Coca-Cola “sẵn sàng được thanh tra thuế”

(Dân trí) - Cho biết chưa có lợi nhuận để nộp thuế TNDN song lãnh đạo Coca-Cola khẳng định, đã nộp ngân sách khá nhiều tại thuế thu nhập cá nhân, thuế VAT và thuế nhập khẩu. Đồng thời cho biết, không mạo hiểm đánh đổi 127 năm gây dựng thương hiệu để chuyển giá.

Ông Clyde: Chúng tôi khẳng định không chuyển giá (Ảnh: BD).
Ông Clyde: "Chúng tôi khẳng định không chuyển giá" (Ảnh: BD).

“Sẵn sàng được thanh tra thuế”

Những chất vấn về nghi án chuyển giá, trốn thuế liên tục được báo chí đưa ra trong dịp hai lãnh đạo cấp cao của Coca-Cola tới Việt Nam và có cuộc gặp chiều 6/6/2013.

Đáp lại thắc mắc của phóng viên, ông Clyde C. Tuggle - Phó Chủ tịch thứ nhất, Giám đốc bộ phận quan hệ công chúng và truyền thông của Tập đoàn đi thẳng vào vấn đề: “Chúng tôi khẳng định công ty không thực hiện việc chuyển giá”.

Trong khi đó, ông Irial Finan, Phó Chủ tịch điều hành của Tập đoàn này cho rằng, “Với nhãn quan của người làm kinh doanh và muốn phát triển lâu dài, tôi không tưởng tượng được vì sao lại phải làm những điều sai trái như vậy”.

Lãnh đạo Coca-Cola phát biểu, “chúng tôi không hiểu vì sao vấn đề đó lại được đưa lên vì chúng tôi tuân thủ mọi luật pháp ở những nơi mà chúng tôi hoạt động”.

Dẫn lời Warren Buffett, một cổ đông lớn của Coca-Cola, ông Irial nói, cần phải mất 30-40 năm để xây dựng một nhãn hiệu uy tín và Coca-Cola đã phải mất 127 năm để được công nhân là nhãn điều hàng đầu thế giới. Theo định giá của Inter Brand, trị giá thương hiệu Coca-Cola trên dưới 80 tỷ USD.

“Tại sao phải đổ hết tất cả công sức bao nhiêu năm chỉ vì một thời gian ngắn làm những điều sai trái nhằm thu lợi bất chính. Mọi thứ sẽ bị phá huỷ khi chúng tôi kinh doanh không nghiêm túc và tuân thủ pháp luật”.

Theo lời ông Irial, trong 4 dòng thuế lớn là thuế nhập khẩu, thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp thì trên thực tế, Coca-Cola chỉ chưa có điều kiện đóng thuế thu nhập doanh nghiệp cho Việt Nam.

“Ở Việt Nam, chúng tôi đóng thuế khá nhiều, chúng tôi chỉ chưa đóng thuế thu nhập doanh nghiệp do công ty chưa có lợi nhuận nhưng đã đóng rất nhiều loại thuế khác. Tất nhiên, một khi có lợi nhuận chúng tôi sẽ phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp”. Tuy nhiên, đại diện Coca-Cola không đưa ra con số cụ thể đóng hàng năm.

“Chúng tôi sẵn sàng được thanh tra thuế nếu Chính phủ muốn. Khi làm việc với cơ quan thuế Việt Nam, họ cũng công nhận là chúng tôi đã tuân thủ minh bạch các quy tắc tài chính” - ông Irial cho hay.
“Chúng tôi ý thức được mình là ai”
Trả lời câu hỏi của phóng viên về số việc làm địa phương tại Coca-Cola cho biết, hiện tại, số lao động trực tiếp địa phương đang làm tại Coca-Cola là 2.000 người. Trong trung hạn, công ty dự kiến tạo thêm khoảng 500 việc làm cho người lao động và sẽ tăng gấp đôi lao động khoảng 10 năm tiếp theo.

