“Có tiền không tiêu được” vì hàng loạt yếu kém “không thể biện minh hay chối cãi”

(Dân trí) - Với tinh thần thẳng thắn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã thay mặt Chính phủ nhận trách nhiệm trước Quốc hội về tình trạng chậm giải ngân, phân bổ vốn đầu tư công, gây ảnh hưởng đến tăng trưởng. Ông đã chỉ ra hàng loạt những nguyên nhân yếu kém tại các bộ, ngành khiến công tác này rơi vào tình trạng “có tiền nhưng không tiêu hết”.

Các bộ, ngành “thích ôm việc, việc gì cũng muốn”

“Chia lửa” với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng để giải trình thêm với Quốc hội về các vấn đề liên quan đến giải ngân, phân bổ vốn đầu tư công trong cuối phiên chất vấn sáng nay (15/6), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thẳng thắn: Việc giải ngân vốn đầu tư công cả năm 2016 và 5 tháng đầu năm 2017 tuy có cao hơn cùng kỳ nhưng còn chậm và không phân bổ hết dự toán, “có tiền không tiêu hết được”.

“Tôi nhấn mạnh thêm số tiền trong dự toán Bộ Tài chính và Chính phủ luôn bảo đảm, chúng ta không tiêu hết được”, Phó Thủ tướng lưu ý. Đây là một trong các nguyên nhân làm tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch và làm giảm hiệu quả sử dụng vốn.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ rõ hàng loạt yếu kém, tồn tại dẫn đến chậm giải ngân vốn đầu tư công.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ rõ hàng loạt yếu kém, tồn tại dẫn đến chậm giải ngân vốn đầu tư công.

Trước các đại biểu Quốc hội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói: “Dù nguyên nhân khách quan hay chủ quan hay xảy ra ở đâu, bộ, ngành nào, địa phương nào thì chúng tôi cũng nhận thức đây thuộc trách nhiệm của Chính phủ và Chính phủ nhận trách nhiệm với Quốc hội để hứa sẽ làm tốt hơn trong thời gian tới”.

Theo ông, nguyên nhân chủ quan là quan trọng và chủ yếu nhất. Ngay cả khi nêu về nguyên nhân khách quan, Phó Thủ tướng cũng dùng đến 2 từ “lúng túng”: Luật Đầu tư công mới có hiệu lực từ đầu năm 2015 và “còn nhiều lúng túng từ khâu ban hành văn bản đến khâu thực hiện”. Việc xây dựng và triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn cũng là chưa có tiền lệ nên “còn chưa có kinh nghiệm nhiều và còn lúng túng”.

Bên cạnh đó, việc các bộ, ngành và địa phương mất rất nhiều thời gian để rà soát, sắp xếp, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên để cắt giảm; Luật Đầu tư công và các pháp luật liên quan đến đầu tư công “siết chặt” nhằm để tránh thất thoát, dàn trải và nâng cao hiệu quả nhưng cũng có nhiều quy định mang tính chất thủ tục làm cản trở việc giải ngân.

Còn nguyên nhân chủ quan, Phó Thủ tướng nêu rõ, thứ nhất là chậm trong việc rà soát, phát hiện để sửa đổi kịp thời những bất hợp lý trong các văn bản hướng dẫn, các pháp luật liên quan đến đầu tư công và những vấn đề có thể phải trình Quốc hội để xem xét, sửa đổi những vấn đề cần thiết.

Thứ hai là nhiều bộ, ngành, địa phương chưa có kiên quyết và quyết liệt trong việc rà soát cắt giảm theo đúng tinh thần: Trước hết là thu hồi nợ đọng xây dựng cơ bản, các khoản ứng trước, ưu tiên tập trung cho các dự án quan trọng và cấp bách, những dự án sử dụng đối tác công tư, liên quan đến đối ứng cho các dự án ODA, sau đó mới bố trí cho những công trình khởi công mới.

“Các bộ ngành giằng xé rất nhiều các lựa chọn, có tình trạng việc nào cũng muốn, nên việc cắt giảm của các dự án rất khó khăn và thực tế đã rất mất công trong việc rà soát để cắt giảm”, lãnh đạo Chính phủ nêu.

Một vấn đề nữa là việc phân công, phân cấp, ủy quyền “chưa thực sự quyết liệt và hợp lý”, “vẫn còn tình trạng thích ôm việc ở các bộ và các ngành”. Theo đó, “vẫn còn tình trạng một số bộ thấy việc gì cũng quan trọng, việc gì cũng to nên để bộ làm còn phân cấp cho cấp dưới, địa phương chưa đầy đủ cũng chưa quyết liệt”.

Phó Thủ tướng: "Có tình trạng Bộ thấy việc gì cũng "to" và để Bộ làm"

Chưa xử lý nghiêm cán bộ, công chức nhũng nhiễu, yếu kém năng lực

Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ, công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, giữa địa phương với các địa phương “vẫn còn là một khâu yếu kém”.

“Chúng tôi cho rằng không thể biện minh hay chối cãi việc này, các bộ ở trung ương với nhau hay trong nội bộ từng bộ, rồi giữa bộ, ngành trung ương với địa phương. Một bộ phận cán bộ, công chức chưa đề cao trách nhiệm, còn nhũng nhiễu, yếu kém năng lực nhưng chưa được các tư lệnh ngành, lãnh đạo địa phương thay thế kịp thời và xử lý nghiêm” – trước Quốc hội, Phó Thủ tướng nói.

Tuy nhiên, ông cũng thông báo rằng, việc chỉ đạo của Thủ tướng và Tổ công tác đặc biệt cho đến nay đã cơ bản tháo gỡ khó khăn về thủ tục đầu tư, về thủ tục giải ngân, gắn trách nhiệm của bộ, ngành địa phương và người đứng đầu, công khai minh bạch đối với trách nhiệm để chậm trễ trong việc phân bổ, giải ngân đầu tư công. Nhờ đó, những vấn đề trong phạm vi quy định của các nghị định cơ bản đã được tháo gỡ.

Ông nhấn mạnh: “Chúng ta phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương thì mới có thể có chuyển biến trong thời gian tới được”.

Về vấn đề này, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chỉ đạo thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra kiểm toán, xử lý nghiêm các cán bộ tham mưu dù ở cấp nào làm chậm trễ trong quá trình phân bổ giải ngân và gây ra tiêu cực, thất thoát, tham nhũng trong lĩnh vực đầu tư công.

“Chính phủ cũng rất mong muốn Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội quan tâm thường xuyên đôn đốc và giám sát công tác này”, Phó Thủ tướng đề nghị.

Bích Diệp