Cổ phiếu Vingroup bất ngờ "quay xe" bị bán mạnh, nhóm penny lên ngôi
(Dân trí) - VN-Index điều chỉnh nhẹ phiên cuối tuần, nhưng "tội đồ" lại đến từ nhóm cổ phiếu lớn, trong đó có nguyên nhân đến từ tình trạng giảm giá ở VIC. Cổ phiếu penny tiếp tục tăng mạnh.
Cổ phiếu VN30 bị bán mạnh, VN30-Index đã lùi về sát VN-Index
Thêm một phiên điều chỉnh của VN-Index mà nguyên nhân chủ yếu đến từ nhóm cổ phiếu VN30. Với 21 mã giảm giá, VN30-Index hôm nay giảm 12,71 điểm tương ứng 0,82% xuống còn 1.532,24 điểm.
Trong khi đó, VN-Index cũng điều chỉnh nhẹ 0,09 điểm tương ứng 0,01% còn 1.528,48 điểm. Như vậy, VN-Index và VN30-Index hiện chỉ cách nhau chưa tới 4 điểm!
Trong khi VN30-Index đánh mất gần 13 điểm thì chỉ số VNSML-Index của dòng cổ phiếu vốn hóa nhỏ tăng mạnh 34,87 điểm tương ứng 1,55% còn VNMID-Index của dòng cổ phiếu vốn hóa trung bình cũng tăng 17,37 điểm tương ứng 0,76%.
Trên sàn Hà Nội, diễn biến thị trường có phần êm đềm hơn. HNX-Index tăng 8,95 điểm tương ứng 1,85% lên 493,84 điểm; UPCoM-Index tăng 1,22 điểm tương ứng 1,06% lên 115,6 điểm.
Đáng chú ý, ở phiên này, cổ phiếu sàn UPCoM có 324 mã tăng giá thì phân nửa trong số đó tăng trần (113 mã tăng trần). HNX có 159 mã tăng giá và cũng có 22 mã tăng trần.
Có thể thấy, thị trường đang phân hóa rất sâu sắc, đặc biệt là ở sàn HSX. Có thể chia thị trường thành hai thái cực: nhóm có cổ phiếu bất động sản và phần còn lại; nhóm có cổ phiếu penny và phần còn lại.
Trên các diễn đàn chứng khoán, giữa lúc người người, nhà nhà khoe lãi cổ phiếu bất động sản và lãi bằng lần với cổ phiếu penny thì nhóm nhà đầu tư giá trị, đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, các ngành nghề sản xuất lại ngầm ngùi "gồng lỗ" hoặc chỉ tăng trưởng giá trị danh mục (NAV) một cách khiêm tốn.
Quan sát phiên hôm nay, một số mã lớn trong rổ VN30 hồi phục và có mức tăng khá mạnh: POW tăng 4,7%; GAS tăng 3,7%; BID tăng 3,2%; MBB tăng 0,9%; VCB tăng 0,9%; MSN; VHM nhích nhẹ.
Tuy nhiên, VIC sau phiên tăng giá mạnh mẽ hôm qua thì nay quay đầu giảm 2,2% còn 102.200 đồng; VRE tương tự cũng "quay xe", đánh mất 2,4% còn 34.750 đồng. Nhiều cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng như TPB mất 2,4%; CTG mất 2,4%; STB mất 2,3%; VPB mất 1,6%.
Cổ phiếu của các công ty chứng khoán có phần khởi sắc hơn nhưng chủ yếu đà bứt phá nằm ở nhóm cổ phiếu nhỏ như CSI tăng trần 15%; ART tăng 6,5%; APS tăng 4,7%; DSC tăng 4,2%; PHS tăng 3,4%. Trái lại các "ông lớn" như VND , VCI, SSI, HCM lại giảm giá.
Giới đầu tư "dồn tiền" vào cổ phiếu nhỏ
"Bữa tiệc" của cổ phiếu penny tiếp tục sôi động, đặc biệt là ở những cổ phiếu thuộc lĩnh vực bất động sản. Nhiều mã tăng kịch biên độ sàn HSX và còn dư mua giá trần như AMD, NBB, SGR, BCM, DIG, FLC, NVT, VPH, LDG, QCG.
Cổ phiếu liên quan đến đại gia Trịnh Văn Quyết tiếp tục "đua trần" và tăng giá mạnh. KLF, AMD, FLC, HAI tăng trần; ART tăng 6,5%; ROS tăng 5,3%.
Riêng FLC còn dư mua giá trần gần 11 triệu cổ phiếu trong khi khớp lệnh gần 31,7 triệu đơn vị; HAI khớp 12,4 triệu đơn vị và còn dư mua trần 3,2 triệu đơn vị; AMD khớp gần 12,8 triệu cổ phiếu, dư mua trần gần 5,7 triệu đơn vị.
Hiện tại, chỉ còn duy nhất HAI là dưới mệnh giá (10.000 đồng), còn lại đều vượt mệnh. Thị giá của ROS đã là 16.000 đồng; ART là 18.100 đồng; FLC là 22.550 đồng; AMD là 10.250 đồng; KLF là 10.300 đồng.
Dòng cổ phiếu xây dựng và vật liệu cũng có diễn biến tích cực. ACC, DC4, LCG, NHA, TCD, TTB, CII, UDC, HID tăng kịch trần; DPG tăng 6,3%; DXV tăng 6,3%; C32 tăng 4,5%; PHC tăng 4%.
Phiên này VN-Index điều chỉnh nhưng thanh khoản thị trường cũng sụt giảm so với hôm qua. Khối lượng giao dịch trên HSX vẫn duy trì trên 1 tỷ cổ phiếu; giá trị giao dịch đạt 31.899,79 tỷ đồng.
Con số này trên HNX là 143,92 triệu cổ phiếu tương ứng 4.073,28 tỷ đồng và trên UPCoM là 169,13 triệu cổ phiếu tương ứng 2.527,17 tỷ đồng.
Hôm nay, khối nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 401 tỷ đồng trên toàn thị trường và bán ròng trên HSX tới 477 tỷ đồng. Hoạt động bán ròng của khối ngoại tập trung tại VRE và VIC với giá trị bán ròng lần lượt là 267 tỷ đồng và 160 tỷ đồng.