“Con ngáo ộp”… với nhà đầu tư

Đánh thuế 2 lần trên tài khoản đầu tư của quỹ, làm giảm sức hút NĐT nước ngoài. Với cách tính thuế như vậy, việc các QĐT vốn vào các DNNVV phải đóng thuế cao hơn nhiều, vì một phần rất lớn DNNVV không phải là công ty đại chúng.

Không thu được thuế, còn hạn chế NĐT

Phát triển các quỹ đầu tư (QĐT) được coi là chia sẻ gánh nặng với Chính phủ trong huy động vốn dài hạn cho đầu tư, phát triển. Tuy nhiên, những quy định pháp luật, đặc biệt lĩnh vực thuế lại đang trở thành rào cản với các nhà đầu tư (NĐT) khi đầu tư vào QĐT.

“Con ngáo ộp”… với nhà đầu tư - 1
Cơ chế thông thoáng sẽ thu hút nhà đầu tư tham gia thị trường (Ảnh MH)

Lấy hình ảnh minh họa đầu rồng trợn mắt, giơ nanh vuốt, ông Lê Hoàng Anh – Giám đốc QĐT Dragon Capital cho rằng, chính sách thuế đối với QĐT dường như đang trở thành nỗi khiếp sợ với NĐT nước ngoài. Bởi theo ông, việc xác định thuế chuyển nhượng vốn đang được thực hiện theo 3 Thông tư 130/2008/TT-BTC; 134/2008/TT-BTC; 84/2008/TT-BTC và được cụ thể hóa trong Công văn 12501/BTC-CST do Bộ Tài chính ban hành ngày 20/9/2010. Theo đó, việc chuyển nhượng cổ phần trong các công ty đại chúng gọi là chuyển nhượng chứng khoán áp dụng thuế suất 0,1% doanh thu cho NĐT cá nhân, tổ chức nước ngoài và cá nhân trong nước. Tổ chức trong nước đóng thuế 25% trên lợi tức. Với chuyển nhượng cổ phần trong các CTCP không đại chúng gọi là chuyển nhượng vốn, NĐT là tổ chức sẽ áp thuế suất thuế TNDN là 25% trên lợi tức, NĐT cá nhân Việt Nam áp dụng thuế suất 20% trên lợi tức. Riêng NĐT cá nhân nước ngoài áp dụng thuế suất 0,1% trên tổng số tiền thu được từ việc chuyển nhượng phần vốn…

Với cách tính thuế như vậy, việc các QĐT vốn vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) phải đóng thuế cao hơn nhiều, vì một phần rất lớn DNNVV không phải là công ty đại chúng. Hơn thế với việc phân biệt mức thuế khác nhau giữa các pháp nhân, cá nhân nước ngoài và trong nước đóng dẫn tới NĐT trong nước phải đóng thuế cao hơn. Trong khi đó, Quy định này còn tạo những kẽ hở bằng cách khuyến khích NĐT có thể tạm thời đăng ký công ty đại chúng để hưởng mức thuế suất 0,1%. Hoặc có thể khiến các NĐT lách luật bằng cách chọn các cá nhân nước ngoài làm trung gian để hưởng thuế suất 0,1% trên doanh thu.

Câu chuyện lách thuế là hoàn toàn có thật và được nhiều NĐT áp dụng trong thời gian qua. Việc chỉ rõ NĐT nào là không cần thiết bởi chỉ cần chạy trên mô hình cũng cho thấy rõ những kẽ hở này. Cụ thể, công ty A mua 100 cổ phiếu XXX không đại chúng với giá 1.000 đồng. Sau khi đầu tư 1 năm, công ty A bán cho công ty B số cổ phiếu với giá 1.500 đồng. Trong trường hợp này lượng thuế TNDN của công ty A phải đóng là 25% nhân với mức chênh lệch giá là 500 đồng, tương đương với 125 đồng. Nếu công ty A không bán thẳng cho công ty B, mà chọn một cá nhân nước ngoài C làm trung gian cho 2 giao dịch theo cách A bán cho C với giá 1.000 đồng, C lại bán cho B với giá 1.500 đồng. Khi đó giao dịch C bán cho B chỉ phải chịu mức thuế 0,1%; tương đương với 1,5 đồng, trong khi giao dịch A bán cho C không phát sinh thuế vì giá bán bằng giá mua, không phát sinh lợi nhuận.

Chính sách thuế cần khuyến khích NĐT

Minh chứng trên đã cho thấy, chính sách thuế đối với các QĐT vừa thừa, lại vừa thiếu. Nhà nước không những không thu được thuế mà còn trở thành “con ngáo ộp” hạn chế NĐT, tạo kẽ hở để các NĐT trốn thuế. Điều này đã làm mất đi ý nghĩa của mục tiêu là phát triển các QĐT nhằm chia sẻ gánh nặng huy động vốn với Chính phủ, với nền kinh tế.

Từ thực tiễn hoạt động của mình, bà Bùi Thu Thủy - Giám đốc phát triển kinh doanh (Bộ phận dịch vụ chứng khoán HSBC) cho rằng, các quy định về chính sách thuế hiện nay đang tạo ra nhiều cách hiểu khác nhau ngay với chính các QĐT. Cụ thể, theo dự thảo thông tư thay thế Quyết định 45/2007/QĐ-BTC khi tổ chức đầu tư trong nước có trên 49% vốn nắm giữ bởi NĐT nước ngoài tham gia đầu tư trực tiếp vào TTCK hoặc thông qua QĐT trong nước được coi là nhà đầu tư nước ngoài. Với quy định này, vô hình trung chính sách thuế đối với QĐT trong nước được coi là NĐT nước ngoài. Bên cạnh đó, theo quy định của dự thảo thông tư thay thế Quyết định 45/2007 về Quy chế thành lập và quản lý QĐT chứng khoán cũng khiến bà Thủy hiểu rằng, QĐT này chịu thuế suất 0,1% trên doanh thu từ chuyển nhượng chứng khoán và 25% trên lợi nhuận chuyển nhượng vốn. Ngoài ra, NĐT là tổ chức phải chịu thuế 25% trên lợi tức được chia từ quỹ… Nếu đúng như vậy, NĐT nước ngoài đã bị đánh thuế hai lần trên khoản đầu tư vào quỹ.

Điều này làm giảm sức hút của QĐT trong nước đối với NĐT nước ngoài. Chính vì vậy, theo bà Thủy, để khuyến khích dòng vốn dài hạn, xây dựng chính sách thuế cần phải đứng trên cả lập trường của NĐT nước ngoài. Việt Nam chỉ là một trong số rất nhiều địa chỉ đầu tư của họ. Họ chỉ đầu tư khi thấy an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên chính sách thuế là lĩnh vực rễ so sánh nhất. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cần tuyền truyền rộng rãi để có cách hiểu thống nhất cả với NĐT trong nước và nước ngoài.

Đồng quan điểm này, ông Lê Hoàng Anh cho rằng, nên có mức thuế suất thể hiện sự đối xử phù hợp với rủi ro mà các NĐT, QĐT phải đối mặt khi đầu tư vào từng loại hình công ty khác nhau, không phân biệt NĐT nước ngoài hay trong nước, cá nhân hay tổ chức vì điều này đã nằm trong cam kết WTO. Bên cạnh đó, việc đầu tư, chuyển nhượng vốn tại các công ty không đại chúng nên có mức thuế suất ngang bằng với công ty đại chúng, niêm yết. “Bộ Tài chính cần thực hiện một mức thuế suất là 0,1% doanh thu cho cả hai loại hình chuyển nhượng vốn tại công ty không đại chúng và đại chúng, niêm yết hoặc cho phép NĐT được chọn lựa hai mức thuế suất 25% và 0,1% của doanh thu khi chuyển nhượng vốn tại công ty không đại chúng như đang áp dụng với NĐT cá nhân khi chuyển nhượng vốn tại các công ty đại chúng, niêm yết.

Ông Phạm Đình Thi - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế:

Thu 0,1% trên toàn bộ giá trị là thu tù mù NĐT không có cơ sở lưu trú tại Việt Nam khi chuyển nhượng cổ phiếu, ở công ty đại chúng là chuyển nhượng chứng khoán, ở công ty không phải là đại chúng là chuyển nhượng vốn. Về bản chất đều là chuyển nhượng vốn góp. Tuy nhiên, chính sách thuế đã có cách hành xử còn khác nhau.
Đúng là trong lúc TTCK tăng thì có vấn đề NĐT trong nước phải nộp thuế cao hơn NĐT nước ngoài. Còn trong giai đoạn hiện nay, khi NĐT phải mua mười bán tám thì họ chẳng phải nộp đồng nào. Vấn đề hiện nay là phải xác định được khoản thu nhập phải chịu thuế để thu 25% trên lãi thu được, chứ thu 0,1% trên toàn bộ giá trị là thu tù mù. Bộ Tài chính đang xin ý kiến để hoàn thiện chính sách thuế với QĐT, nếu thấy lĩnh vực này được ưu tiên, chúng tôi sẽ xây dựng lại mức thuế suất cho hợp lý hơn.


 

 
Theo Dương Công Chiến
Thời báo Ngân hàng