"Cỗ xe song mã" giá dầu - vàng

(Dân trí) - Trong khoảng 3 năm gần đây, giá dầu đã tăng hơn 3 lần (từ 20 USD/thùng lên đến 77 USD/thùng), song hành với dầu, giá vàng cũng tăng từ 250 USD/oz đến 732 USD/oz. Giá vàng và giá dầu cùng đi lên và dễ dàng nhận thấy mối tương quan “nhân - quả” rõ nét.

Nguồn USD khổng lồ thu được từ xuất khẩu dầu mỏ thường được mua vàng, đẩy giá vàng tăng lên. Giá dầu tăng, chi phí sản xuất công nghiệp, dịch vụ cũng tăng khiến giá vàng tăng theo. Giá vàng sẽ còn tăng nếu xem xét mối quan hệ giữa sản xuất và tiêu thụ dầu của thế giới như sau:

Nhu cầu sử dụng dầu mỏ toàn cầu liên tục tăng. Năm 1997, mức tiêu thụ dầu của thế giới chỉ mới ở mức 74 triệu thùng/ngày. Năm 2002, con số đó đạt mức 78 triệu thùng/ngày. Tại thời điểm tháng 6/2006 lên tới 86 triệu thùng mỗi ngày (khoảng 1.000 thùng mỗi giây).

Trong tổng mức tiêu thụ dầu gia tăng của thế giới, Trung Quốc chiếm 23%, các nước châu Á còn lại chiếm 18%, Mỹ chiếm 11% và các nước khác còn lại là 48%. Số liệu thống kê ở Trung Quốc cho thấy, mức tăng trưởng của nhu cầu tiêu thụ dầu bằng 90% mức tăng trưởng GDP. Chỉ số bình quân này của thế giới vào khoảng 40%.

Lật lại vấn đề, các nhà phân tích tính rằng, giả thiết trong 10 năm tới, mức tăng trưởng GDP bình quân của thế giới là 3,5% (41% trong 10 năm). Giả thiết tỷ suất tăng nhu cầu sử dụng dầu vẫn là 40% thì mức tiêu thụ dầu của toàn cầu vào năm 2016 sẽ là trên 100 triệu thùng/ngày, một con số khổng lồ.

Về mặt cung dầu trong 10 năm tới, các nhà phân tích tính đến một khả năng là khu vực Trung Đông có khả năng tăng sản lượng gấp đôi hiện nay. Venezuela cũng sẽ tăng cường khoan thêm nhiều giếng dầu. Nigeria và Nga có trữ lượng dầu tiềm năng cũng sẽ đẩy nhanh tốc độ khai thác.

Các nước châu Á khác cũng có khá nhiều nguồn dầu chưa được khai thác. Canada có lượng dầu trong cát (oil sands) khá lớn và nhiều nguồn dầu ở các khu vực khác trên thế giới mà các nhà sản xuất đang tìm kiếm.

Tuy nhiên, theo quy luật chung, quá trình khai thác từ các giếng dầu là: “Tăng, tăng nhanh, tăng vừa, lên đến đỉnh và rồi giảm xuống từng bước”. Các chuyên gia ngành dầu khí nhận định rằng, khi sản lượng dầu thế giới đã đến đỉnh rồi thì mô hình về nhu cầu sử dụng và giá cả sẽ không còn như cũ nữa mà sẽ tăng nhanh.

Những năm gần đây, việc bình ổn giá dầu thế giới dựa vào hiệu quả tăng sản lượng dầu của OPEC. Nhưng hiện, thế giới đã bước vào thời kỳ mức sản xuất dầu không đuổi kịp mức nhu cầu tiêu thụ và khả năng khống chế giá dầu vẫn thuộc về OPEC.

Rất tiếc là trong một cuộc thảo luận gần đây của OPEC về vấn đề này, chưa có được một tiếng nói đồng thuận. Arập Xêut cho rằng, họ có khả năng tăng sản lượng, nhưng họ đã không tăng đến mức đỉnh cao nhất (tháng 4/2003, khi chiến tranh nổ ra tại Iraq, sản lượng dầu của Arập phải “gồng” lên đạt 260,1 tỷ thùng, chiếm 24% tổng sản lượng thế giới).

Iraq cho biết họ cũng có khả năng tăng sản lượng dầu nếu sản xuất được khôi phục lại nhưng xem ra tình hình xung đột vũ trang tại nước này chưa thể sớm chấm dứt. Với các nước sản xuất dầu ngoài OPEC, sản lượng dầu cũng đã đến đỉnh hoặc đang tiến đến đỉnh.

Rõ ràng, giá dầu sẽ tăng cao trong những năm tới và theo đúng quy luật giá vàng cũng sẽ tăng theo.

Việt Thắng (Theo GoldSeek)