1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Công nghiệp Việt Nam: 30 năm chưa chọn được ngành “mũi nhọn”

(Dân trí) - Việt Nam được đánh giá là một trường hợp khá đặc biệt trong quá trình công nghiệp hoá khi thiếu một ngành công nghiệp mũi nhọn trong khi các nước châu Á khác thường chọn tập trung vào những ngành công nghiệp chủ đạo.

Báo cáo tại Hội thảo “Chính sách phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2035, thực trạng và định hướng”, Ban Kinh tế Trung ương thừa nhận, khủng hoảng kinh tế thế giới và toàn cầu hoá càng bộc lộ rõ sự chậm phát triển, tăng trưởng kinh tế Việt Nam thời gian qua, đặc biệt là tăng trưởng công nghiệp. Qua đánh giá của các chuyên gia trong nước và quốc tế Việt Nam đang rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Do vậy cần làm rõ những nguyên khách quan và chủ quan để bổ sung hoàn thiện cho chính sách phát triển công nghiệp của Việt Nam.

Công nghiệp Việt Nam: 30 năm chưa chọn được ngành “mũi nhọn”
Phát triển cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực là hai điểm nghẽn của Việt Nam trong phát triển công nghiệp.

Vẫn chưa chọn được ngành mũi nhọn!

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Theo Ban Kinh tế Trung ương, nhìn lại chặng đường phát triển kinh tế - xã hội qua 30 năm đổi mới (1986-2016) còn nhiều bất cập do chính sách thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán, dàn trải, nguồn lực không tập trung cho phát triển hay nói cách khác là chính sách chưa xuất phát từ thực tiễn sản xuất công nghiệp cần, chưa giải quyết được yêu cầu của thực tiễn phát triển ngành công nghiệp.

Trên thực tế, phát triển công nghiệp của Việt Nam vẫn còn "loay hoay" với việc lựa chọn ngành công nghiệp "mũi nhọn". 

Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ duyệt lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Theo Chiến lược, các ngành công nghiệp được lựa chọn ưu tiên phát triển là ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành Điện tử và Viễn thông; ngành Năng lượng mới và năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, đến nay, kết quả phát triển của các ngành công nghiệp mũi nhọn và ưu tiên đều rất khiêm tốn. Phần lớn các ngành chế tạo, điện tử do các doanh nghiệp FDI dẫn đầu chủ yếu mới chỉ dừng lại ở khâu lắp ráp, sử dụng nhân công giá rẻ, ưu đãi về đất đai hạ tầng và thuế. Đầu tư phát triển chiều sâu chưa nhiều.

Theo đề án “Định hướng chính sách phát triển công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2035”, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, để có thể xác định được các ngành mũi nhọn, cần phải dựa trên cơ sở phân tích thực trạng và tiềm năng của nền kinh tế quốc dân trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh trong khu vực và trên thế giới. 

Theo Ban Kinh tế Trung ương, trên cơ sở tập hợp những ý kiến từ các nhà khoa học, đại diện một số doanh nghiệp, việc tập trung phát triển ứng dụng công nghệ sinh học trong nuôi trồng chế biến nông, thủy sản đi đôi với việc xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung là một trong những hướng đi cần được tập trung ưu tiên. Đây là lĩnh vực mà thời gian đầu tư không quá dài và vốn đầu tư không quá lớn, có thể đem lại hiệu quả ngay trong trung hạn, thậm chí là ngắn hạn, phù hợp với tiềm năng, lợi thế thiên nhiên, xã hội (nguồn lao động) của Việt Nam.

Dệt may và da giầy cũng là một lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh với những ưu thế về lao động, vị trí địa lý và ban đầu đã có sự tích tụ và lợi thế quy mô, các nguồn vốn xã hội. Đây là những yếu tố quan trọng để có thể phát triển công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực dệt may và da giầy, tạo bước phát triển đột phá trong lĩnh vực này.

