Đà Nẵng - TT-Huế:

Công nhân lo cảnh "tết đến không tiền"

(Dân trí) - Trong khi nhiều người đang tíu tít lo mua sắm tết, lên kế hoạch chơi xuân thì ước mơ nhỏ nhoi của nhiều công nhân được đoàn tụ bên gia đình đón tết vẫn là xa xỉ. Người mất việc, kẻ không có đủ tiền để mua vé xe về quê.

Doanh nghiệp khó khăn, công nhân khốn đốn

Chỉ tính riêng 3 doanh nghiệp (DN) có báo cáo gửi Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng về tình hình lao động mất việc cuối năm đã có tới 899 công nhân bị cho nghỉ việc. Có công ty chỉ giữ lại 5 người để lo thủ tục, thậm chí có công ty còn cho nghỉ toàn bộ đợi giải thể. Nguyên nhân chung được đưa ra là do kinh doanh, sản xuất khó khăn vì ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới.

Ngoài ra, ở Đà Nẵng còn có một “nỗi khổ” riêng là cơn bão Xangsane đã phá hỏng cơ sở hạ tầng của nhiều công ty, đẩy các DN vào thế cầm cự cho đến khi dính phải “cú đấm suy thoái toàn cầu” năm nay nên gục hẳn. Một công ty của Đài Loan giữa năm 2008 còn tới 400 công nhân nhưng đến cuối năm nay chỉ còn 106 người. Và cứ theo đà thua lỗ này, 101 người trong số còn lại đang bị làm thủ tục cho nghỉ.
 
Công nhân lo cảnh "tết đến không tiền" - 1

Những công nhân may mắn hơn những người bị mất việc hoặc phải bỏ việc.

Ngoài ra, một số lượng không nhỏ công nhân buộc phải bỏ việc vì không chịu nổi những khó khăn dồn dập trong cuộc sống. Một công nhân (xin giấu tên) của Công ty V.K (KCN Hòa Khánh) chua chát: “Thời buổi này mà lương của em chỉ được 900.000 đồng/tháng, lo sao nổi tiền nhà, ăn uống? Ăn trưa ở công ty được hỗ trợ 6.000 đồng/bữa nhưng cũng chẳng nuốt nổi. Một số anh chị đã nghỉ vì không chịu nổi “nhiệt” nhưng em vẫn phải cố vì giờ về quê tay trắng biết lấy gì mà sống?”

Một công nhân công ty sản xuất gỗ trong KCN này cũng cho biết: mặc dù mới vào làm được vài tháng nhưng anh đang tính chuyện nghỉ việc bởi thu nhập quá thấp lại không ổn định. Người lương cao được trên dưới 1 triệu đồng/tháng còn người mới vào như anh chỉ được vỏn vẹn 500.000 đồng. Do thu nhập quá thấp, công nhân công ty này cứ làm được vài tháng lại bỏ. Người ngoài không biết lại xin vào làm rồi lại bỏ như một vòng luẩn quẩn.

Ở TT-Huế, tình hình cũng không kém phần bi đát cho nhiều công nhân. Hàng trăm công nhân một công ty dệt lớn đang có nguy cơ phải nghỉ không lương vài tháng trời do sản phẩm ứ đọng. Một công ty sản xuất gạch men trong KCN Phú Bài cũng đã cho công nhân nghỉ hơn 1 tháng nay. Thậm chí hàng chục công nhân của một khu resort bề thế buổi sáng đến làm việc mới biết mình đã được cho nghỉ trong khi lương bổng vẫn chưa được thanh toán.

May mắn hơn những người mất việc, những công nhân đang làm việc cũng như ngồi trên đống lửa khi nhắc đến những khoản thưởng tết. Cũng do khó khăn chung, các DN đều “thắt lưng buộc bụng” và thường những khoản dễ “thắt” nhất chính là thưởng.

Theo sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, hiện có 60 DN đóng tại các KCN và chế xuất đăng ký thưởng tết cho công nhân. Trong số 32.000 công nhân, người nhận cao nhất là 3 triệu đồng, cao “đột biến” so với mức bình quân trên dưới 1 triệu đồng/người. Thậm chí, có DN chỉ thưởng 66.000 đồng/người hoặc thưởng bằng sản phẩm. Còn báo cáo của sở LĐ-TB&XH TT-Huế cũng cho thấy, nhiều DN thưởng tết cả dương lịch lẫn Nguyên đán cho công nhân 100.000 đồng/người.

Những cái tết tha hương…

Hạnh Loan - một công nhân quê Hà Tĩnh  làm việc tại KCN An Đồn (Đà Nẵng) tâm sự: “Bố mẹ vừa điện thoại cho em bảo tết nay về quê. Em muốn lắm, nhưng cứ tình trạng đi làm "bữa đực bữa cái" này thì lấy đâu tiền về quê. Đây là cái tết đầu tiên em phải xa nhà. Chị ở cùng phòng, cứ hễ nghe điện thoại là thon thót không biết nói sao với bố mẹ ở quê”.
 
Công nhân lo cảnh "tết đến không tiền" - 2

Đời sống thực sự gặp nhiều khó khăn (Trong ảnh: bữa ăn của 4 công
nhân ở KCN Hòa Khánh là 2 bơ gạo, bát nước mắm và rau sống).

Nói rồi, Loan ngân ngấn nước mắt khi tưởng tượng cảnh phải ở lại phòng trọ ăn tết năm đầu tiên: cả khu trọ chỉ có hai đứa con gái ở lại làm cùng công ty. Loan làm ngay một phép tính nho nhỏ, để có một chuyến về quê ăn tết, tiền xe cả đi lẫn về hết khoảng 1 triệu, rồi còn quà cáp cho người thân... tằn tiện lắm cũng phải đến 2 triệu. Khoản tiền đó quá lớn so với thu nhập 1 triệu đồng/tháng và thưởng tết 300.000 đồng.

Cảnh ăn tết xa nhà có thể mới mẻ với Loan nhưng không phải là điều gì quá đặc biệt với công nhân các KCN. Một chủ một khu phòng trọ ở gần KCN Hòa Khánh kể: “Năm nào chỗ tui chẳng có vài đứa phải ở lại ăn tết. Nói là ăn tết chớ mấy đứa con trai thì lo nhậu rồi chơi bài, mấy đứa con gái chỉ biết ôm mặt khóc. Không có tiền về cũng tội, ở lại cũng tội!”.
 
Chị Nguyễn Thị Hoa (công nhân KCN Hòa Khánh) buồn bã: “Làm vừa đủ ăn tằn tiện, cả tết chỉ trông cậy vào khoản thưởng nhưng với mức thưởng 500.000 như năm nay thì chỉ đủ tiền mua vé tàu chứ nói gì mua với sắm. Đi làm xa cả năm, về tết tay trắng biết ăn nói sao với họ hàng?”.

Còn em Lý Ngọc Kiều (quê Bạc Liêu) chẳng dám nghĩ đến chuyện “nói sao với họ hàng”. Không chịu nổi khó khăn, Kiều đã nghỉ việc ở một công ty sản xuất đồ chơi và giờ chẳng biết tính sao vì ở lại thì không có tiền, còn về quê cũng chẳng có xe. Kiều chỉ ước: “Giá mà ở đây cũng có xe đưa công nhân về quê như ở Bình Dương, Đồng Nai, em sẽ xin đi chui để về với ba má rồi ra tết tính tiếp”.

Ở TT-Huế, công nhân ở các KCN cũng đang lo sốt vó khi chỉ nhận được mức thưởng tết 200 - 300.000 đồng. Chị Hồ Thị Hường (quê ở Nghệ An), hiện là công nhân một công ty sản xuất ván ép ở KCN Phú Bài bấm đốt ngón tay nhẩm tính: “Sau khi trả xong tiền nhà, tiền điện nước mỗi người chỉ còn khoảng 400 - 500.000 đồng. Đi xe về đã mất hết 200.000 đồng, lấy chi ăn tết, lấy chi mà vô làm lại? Chắc năm nay lại ăn tết tại đây luôn”.
 
Chị Hường cũng cho biết, năm trước chị cũng phải ở lại đón tết tại xóm trọ và năm nay có lẽ cũng tái diễn cảnh góp tiền gói bánh chung, đón giao thừa trong xóm trọ lạnh lẽo, vắng vẻ…

Hồng Kỹ - Minh San