Có thể trưng dụng chiếc máy bay bị bỏ rơi?

(Dân trí) - Nguồn tin mà chúng tôi có được, dự kiến trong ngày hôm nay 12/6, Cục hàng không Việt Nam sẽ có công văn tới đơn vị quản lý hàng không dân dụng của Campuchia liên quan đến vấn đề xử lý chiếc Boeing B727-200 đang nằm tại Nội Bài.

Trao đổi với Dân trí, Cục trưởng Cục hàng không dân dụng Việt Nam Phạm Quý Tiêu khẳng định: mọi phương án giải quyết đều phải đợi công văn phản hồi của Cục hàng không dân dụng Campuchia.

Trên thực tế, vấn đề xác định chủ sở hữu chiếc máy bay bị “bỏ rơi” kể trên vẫn là một dấu hỏi lớn. Trước đây, phía cơ quan quản lý sân bay Nội Bài đã nhiều lần gửi công văn tới hãng này nhưng không có phản hồi.

Trong trường hợp Royal Khmer Airlines (R.K.A) đã phá sản, toà án sẽ có phán quyết về tài sản thuộc về ai, đăng ký sở hữu ở đâu và không loại trừ khả năng R.K.A đi thuê máy bay từ hãng khác.

“Thế giới đã có công ước Cape Town về quyền của tàu bay. Trong trường hợp R.K.A có tham gia công ước Cape Town thì phải giải quyết theo nội dung của công ước này. Trong trường hợp đơn vị quản lý chiếc Boeing B727-200 kể trên sang lấy máy bay về thì phải trả chi phí sân đỗ (có nguồn tin cho biết số chi phí đậu đỗ tại Nội Bài mà hãng bay này còn “nợ” là rất lớn - PV) và đảm bảo 100% an toàn kỹ thuật bay. Tôi khẳng định lại, chúng ta phải chờ công văn từ phía đơn vị quản lý hàng không dân dụng của bạn, khi đó mới có đủ căn cứ để đề ra hướng xử lý” - ông Tiêu cho biết.

Trước câu hỏi có khả năng chiếc máy bay kể trên sẽ được trưng dụng tại Việt Nam hay không, một quan chức trong ngành hàng không Việt Nam cho rằng: điều này chỉ có thể xảy ra khi hãng chủ sở hữu chiếc máy bay phá sản, Cục Hàng không Campuchia đã xoá sổ đăng ký máy bay, phía cơ quan nhà nước của Campuchia đồng ý để Cục hàng không VN xử lý với điều kiện Hãng không có ý kiến gì thêm thì chiếc máy bay này có thể được trưng dụng vào công việc diễn tập cứu nạn cứu hộ của ngành hàng không Việt Nam.

Thông tin mà chúng tôi ghi nhận được, hiện phía Cục hàng không Campuchia đã xoá xổ đăng ký của chiếc Boeing B727-200 kể trên và  nhiều khả năng nó không thuộc sở hữu của hãng hàng không Campuchia.

Liên quan đến việc xử lý, ông Phạm Quý Tiêu cũng nhắc lại câu chuyện: vào năm 1975, nhiều máy bay do chính quyền cũ bỏ đậu đỗ tại sân bay của một nước bạn trong khu vực Đông Nam Á. Khi Việt Nam sang, đề cập tới chuyện mang về thì cơ quan quản lý sở tại đã tính mức phí sân đỗ cao gấp nhiều lần giá trị thực của máy bay nên chúng ta đành để lại…

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về hướng xử lý chiếc máy bay bị “bỏ rơi” này.

Phúc Hưng