Hiện nay, ngành sản xuất lắp ráp điện tử tin học đang đạt đến độ tích lũy cao khi thu hút được một lượng lớn các nhà sản xuất lắp ráp đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ. Có thể khẳng định đây là một cơ hội lớn để Việt Nam có thể tiếp nhận được sự lan tỏa từ các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực này. Vấn đề còn lại là Việt Nam cần có được môi trường thuận lợi để khuyến khích các doanh nghiệp này tiếp tục đầu tư chiều sâu, thực hiện nhiều hơn các công đoạn trong chuỗi giá trị của sản phẩm trên lãnh thổ Việt Nam, đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực để có thể học hỏi và trở thành đối tác, nhà cung cấp của các doanh nghiệp FDI.

Nhân lực là điểm nghẽn của Việt Nam

Ban Kinh tế Trung ương nhìn nhận, phát triển cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực là hai điểm nghẽn của Việt Nam trong phát triển công nghiệp. Trong đó, cơ cấu ngành nghề đào tạo nguồn nhân lực hiện nay chưa sát với nhu cầu phát triển nền kinh tế và nhu cầu lao động của doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân hạn chế về kiến thức, năng lực kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, tính tuân thủ không cao,… 

Báo cáo dẫn kết quả điều tra của Ngân hàng hợp tác Quốc tế Nhật Bản (Japan Bank for International Cooperation, JBIC) trong các năm gần đây đều cho thấy, những điểm yếu cơ bản của môi trường kinh doanh tại Việt Nam là cơ sở hạ tầng kém phát triển, thiếu lao động quản lý, kỹ sư, kỹ thuật viên, lao động được đào tạo và sự thiếu hụt của công nghiệp hỗ trợ. Các hạn chế này đều sâu sắc hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp như Thái Lan, Trung Quốc. 

Theo Ban Kinh tế Trung ương, nguồn nhân lực của Việt Nam vẫn chủ yếu là nhân lực phổ thông, chưa qua đào tạo, trong khi đó, nhân lực chất lượng cao lại chiếm tỷ lệ rất thấp. Chất lượng lao động không chỉ thấp mà còn mất cân đối về ngành nghề, vùng miền. Khả năng của các cơ sở đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. 

“Để có thể thực hiện việc chuyển biến nguồn nhân lực phổ thông thành nguồn nhân lực chất lượng cao đòi hỏi thời gian cũng như sự phối hợp đồng bộ giữa các chính sách. Tận dụng sự hỗ trợ của các đối tác chiến lược trong phát triển công nghiệp như Hàn Quốc và Nhật Bản trong phát triển nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng là một hướng đi cần được thực hiện một cách sâu sắc hơn”, Ban Kinh tế Trung ương đánh giá.

Cũng theo cơ quan này, rất nhiều các chuyên gia và học giả Nhật Bản đều cho rằng Việt Nam là quốc gia duy nhất tại Châu Á có thể tiếp thu và phát huy tinh thần sản xuất Monozukuri của Nhật Bản và trở thành đối tác hàng đầu của Nhật Bản trong chuyển giao công nghệ sản xuất.

Theo đó, Việt Nam cần tận dụng chủ trương xây dựng nền tảng công nghiệp Châu Á của Nhật Bản để nâng cao năng lực công nghệ của mình. Có thể cần tranh thủ tận dụng nguồn nhân lực, đặc biệt là các kỹ sư ở độ tuổi về hưu của Nhật Bản. Trong thời gian sắp tới, khi hàng loạt các kỹ sư Nhật Bản đến độ tuổi về hưu, họ vẫn có đủ sức khoẻ và lòng nhiệt tình để tiếp tục cống hiến. Việt Nam có thể là địa chỉ lý tưởng cho các kỹ sư này truyền lại các kinh nghiệm quý giá của họ.

Ban Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, song song với đó, cần tăng cường xuất khẩu lao động, không chỉ là lao động giản đơn mà cả các kỹ sư trẻ có tài năng vào Nhật Bản và Hàn Quốc.

“Cần có một sự nhìn nhận phù hợp hơn đối với việc các kỹ sư Việt Nam sau khi đi học được tạo điều kiện ở lại và làm việc tại Nhật Bản và Hàn Quốc, coi đây là một cơ hội tốt nhất cho họ tích luỹ kinh nghiệm và trưởng thành. Trong tương lai, họ sẽ có những đóng góp to lớn hơn vào việc phát triển đất nước”, báo cáo cho hay.

 Phương Dung

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm