Công nghiệp hỗ trợ: Lạ lùng hai Bộ cùng đua
Việt Nam sẽ có 1.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, phục vụ 45% nhu cầu cho sản xuất trong nước. Kỳ vọng đó liệu có đạt được, khi mà chính các Bộ ngành còn đang chồng chéo, dẫm chân lên nhau khi thực hiện?
Kỳ vọng dang dở
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Những con số kỳ vọng tiếp tục được đưa ra. Đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 1.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, chiếm 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp.
Các sản phẩm này sẽ đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất trong nước, xuất khẩu 25% giá trị sản xuất công nghiệp. Đến năm 2030, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ made in Vietnam sẽ đáp ứng cho 70% nhu cầu trong nước.
Năm 2020, Việt Nam sẽ đáp ứng 60% nhu cầu linh kiện phụ tùng kim loại, nhựa - cao su, điện - điện tử, 65% nhu cầu nguyên phụ liệu hỗ trợ ngành dệt may, 75-80% nhu cầu ngành da giày.
Giá trị gia tăng của sản phẩm Việt Nam chỉ dao động từ 15 đến 30% trong sản phẩm công nghiệp (ảnh Phạm Huyền) |
Mục tiêu lớn nhất của Quy hoạch này là đảm bảo đến năm 2020, Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp.
Chỉ còn 5 năm để biến những kỳ vọng trên thành hiện thực, nhưng nhìn lại thực tế ngành công nghiệp hỗ trợ hiện nay, mới thấy, tương lai đó có lẽ còn xa.
Tổ chức JETRO (Nhật Bản) đã từng cho biết số linh kiện, nguyên phụ liệu nội địa cung ứng cho sản phẩm công nghiệp của Việt Nam chỉ chiếm 27,8% giá trị sản lượng công nghiệp, trong khi của Trung Quốc và Thái Lan chiếm tới 50-60%. Do vậy, giá trị gia tăng của sản phẩm Việt Nam chỉ dao động từ 15 đến 30% trong sản phẩm công nghiệp, kể cả những sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu lớn như may mặc và da giày.
GS Nguyễn Mại dẫn lại số liệu của Viện Chiến lược công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, chúng ta có khoảng 500 doanh nghiệp trong lĩnh vực chế tạo thì chỉ 200 doanh nghiệp trong nước đủ trình độ cung ứng cho cho nước ngoài nhưng cũng chủ yếu tập trung vào lĩnh vực xe máy và điện tử, nhiều sản phẩm không đạt mục tiêu đề ra.
Trong đó, công nghiệp ôtô đã từng đặt mục tiêu 2010-2020 nội địa hóa 60% nhưng hiện chỉ đạt 7-8%. Ngành dệt may dự kiến nâng tỉ lệ nội địa hóa lên 60% vào năm 2015 nhưng hiện vẫn phải nhập khẩu 99% bông, 60% sợi, 70% vải.
Việt Nam đã có hai khu CNHT ở Vũng Tàu và Hải Phòng trong chương trình hợp tác với Nhật Bản, nhưng sau 13 năm, vẫn chưa định hình được những sản phẩm cần tập trung xây dựng trên quy mô cả nước. Rốt cục, phần lớn sản phẩm CNHT vẫn là do chính doanh nghiệp FDI cung cấp.
Chồng chéo và lãng phí
Những động thái rốt ráo gần đây của Chính phủ và các bộ ngành để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển cho thấy, khoảng cách trên có thể được kéo gần. Đặc biệt, sau khi hàng loạt các thương hiệu lớn như Samsung, Nokia, LG, Intel tiếp tục mở rộng sản xuất ở Việt Nam, cơ hội mở ra vô cùng lớn.
|
Thực tế công nghiệp hỗ trợ Việt Nam chỉ có 200 doanh nghiệp trong nước đủ trình độ cung ứng cho cho nước ngoài |
Tuy nhiên, một chuyên gia trong lĩnh vực này than phiền, cách tiếp cận của các bộ dường như theo kiểu mạnh ai nấy làm, chồng chéo và trùng lặp.
Hồi đầu năm nay, Bộ KH-ĐT đã chủ động soạn đề án "Cơ chế chính sách ưu đãi cho công nghiệp hỗ trợ phát triển" gửi lên Chính phủ. Song, phần lớn, bản đề án rất giống với các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai..., giống cả về số liệu nghiên cứu của Quy hoạch công nghiệp hỗ trợ do Viện chiến lược công nghiệp, Bộ Công Thương soạn thảo, khi đó còn là dự thảo.
Trong khi đó, Bộ Công Thương được Chính phủ giao nhiệm vụ phải hoàn thành sớm Nghị định về công nghiệp hỗ trợ để ban hành trong năm nay. Song, phần lớn nội dung của nghị định này, xét cho cùng, vẫn là câu chuyện ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư phát triển trong ngành này, đặt biệt là các đề xuất xây dựng Quỹ lên tới 30.000 tỷ đồng.
Đó cũng là lý do mà hai tuần trước, Văn phòng Chính phủ đã phải ra thông báo "bác" đề án của Bộ KH-ĐT vì sự trùng lặp lãng phí.
Gần đây nhất, Cục Đầu tư nước ngoài cho hay đã có chương trình hợp tác với riêng với Samsung điện tử về phát triển CNHT hỗ trợ từ tháng 9/2014 đến hết năm 2015. Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng còn thông báo dự kiến sẽ rà soát khoảng 800 doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực.
Thế nhưng, lãnh đạo của Bộ Công Thương lại không hề hay biết về chương trình này. Sự hợp tác trên cũng gần như không liên quan gì đến chương trình hợp tác về chuyển giao công nghệ với doanh nghiệp Hàn Quốc hiện đang được tài trợ bởi Bộ Năng lượng, công nghiệp và thương mại Hàn Quốc.
Sự chồng chéo của các Bộ khiến cho chính Tập đoàn Samsung cũng băn khoăn khó xử. Một đại diện ở tập đoàn này đã từng chia sẻ với quan chức Việt Nam rằng, không biết sẽ cần phải tập trung nguồn lực để hợp tác với đầu mối bên nào của Việt Nam?
Mới đây, trong một sáng làm việc với đoàn chuyên gia công nghiệp hỗ trợ của Hàn Quốc, do Bộ Công Thương tổ chức, TGĐ công ty Nhựa Hà Nội Bùi Thành Nam còn phải cáo lỗi không tiếp lâu được, vì bận tiếp thêm đoàn của Nhật Bản, theo đầu mối của Bộ KH-ĐT tổ chức.