Có tiền nên đầu tư vào đâu năm 2014?

Theo các chuyên gia, gửi tiền ngân hàng vẫn là lựa chọn tối ưu trong năm 2014, khi các chỉ số và cơ hội đầu tư ở những lĩnh vực khác (vàng, chứng khoán, ngoại tệ, bất động sản) không có nhiều điểm sáng nổi bật.

(Hình minh họa)
(Hình minh họa)
 

Trao đổi với PV, PGS. TS Ngô Trí Long cho rằng, kinh tế năm 2014 được dự báo vẫn tiếp tục còn nhiều khó khăn, thậm chí còn khó hơn cả năm 2013. Trong 5 cửa đầu tư truyền thống, đem tiền gửi ngân hàng vẫn là thượng sách.

Theo ông Long, do nền kinh tế được nhận định vẫn trong giai đoạn cầm cự, phục hồi rất chậm. Có thể khẳng định là thị trường bất động sản sẽ còn khó khăn. Hy vọng sẽ ấm lên nhờ những giải pháp đúng.

Theo dự báo của các tổ chức và định chế tài chính thế giới, giá vàng năm 2014 sẽ tiếp tục giảm. Trong nước, thị trường sẽ tiếp tục được quản lý chặt chẽ. Vì vậy, “sóng” vàng sẽ ít có khả năng xảy ra, nhất là trong bối cảnh giá vàng đã được dự báo giảm. Với nhà đầu tư, cần hết sức thận trọng khi bỏ tiền vào vàng. Để “chơi” với vàng, theo TS Ngô Trí Long, cần nắm và hiểu rõ thị trường này nếu không rủi ro sẽ rất lớn.

Với ngoại tệ, tỷ giá cũng được thông báo sẽ chỉ tăng không quá 2%. Với kịch bản được định sẵn như vậy, việc đầu tư vào kênh này cầm chắc không có nhiều lợi nhuận. Tuy nhiên, việc “neo” tỷ giá cụ thể ở mức nào trong bối cảnh cạnh tranh trong khu vực ngày càng khốc liệt cần được cân nhắc (vì sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu).

Năm 2014, thị trường chứng khoán được dự báo khó có sự khởi sắc. Đây là kênh đầu tư phụ thuộc nhiều vào “sức khỏe” của nền kinh tế.

“Các kênh đầu tư như bất động sản, gửi tiết kiệm, ngoại tệ và vàng, trước mắt có thể nhìn thấy rõ việc gửi tiền tiết kiệm vẫn là lựa chọn an toàn và hiệu quả nhất. Gửi tiết kiệm sẽ tránh được rủi ro, đồng thời đảm bảo được lãi suất dương cho người có tiền”, ông Long phân tích.

Đồng quan điểm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm cho rằng, việc bỏ tiền đầu tư vào lĩnh vực nào trong năm 2014 là câu hỏi không dễ trả lời. Các kênh đầu tư nào cũng có độ rủi ro nhất định. “Kênh ổn định và tích cực nhất hiện nay chính là gửi tiền tiết kiệm”, ông nhận định.

Theo phân tích của ông Kiêm, thị trường chứng khoán sẽ có những yếu tố tích cực trong năm 2013, nhưng sẽ không có nhiều đột biến. Mặc dù chất lượng của các doanh nghiệp niêm yết được cải thiện hơn (do nhiều doanh nghiệp yếu kém hoặc doanh nghiệp vì lý do khác đã rút khỏi thị trường trong 2013), nhưng lợi nhuận sẽ không nhiều.

Với kênh đầu tư vàng, thị trường mới đi được nửa quãng đường. Chỉ khi nào giải quyết được việc vàng dự trữ trong dân đưa vào sản xuất kinh doanh và có liên thông với giá vàng thế giới, khả năng sinh lời cao mới có. Ông Kiêm cũng không kỳ vọng nhiều với thị trường bất động sản. Lợi nhuận có thể tìm thấy ở phân khúc giá thấp, nhưng chắc sẽ không có nhiều cơ hội do “hàng tồn kho” vẫn còn rất lớn.

“Đứng về mặt điều hành chính sách, nếu người dân đổ xô vào gửi tiền ngân hàng, không có luồng tiền đi vào sản xuất kinh doanh, sẽ không giúp tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Đây chỉ là cách bảo toàn đồng tiền trong bối cảnh chưa tìm được kênh đầu tư hiệu quả. Tốt nhất là làm sao để người dân bỏ tiền đầu tư vào sản xuất kinh doanh, thu lợi nhuận cao hơn. Khi đó nền kinh tế mới lành mạnh được”, ông Kiêm nói.

Ông Kiêm cũng cho rằng, rót vốn vào trái phiếu Chính phủ cũng có thể là một lựa chọn, nhưng đây là “sân chơi” chủ yếu của các ngân hàng (để bảo toàn vốn và nhằm giảm bớt lãi suất phải trả cho người dân trong bối cảnh cho vay ra còn nhiều khó khăn). “Để người dân, nhà đầu tư có được lợi nhuận thật sự, nền kinh tế cần có sự cắt khúc, đi sang một đường ray mới với sự phát triển bền vững ở nhiều lĩnh vực”, ông Kiêm phân tích.

Thống đốc khuyên gì?

TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, nếu người dân có nhiều tiền nên chia ra nhiều giỏ. Trong đó một phần nên “đặt” ở ngân hàng, một phần đầu tư vào những doanh nghiệp niêm yết có chỉ số lành mạnh, tiềm năng phát triển cao (dù không loại trừ những biến động bất thường có thể xảy ra).

Dưới góc độ điều hành chính sách, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình trong chương trình “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời” tuần qua cũng khẳng định năm 2014, gửi tiền vào ngân hàng vẫn là một kênh an toàn và hiệu quả nhất.

Thống đốc Bình cho rằng, đến nay có thể khẳng định đã thành công một bước vững chắc trong việc ổn định tiền đồng. Thực tế đã chứng minh, cả năm 2013, mức biến động của tỷ giá chỉ ở mức 1%; cùng mức sụt giảm giá vàng tới gần 25%; lãi suất 9%, cho thấy: Khó có kênh nào hiệu quả hơn gửi tiết kiệm.

Theo dự báo của các tổ chức và định chế tài chính thế giới, giá vàng năm 2014 sẽ tiếp tục giảm. Trong nước, thị trường sẽ tiếp tục được quản lý chặt chẽ. Vì vậy, “sóng” vàng sẽ ít có khả năng xảy ra, nhất là trong bối cảnh giá vàng đã được dự báo giảm. Với nhà đầu tư, cần hết sức thận trọng khi bỏ tiền vào vàng. Để “chơi” với vàng, theo TS Ngô Trí Long, cần nắm và hiểu rõ thị trường này nếu không rủi ro sẽ rất lớn.

 
Theo Phạm Tuyên
Tiền Phong

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước