"Cởi trói" tín dụng: Cần tăng tốc để phá băng bất động sản
(Dân trí) - Nhấn mạnh tính cấp thiết của các giải pháp cứu thị trường BĐS, các chuyên gia cho rằng cần gỡ nút thắt tín dụng vốn đã bóp nghẹt thị trường và các doanh nghiệp suốt gần 1 năm qua càng sớm càng tốt.
Các doanh nghiệp kỳ vọng ngay sau Hội nghị tín dụng bất động sản ngày 8/2, Ngân hàng Nhà nước sẽ "tăng tốc" để có ngay những giải pháp thực sự hiệu quả nhằm kịp thời gỡ khó về tín dụng cho thị trường bất động sản (BĐS) như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đây sẽ là động lực quan trọng để tạo ra sự tăng trưởng cho cả nền kinh tế.
Tháo nút thắt tín dụng vốn
Hội nghị do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức ngày 8/2 nhận được sự quan tâm đặc biệt khi gần đây Thủ tướng Chính phủ liên tục thúc giục ngành ngân hàng tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho doanh nghiệp BĐS và người mua, đồng thời giảm chi phí để hạ lãi vay.
Tại cuộc họp, các nhà phát triển BĐS hàng đầu như Vingroup, Sun Group, Novaland, Hưng Thịnh… đã đồng loạt nêu ra 17 kiến nghị với NHNN. Đáng chú ý, các doanh nghiệp đều mong sớm được "cởi trói" về tín dụng - kênh dẫn vốn được xem là "lối thoát" để vực dậy thị trường trong bối cảnh cả kênh trái phiếu và cổ phiếu đều đang gặp khó.
Những tia hy vọng đầu tiên đã được thắp lên khi Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đề nghị các tổ chức tín dụng đáp ứng nhu cầu vay vốn của nền kinh tế trong đó có nhu cầu chính đáng của người dân vay mua nhà ở; tập trung nguồn vốn tín dụng vào các dự án khả thi, có pháp lý rõ ràng, minh bạch, sớm hoàn thành đi vào sử dụng, có khả năng tiêu thụ tốt, có khả năng trả nợ vay đầy đủ. Thống đốc NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng tiết giảm tối đa chi phí hoạt động để có dư địa giảm lãi suất cho vay.
Nhấn mạnh tính cấp thiết của các giải pháp "giải cứu" thị trường BĐS, nhiều ý kiến cho rằng chỉ đạo của người đứng đầu NHNN giống như "phát súng lệnh" nhằm vào nút thắt tín dụng vốn đã bóp nghẹt thị trường cũng như các doanh nghiệp suốt gần 1 năm qua.
"Cần có giải pháp cho thị trường bất động sản vì những cuộc suy thoái, khủng hoảng đều thường bắt nguồn từ khủng hoảng của thị trường bất động sản", chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nói.
Từ phía doanh nghiệp, ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch CEO Group, đánh giá cao những chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ cũng như sự vào cuộc của NHNN.
"Cuộc họp của NHNN thực sự rất tốt và cần thiết trong bối cảnh hiện tại để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp", ông Bình nói.
Tuy nhiên, ông Bình cũng kỳ vọng các biện pháp gỡ khó cho thị trường BĐS cần được tăng tốc và quyết liệt hơn bởi hàng nghìn doanh nghiệp BĐS đang lâm nguy và đang trông chờ dòng tín dụng như nắng hạn chờ mưa rào.
Phản bác một số ý kiến cho rằng không cần "cứu" BĐS, cứ để doanh nghiệp yếu kém bị thanh lọc, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ mới đây khẳng định, không nên nhầm lẫn giữa thị trường với doanh nghiệp. Doanh nghiệp chỉ là một cấu phần của thị trường. Cả một "hệ sinh thái" mấy chục ngành nghề liên quan với hàng triệu lao động mới là bài toán cấp bách đòi hỏi Nhà nước phải "giải cứu". Sự quyết liệt của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho BĐS không đơn thuần là để ngăn tình trạng doanh nghiệp đổ vỡ hàng loạt tạo gánh nặng cho nền kinh tế mà còn để "cởi trói" cho lĩnh vực có vai trò đầu tàu tăng trưởng.
