Công nghệ Đài Loan trước cơ hội mở rộng thị phần trong thời đại 4.0 tại Việt Nam
(Dân trí) - Từ ngày 2 – 5/7/2019, Triển Lãm Máy Móc Thiết Bị thường niên MTA Vietnam 2019 diễn ra tại SECC (Q7, TPHCM). Bên lề sự kiện đó, Hiệp hội Xúc tiến Thương mại Đài Loan tại TPHCM (TAITRA) tổ chức chuyến tham quan và gặp gỡ một số doanh nghiệp Việt ứng dụng công nghệ Đài Loan.
Năm 2018, lượng máy móc từ Đài Loan nhập khẩu vào Việt Nam đạt 122 triệu USD, đưa Đài Loan trở thành nước nhập khẩu lớn thứ tư tại thị trường này.
Theo đại diện của Hiệp Hội phát triển thương mại Đài Loan (Taitra) tại Việt Nam, thì để đi tắt đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Đài Loan đang tập trung thúc đẩy phát triển các công nghệ cốt lõi cũng như ứng dụng để chúng có thể phù hợp với các nhà máy thông minh 4.0.
Mục tiêu của Đài Loan là không chỉ hiện đại hóa và thông minh hóa các nhà máy tại Đài Loan mà còn ở các quốc gia láng giềng lân cận khác, nên họ đã định hướng cho các doanh nghiệp sản xuất máy công cụ hay các công ty phát triển dịch vụ/giải pháp ở mọi phân khúc thị trường, phải tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu trong nước, quốc tế lẫn tương lai.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam chọn các đối tác Đài Loan trong suốt một quá trình hợp tác lâu dài. Trong đó có thể kể đến Công ty Cơ khí Duy Khanh, doanh nghiệp tiên phong có nhập máy công cụ chính xác Đài Loan từ năm 1997, gồm máy phây CNC, máy bắn tia lửa điện, máy cắt dây, máy mài phục vụ chính cho việc làm khuôn mẫu và các chi tiết máy,… Theo ông Đỗ Phước Tống – Chủ tịch Hội đồng Thành viên của Công ty Cơ khí Duy Khanh kiêm Chủ tịch Hội doanh nghiệp cơ khí - điện TP. HCM: “Máy CNC Đài Loan chất lượng tốt mà giá cả phải chăng, mức dung sai thấp, đáp ứng được các yêu cầu của khách hàng và sản xuất sản phẩm bằng nhiều chất liệu khác nhau cung ứng cho thị trường Việt Nam và quốc tế.”
Cùng với kinh nghiệm trong tự động hóa công nghiệp và hệ thống tích hợp sản xuất thông minh, cũng như chất lượng và giá thành hợp lý, các sản phẩm/công cụ/dịch vụ để tạo ra một dây chuyền sản xuất thông minh Đài Loan đang rất thích hợp với khả năng cũng như nhu cầu của các doanh nghiệp – nhà máy Việt.
Theo ông Vanti Fan – Quản lý khu vực mảng Giải pháp tự động công nghiệp của công ty Delta Electronics, thuộc Tập đoàn Delta – Đài Loan, một nhà máy thông minh gồm 6 thành phần: các loại máy móc – robot tự động thông minh; được quản lý bởi một hệ thống thông minh; thông qua internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (iCloud); được cải tiến liên tục nhờ big data, học máy (machine learning) cùng sự phân tích của các chuyên gia; có thiết kế hệ thống điều khiển vật lý thông qua giả lập quy trình sản xuất cũng như hệ thống tiết kiệm năng lượng.
Có thể nói, máy móc thông minh Đài Loan sẽ là đòn bẩy tạo hiệu ứng khuếch tán, kích thích tăng trưởng nhanh chóng hàng năm về năng suất sản xuất cũng như giá trị gia tăng của sản phẩm. Trong giai đoạn công nghiệp 4.0, Đài Loan hướng đến mục tiêu phát triển phù hợp các công nghệ cốt lõi và ứng dụng tích hợp với các xu hướng địa phương, quốc tế và tương lai. Trong đó, Việt Nam là top thị trường ưu tiên của các doanh nghiệp sản xuất công cụ thông minh Đài Loan.
Thiên Kim