công nghệ analog sang công nghệ kỹ thuật số (digital) sẽ mang đến nhiều cơ hội mới nên cuối năm 1998, Samsung đầu tư hàng tỷ USD vào việc nghiên cứu, sản xuất hàng loạt chip điện tử và màn hình tinh thể lỏng LCD. Và chỉ 4 năm sau, đến tháng 12/2003, Samsung đã sản xuất 1 triệu chiếc TV loại này và trở thành công ty dẫn đầu thị trường. Đồng thời, vào năm 2002, Samsung đã đầu tư mạnh vào bộ nhớ flash. Nhờ vậy, Samsung trở thành nhà cung cấp và cũng là đối thủ cạnh tranh phần cứng lớn nhất của Apple.
Những quyết định táo bạo trên đã giúp Samsung đạt được những khoản lợi nhuận khổng lồ. Samsung đầu tư vào lĩnh vực công nghệ mới và âm thầm phát triển, sau đó chớp lấy thời cơ, áp đảo thị trường bằng cách cho sản xuất hàng loạt sản phẩm, với một tốc độ càng nhanh càng tốt.
PV: Với những gì hai ông vừa chia sẻ, dường như con đường dẫn đến thành công của các doanh nhân đều có chung công thức. Và điều này cũng có sức thu hút rất lớn đối với công chúng. Năm 2012, quyển Tiểu sử Steve Job của Alpha Books đã tạo ấn tượng trong ngành xuất bản khi bán hết 15 ngàn quyển trong tháng đầu ra mắt. Ông Cảnh Bình có thể giải thích giúp vì sao lại như vậy?
Ông Nguyễn Cảnh Bình: Công chúng và nhất là giới trẻ Việt Nam đang khao khát thần tượng cho mình, không chỉ giới doanh nhân công nghệ mà ở nhiều lĩnh vực khác. Họ muốn có một hình mẫu để theo đuổi, để học tập, để hâm mộ, để ca ngợi, để tìm hiểu và để yêu quí.
Steve Jobs xứng đáng là người như thế với những thành tựu ông đã làm được, với tính cách độc đáo, lạ lẫm có phần kỳ quặc, với tầm nhìn và ý chí nghị lực. Steve Jobs ở đúng bối cảnh công nghệ, trong đúng ngành rất hot là điện thoại thông minh, ở một cường quốc là nước Mỹ, lại qua đời đúng ở đỉnh cao sự nghiệp, hoàn hoàn vừa khớp với mẫu thần tượng của công chúng Việt Nam.
PV: Ông Tuấn Quỳnh có quan tâm tìm hiểu sự nghiệp và cách làm việc của các doanh nhân tầm cỡ thế giới không? Theo ông, trong ngành công nghệ sau Steve Jobs và Bill Gates, trẻ hơn thì có Mark Zukenberg, nhân vật nào sẽ để lại những bài học lớn cho thế hệ trẻ?
Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh: Tôi thích học hỏi từ những người đi trước, đặc biệt là các doanh nhân tầm cỡ thế giới. Gần đây, tôi rất thích vị lãnh đạo tập đoàn Samsung, ông Lee Kun Hee với câu nói nổi tiếng “ Hãy thay đổi tất cả trừ vợ và con bạn.”
Ông Lee Kun Hee đã gặp rất nhiều thất bại trong 13 năm đầu tiên lãnh đạo tập đoàn Samsung và thậm chí, đã có lúc đứng trên bờ vực phá sản. Tuy nhiên, chỉ vài năm sau đó, Samsung đã trở thành tập đoàn hàng đầu thế giới dưới sự lãnh đạo của Lee Kun Hee. Bí quyết của sự thành công này chính là Phải thay đổi! Trong thư chúc tết đầu năm 1993, Lee Kun Hee đã gửi một thông điệp mạnh mẽ: không thay đổi ngay lập tức thì Samsung sẽ bị phá sản!
Ông bắt đầu bằng những thay đổi đơn giản. Ông quyết định thay đổi giờ làm việc của công ty: 180 nghìn công nhân viên Samsung áp dụng giờ làm việc mới: từ 7 giờ sáng đến 4 giờ chiều nhằm tránh kẹt xe. Bên cạnh đó, ông sử dụng đồng hồ cát trong các cuộc họp, để khống chế thời gian và các cuộc họp phải ngắn, gọn để mọi người dành thời gian cho công việc.
Một điểm độc đáo nữa ở Lee Kun Hee là chính sách “Dùng chất lượng để chấn chỉnh doanh nghiệp”. Ông kêu gọi: “Người Samsung phải mạnh dạn vứt bỏ quan niệm truyền thống trước nay trọng sản lượng, nhẹ chất lượng; nếu không, Samsung sẽ không thể tồn tại được trong thế kỷ XXI. Hàng không đạt tiêu chuẩn là một thứ khối u nguy hiểm, là kẻ địch của chúng ta, là căn nguyên của mọi thất bại trong kinh doanh. Samsung phải chuyển hướng phương thức sản xuất, phải làm ra các sản phẩm có giá trị cao, làm ra nhiều mặt hàng với số lượng mỗi seri không nhiều, phải làm hàng xịn”.
PV: Môi trường kinh doanh ở mỗi quốc gia mỗi khác. Vậy tấm gương và bài học của doanh nhân ở các nước khác có đem lại điều gì bổ ích cho người đọc Việt Nam?
Ông Nguyễn Cảnh Bình: Chắc chắn là có nhưng sẽ ở các mức độ khác nhau dù mọi doanh nhân thành công đều phải sở hữu những ý chí, nghị lực lớn lao. Thành công của các danh nhân Mỹ nhờ ở ý tưởng kinh doanh và môi trường, hệ sinh thái kinh doanh của họ giúp cho họ có thể vươn lên dẫn đầu. Còn bài học từ các quốc gia gần gũi chúng ta hơn như Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, hay Nhật Bản hẳn giúp các bạn trẻ học được ý chí của con người có thể mang lại những gì…
Với tôi, tinh thần lao động chăm chỉ, kiên trì và ý chí lớn lao, vượt qua những khó khăn tất yếu sẽ xuất hiện là chìa khóa then chốt làm nên thành công ở Việt Nam, nhưng tri thức sẽ giúp họ thành công bền vững.
PV: Câu hỏi cuối dành cho ông Tuấn Quỳnh, một người dù thành công đến mấy thì vẫn sẽ có những người thành công hơn. Ông có bao giờ so sánh mình với ai đó để đặt ra mục tiêu phấn đấu?
Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh: Tôi chưa bao giờ so sánh mình với ai khác. Tôi chỉ nỗ lực học hỏi, làm việc để mỗi ngày trôi qua đều có giá trị và đáng sống. Tôi muốn mình của ngày hôm nay phải vị tha, nhân hậu và trí tuệ hơn mình của ngày hôm qua.
Xin cảm ơn hai ông!