Còn nhiều DN không tiếp cận được nguồn vốn “sạch” từ ngân hàng phải vay tín dụng đen
(Dân trí) - “Các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp khởi nghiệp… khi hoạt đông sản xuất kinh doanh tài sản thế chấp hạn chế, không xây dựng được chữ “tín” nên không thể tiếp cận được nguồn vốn “sạch” từ ngân hàng dẫn đến “đói vốn” phải chuyển sang vay vốn tín dụng đen lãi suất cao thì nguy cơ phá sản 100%”, ông Phan Phước Lộc, giám đốc Công ty CP Đại Phước Long Cement chia sẻ tại hội nghị.
Chiều 8/5, tại Đà Nẵng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với UBND TP Đà Nẵng tổ chức hội nghị Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Phan Phước Lộc, Giám đốc Công ty CP Đại Phước Long Cement cho biết, doanh nghiệp rất khó tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của ngân hàng do chính sách, thủ tục quá rườm rà, thiếu tài sản đảm bảo, hệ thống tài chính kế toán doanh nghiệp không đúng chuẩn mực quốc tế.
“Các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp khởi nghiệp… khi hoạt đông sản xuất kinh doanh tài sản thế chấp hạn chế, không xây dựng được chữ “tín” nên không thể tiếp cận được nguồn vốn “sạch” từ ngân hàng dẫn đến “đói vốn” phải chuyển sang vay vốn tín dụng đen lãi suất cao thì nguy cơ phá sản 100%”, ông Lộc nói.
Ông Lộc cũng cho biết, đa số doanh nghiệp Việt Nam sử dụng vốn không đúng mục đích lẫn lộn giữa vốn đầu tư và vốn kinh doanh, khi đầu tư thời gian kéo dài, đội vốn lên cao, đến lúc đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh ngân hàng chậm giải ngân vốn kinh doanh, thậm chí không giải ngân dẫn đến thiếu vốn lưu động sản xuất kinh doanh nguy cơ phá sản 100%.
Vì thế, vai trò của nguồn vốn tín dụng ngân hàng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp rất quan trọng, là dòng máu lưu thông trong suốt để nuôi cơ thể doanh nghiệp được khỏe mạnh.
Ông Phan Phước Lộc, Giám đốc Công ty CP Đại Phước Long Cement chia sẻ tại hội nghị
Ông Lộc đề xuất khi ngân hàng tiếp nhận báo cáo tài chính của doanh nghiệp phải là báo cáo thật và phải có kiểm toán. Như thế, ngân hàng mới đánh giá được hết dòng vốn, sử dụng vốn vay có hiệu quả hay không thì mới có chính sách và cơ chế cho doanh nghiệp vay vốn hiệu quả.
Bên cạnh đó, đối với những doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả, có chữ “tín” được chứng minh thì tài sản thế chấp được vay 100% theo giá thẩm định, cho vay tín chấp theo chữ “tín” trong kinh doanh nhằm hạn chế doanh nghiệp vay tín dụng đen.
Ông Lộc cũng đề xuất các cơ quan nhà nước xây dựng chế tài xử lý nhằm hạn chế hoạt động cho vay nặng lãi, đồng thời các ngân hàng thương mại triển khai các sản phẩm dịch vụ ngân hàng phù hợp với các đối tượng doanh nghiệp nhằm cung cấp nguồn vốn lành mạnh cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinhh doanh.
"Ngân hàng nhà nước phải phân bổ nguồn vốn hợp lý, phải có cơ chế, chính sách thông thoáng và thuận lợi ưu tiên nguồn vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ để doanh nghiệp có đủ vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh", ông Lộc đề nghị.
Theo ông Trịnh Bằng Có – Tổng thư ký Hội du lịch Đà Nẵng, doanh nghiệp để nợ quá hạn thì không ai muốn cả trừ những doanh nghiệp lừa đảo, chuẩn bị phá sản, bỏ của chạy lấy người…
Có những doanh nghiệp khi đến ngày đáo hạn mà chưa có tiền, nên phải vay tín dụng đen với lãi suất cao.
“Ngân hàng có thể cho các doanh nghiệp vay trước để đáo hạn. Như vậy, tín dụng đen cũng sẽ hết đường sống”, ông Có đề xuất.
Thông qua Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, trong năm 2018, các Tổ chức tín dụng tại Đà Nẵng đã cam kết cho vay mới gần 6.965 tỷ đồng, trong đó đã thực hiện giải ngân gần 4.682 tỷ đồng cho 1.249 doanh nghiệp trên địa bàn, thực hiện hỗ trợ giảm lãi suất cho 6 doanh nghiệp với tổng số nợ được hỗ trợ là trên 533 tỷ đồng.
Kết quả triển khai các chương trình, chính sách tín dụng và chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp đã góp phần giúp TP Đà Nẵng đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng cuối năm 2018 là 26,59%, dư nợ cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt 41.433 tỷ đồng, từ đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của thành phố đạt 7,86%.
Khánh Hồng