"Khó khăn của thị trường BĐS xảy ra ở mức độ cao sẽ làm cho thị trường tín dụng bị ảnh hưởng do nợ xấu, làm mất niềm tin của nhà đầu tư. Việc Nhà nước sẽ đưa ra các biện pháp hỗ trợ, không đơn thuần là giải cứu mà nhằm phục hồi và lành mạnh hóa thị trường, xa hơn là ổn định nền kinh tế", GS. Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.
Cần làm nhanh, làm mạnh mẽ
Theo các chuyên gia, động thái của NHNN là minh chứng cho thấy tinh thần của Thủ tướng Chính phủ về gỡ vướng cho BĐS đang bắt đầu được biến thành hành động của từng bộ, ngành. Tuy nhiên, giống như việc cấp cứu người bệnh đang nguy kịch, thuốc dù tốt đến mấy cũng chỉ hiệu nghiệm khi đến kịp thời.
Chia sẻ sau hội nghị của NHNN, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, một lần nữa nhấn mạnh tín dụng BĐS là vấn đề cấp thiết, cần phải được tháo gỡ càng nhanh càng tốt. Ông Châu kỳ vọng ngay sau cuộc họp này, NHNN sẽ có những giải pháp hiệu quả, tránh tình trạng ngân hàng khẳng định không siết tín dụng và không thiếu tiền nhưng doanh nghiệp lại không thể tiếp cận được nguồn vốn, dẫn đến khó khăn cùng cực và phải giải thể hàng loạt.
Cũng theo ông Châu, năm 2022 vừa qua là năm khắc nghiệt nhất khi có tới 1.200 doanh nghiệp BĐS giải thể, tăng 38,7% so với trước đó. Năm 2023 là năm quyết định sống còn đối với các doanh nghiệp BĐS.
"Tình trạng tắc nghẽn về dòng tiền và thiếu thanh khoản nghiêm trọng nếu tiếp tục kéo dài có thể khiến hàng loạt doanh nghiệp chết trên đống tài sản. Nhu cầu của tất cả doanh nghiệp BĐS là được tiếp cận nguồn vốn tín dụng để vượt qua giai đoạn khó khăn", ông Châu hối thúc.
Trước sự thận trọng với nguy cơ lạm phát khiến Ngân hàng Nhà nước đắn đo trong chính sách điều hành tín dụng với BĐS, PGS. Trần Đình Thiên khẳng định tinh thần chung lúc này là phục hồi nền kinh tế và đừng quá lo ngại về lạm phát mà đánh mất thời cơ. Theo nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nước ta đang có đà tốt khi giữ được lạm phát ở mức thấp, ổn định kinh tế vĩ mô. Bởi thế, Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng thời cơ để "trỗi dậy".
"Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng về gỡ vướng cho BĐS cần phải được thể hiện thành cơ chế vận động thực tiễn. Đặc biệt, đây là việc cần làm nhanh, đi kèm với những cam kết mạnh mẽ của từng cơ quan để thực sự tạo được niềm tin cho doanh nghiệp, thị trường và nền kinh tế", vị chuyên gia góp ý.
Chung quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, thẳng thắn chỉ ra rằng việc nên làm nhất trong năm 2023 là tăng cung tiền hợp lý để thúc đẩy tăng trưởng. Với BĐS, chỉ cần chính quyền cấp phép thêm các dự án, doanh nghiệp có tiền để hoàn thiện, người dân được tiếp cận vốn vay là sẽ có thanh khoản. Thị trường sẽ nhanh chóng phục hồi vì cầu luôn có sẵn, thậm chí là rất lớn. Đây sẽ là cú hích quan trọng cho phát triển bởi 1% tăng trưởng BĐS sẽ tạo ra 1,4% tăng trưởng kinh tế.
"Khả năng để phục hồi thị trường BĐS của Việt Nam là rất lớn với điều kiện Chính phủ có biện pháp hỗ trợ thị trường và đặc biệt là hỗ trợ thanh khoản. Nếu đầu năm cung tiền tăng, thị trường sẽ phục hồi nhanh hơn. Giống như sản xuất, chứng khoán hay BĐS đều lệ thuộc hoàn toàn vào cung tiền", TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.