Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát ngân hàng là rất quan trọng

Trần Kháng

(Dân trí) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát ngân hàng là rất quan trọng nhằm phát hiện từ sớm các rủi ro, các sai phạm để có thể can thiệp từ sớm.

Chiều 23/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi.

Tại báo cáo này, ông Thanh cho biết, các quy định về can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, cho vay đặc biệt tổ chức tín dụng tại dự thảo Luật là những quy định còn có nhiều ý kiến khác nhau.

Liên quan tới một số ý kiến đề nghị cần xem xét vấn đề cho vay, đặc biệt là cho vay với lãi suất 0%, không có tài sản bảo đảm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cơ quan trình, chủ trương chung là không sử dụng ngân sách Nhà nước để xử lý tổ chức tín dụng yếu kém.

Công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát ngân hàng là rất quan trọng - 1

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra (Ảnh: Quochoi.vn).

Trong điều kiện đó, để đạt được mục tiêu bảo đảm an toàn hệ thống, không để xảy ra trường hợp khủng hoảng ngân hàng, đe dọa ổn định kinh tế vĩ mô, buộc phải có cơ chế cho phép sử dụng các nguồn lực của hệ thống tổ chức tín dụng.

Vì vậy, Ủy ban Thường vụ đề nghị giữ quy định: Tổ chức tín dụng được vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước, tổ chức bảo hiểm tiền gửi và tổ chức tín dụng khác trong một số trường hợp; quy định ngân hàng Nhà nước quyết định việc cho vay đặc biệt với lãi suất là 0% đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt; quy định khoản cho vay đặc biệt có tài sản bảo đảm và trường hợp cho vay không có tài sản bảo đảm theo quy định của ngân hàng Nhà nước; giữ cơ chế xử lý tổn thất cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi và ngân hàng hợp tác xã.

Về ý kiến đề nghị cần nghiên cứu để quy định thành một chương về thanh tra, kiểm tra, giám sát ngân hàng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát ngân hàng là rất quan trọng nhằm phát hiện từ sớm các rủi ro, các sai phạm để có thể can thiệp từ sớm giảm thiểu tác động tiêu cực đến thị trường. Đây là biện pháp phòng ngừa hữu hiệu đối với an toàn của thị trường ngân hàng, tài chính.

Cũng theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiện nay, khoản 1 Điều 200 của dự thảo Luật mới chỉ quy định "Ngân hàng Nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra, giám sát tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện tại Việt Nam của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam".

Trong khi Luật Thanh tra quy định cụ thể về hoạt động thanh tra, bao gồm cả thanh tra chuyên ngành và trên thực tế triển khai hoạt động của thanh tra ngân hàng sẽ thực hiện cả quy định của Luật Thanh tra và Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, dự án Luật Các tổ chức tín dụng rất khó, phức tạp, có tính chất nhạy cảm, liên quan đến an ninh tài chính quốc gia, an ninh an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động kinh tế - xã hội.

Với vai trò rất quan trọng của Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi đối với nền tài chính quốc gia, chất lượng của dự án Luật là vấn đề phải được đặt lên hàng đầu, đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở khoa học và thực tiễn để tránh trường hợp Luật sau khi ban hành nếu có bất cập sẽ gây nhiều tác động, nhất là đối với an ninh, an toàn hệ thống ngân hàng và hoạt động kinh tế - xã hội.

Vì vậy, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc Quốc hội xem xét, chưa thông qua dự thảo Luật tại Kỳ họp thứ 6 mà sẽ xem xét, thông qua tại kỳ họp sau là hết sức cần thiết để các cơ quan có đủ thời gian nghiên cứu rà soát, kỹ lưỡng, thận trọng dự thảo Luật.