Tại các quốc gia khác, một công ăn việc làm trực tiếp tại Coca-Cola được cho biết tạo ra 6-10 việc làm gián tiếp tại những ngành nghề mía đường, sản xuất bao bì, vận tải… Ở Việt Nam, công ty chưa thực hiện khảo sát này.

Nói về thu nhập của người lao động, lãnh đạo Coca-Cola không đưa ra con số cụ thể mà cho biết, mức thu nhập bình quân nhân viên Coca-Cola nằm trên mức trung bình thu nhập tại các công ty khác. Lương nhân viên tại những khu vực khác nhau sẽ khác nhau.

Đồng thời, ông Irial cũng khẳng định, công nghệ máy móc hạ tầng mà Coca-Cola đầu tư ở Đà Nẵng, TPHCM, Hà Nội là những trang bị hiện đại.

Ngoài ra, Coca-Cola đang cố gắng biến mình thành một doanh nghiệp địa phương. Nguyên vật liệu và các nguồn đầu vào đều được mua tại địa phương, từ hộp thiếc, hạt nhựa, nắp chai cho tới bao bì, nhãn mác... “Đối với những nhà thầu không đủ năng lực, chúng tôi đến gặp họ, giúp đỡ để họ nâng cao năng lực và đáp ứng được nhu cầu của chúng tôi ở Việt Nam”, ông Irial cho hay. “Chúng tôi ý thức được mình là ai và phải làm gì cho xã hội”.

“Bạn hỏi vì sao lỗ mà chúng tôi vẫn đầu tư? Câu trả lời của chúng tôi xuất phát từ cái nhìn lâu dài. Với 127 năm tồn tại và hoạt động kinh doanh thuận lợi tại Mỹ, Coca-Cola đủ nguồn lực để đưa ra những đầu tư mang tính dài hơi, không bị trở ngại bởi những mục tiêu ngắn hạn. Tuy nhiên, chúng tôi chưa thể thể hiện mình là một gã khổng lồ tại một thị trường mà vẫn đang trong giai đoạn đầu tư”.

Vấn đề chuyển giá và trốn thuế của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam được "mổ xẻ" khá nhiều trên báo chí và căng thẳng tại các phiên toạ đàm một vài năm gần đây, nhất là ở Hội nghị Tổng kết 25 năm thu hút đầu tư nước ngoài.

Nhiều ý kiến quan ngại, bên cạnh những đóng góp lớn cho phát triển kinh tế thì nhiều doanh nghiệp FDI vẫn chưa có trách nhiệm xã hội tốt trong việc tăng chất lượng đãi ngộ cho người lao động, thường đưa máy móc thiết bị lạc hậu hoặc trung bình về, gây ô nhiễm môi trường và tiêu tốn năng lượng.

Đặc biệt tình trạng chuyển giá, trốn thuế gây thất thu ngân sách tại một số doanh nghiệp lớn đã làm xấu hình ảnh của toàn bộ 14.500 doanh nghiệp FDI đang hoạt động ở Việt Nam.

Theo Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, trước những hiện tượng chuyển giá của doanh nghiệp FDI, pháp luật không thể can thiệp giải quyết tức là bất lực: "bất lực từ cơ chế, bất lực từ hệ thống pháp luật". Trong khi đó Tổng cục Thuế thừa nhận, chỉ từ sau 2009 khi Thông tư 66 có hiệu lực thì ngành thuế mới chú trọng hơn tới phân tích rủi ro và tăng cường công tác thanh tra chuyển giá.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh thì lý giải, cái khó của ngành thuế là do chu trình sản xuất khép kín nên việc kiểm tra chi phí giá đầu vào và chi phí giá đầu ra không hề đơn giản trong điều kiện FDI toàn cầu.

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, để tránh tác động xấu đến môi trường đầu tư ở Việt Nam, việc điều tra sẽ chỉ áp dụng đối với một số doanh nghiệp FDI lớn có dấu hiệu chuyển giá.


Bích Diệp