Còn nhiều trở ngại trong hợp tác giữa Việt Nam và các nước Trung Đông-Châu Phi
(Dân trí) - Việt Nam cùng các nước Trung Đông - châu Phi đều nỗ lực và tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, vẫn còn nhiều trở ngại trong hợp tác giữa Việt Nam và các nước này.
Tại phiên họp Hợp tác kinh tế: “Nâng cao hiệu quả hợp tác thương mại Việt Nam - Trung Đông - châu Phi”, trong khuôn khổ Hội nghị Gặp mặt Đại sứ các nước Trung Đông - châu Phi năm 2019 diễn ra chiều nay (9/9), Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng, thời gian qua, Việt Nam cùng các nước Trung Đông - châu Phi đều nỗ lực và tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt.
“Quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các quốc gia khu vực Trung Đông - châu Phi đang được tăng cường khởi nguồn từ mối quan hệ gắn bó trong thời kỳ chiến tranh giành độc lập. Bước sang giai đoạn xây dựng và bảo vệ đất nước, Việt Nam cùng các nước Trung Đông - châu Phi đều nỗ lực và tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt.” - Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, nhìn vào những vấn đề thực tế, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã chỉ ra không ít những thách thức trở ngại trong sự hợp tác giữa Việt Nam với các nước Trung Đông - châu Phi. Hai bên còn thiếu thông tin và sự hiểu biết sâu về thị trường, tập quán kinh doanh và hệ thống pháp luật của nhau; Xa cách về địa lý cũng là một trong những khó khăn chính dẫn đến hiệu quả kinh doanh chưa cao và sự quan tâm chưa đúng mức của các bộ, ngành doanh nghiệp hai bên.
Mặt khác, liên kết kinh tế giữa khu vực Trung Đông - châu Phi với khu vực Đông Nam Á nói chung và với Việt Nam nói riêng còn hạn chế. Theo Phó Thủ tướng, mặc dù là một nền kinh tế mở với 16 FTA, nhưng đến nay Việt Nam chưa ký kết FTA với bất kỳ nước nào trong khu vực.
Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng đề cập đến tiềm năng đẩy mạnh xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giữa Việt Nam và các nước Trung Đông - châu Phi. Việt Nam và các nước Trung Đông - châu Phi là đối tác thương mại quan trọng.
“Những năm gần đây, các quốc gia Trung Đông - châu Phi và Việt Nam đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Năm 2018, kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều đạt 20,5 tỷ USD, tăng 12%, trong đó, Việt Nam xuất khẩu được 11,7 tỷ USD. Hai bên đã tích cực trao đổi nông nghiệp, viễn thông...”, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết.
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cũng thông tin, riêng 7 tháng đầu năm 2019 đã có 25 quốc gia đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký hơn 207 triệu USD. Trung Đông và châu Phi là khu vực thị trường rộng lớn với tổng dân số là hơn 1,5 tỷ người. Đây là yếu tố tiềm năng và thế mạnh có thể thúc đẩy hợp tác phát triển giữa hai bên.
Việt Nam đang xuất khẩu sang khu vực này các mặt hàng như điện thoại, linh kiện điện tử, mặt hàng may mặc, dày dép, máy vi tính, sản phẩm điện, cao su, sắt thép, hàng thủ công mỹ nghệ... Việt Nam cũng cần nhập khẩu từ khu vực Trung Đông - châu Phi các mặt hàng như dầu thô, khí đốt hóa dẻo, kim loại thường, khí đốt, phân bón, thức ăn gia súc, hóa chất, thức ăn gia súc.
Trong phiên họp này, Yên Bái được nhắc tới là địa phương điển hình trong hợp tác kinh tế- thương mại với Trung Đông - châu Phi. Hiện tỉnh này có 10 sản phẩm chủ lực đã được xuất khẩu sang thị trường Trung Đông - châu Phi, trong đó có các đặc sản như quế, chè.
Ông Đỗ Đức Duy - Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái - cho hay, Yên Bái hiện có 25 dự án FDI đang thực hiện với tổng vốn đăng kí 405 triệu USD, trong đó có 1 dự án đến từ khu vực Trung Đông - châu Phi của nhà đầu tư Qatar. Đối với 14 dự án ODA, có 1 dự án phát triển hạ tầng giao thông đến từ quỹ Saudi Arabia của khu vực Trung Đông - châu Phi, với tổng mức đầu tư là hơn 11 triệu USD.
Châu Như Quỳnh