Cổ phiếu VinFast giảm, tài sản tỷ phú Vượng biến động ra sao?
(Dân trí) - Sau phiên đầu chào sàn tăng nóng, cổ phiếu VFS của VinFast quay đầu giảm trong 2 phiên liên tiếp. Chốt phiên giao dịch thứ ba, giá cổ phiếu tiếp tục giảm hơn 33% xuống còn 20 USD/cổ phiếu.
Sau cú nhảy vọt 68% ở phiên giao dịch đầu tiên trên sàn Nasdaq, cổ phiếu VFS của hãng xe điện VinFast đã giảm điểm trong 2 phiên giao dịch gần đây.
Trong phiên giao dịch ngày 17/8, ngay khi thị trường vừa mở cửa, cổ phiếu của VinFast được giao dịch ở mức giá 27,8 USD/cổ phiếu, giảm 6,6% so với phiên giao dịch trước. Sau đó, cổ phiếu này tiếp tục chịu áp lực giảm mạnh xuống mức 23,2 USD/cổ phiếu.
Chốt phiên giao dịch ngày thứ 3 trên thị trường chứng khoán Mỹ, cổ phiếu VFS về 20 USD/cổ phiếu, giảm hơn 33%. Mức giá này đã dưới giá tham chiếu 22 USD/cổ phiếu trong ngày đầu tiên chào sàn.
Cùng với đà giảm của cổ phiếu, khối tài sản của ông Phạm Nhật Vượng cũng giảm 11,3 tỷ USD, xuống còn 26,2 tỷ USD, tính đến ngày 17/8 theo Forbes. Với khối tài sản này, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã về hạng 58 trong danh sách người giàu của tạp chí này.
Trước đó, sau khi VinFast niêm yết trên sàn Nasdaq, Forbes đã cập nhật tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vào ngày 16/8 ở mức 77,2 tỷ USD, giàu thứ 16 thế giới.
Đà giảm của VFS cũng đi cùng xu hướng chung của thị trường chứng khoán Mỹ. Kết thúc ngày 17/8, chỉ số Nasdaq Composite đã có phiên giảm điểm thứ 3 liên tiếp khi mất 1,17%, xuống còn gần 13.317 điểm
Khối lượng cổ phiếu VFS được giao dịch trong phiên giao dịch thứ 3 cũng chỉ đạt hơn 1,83 triệu cổ phiếu, thấp hơn nhiều so với mức 3,1 triệu cổ phiếu trong phiên giao dịch thứ 2 và mức 6,9 triệu cổ phiếu trong phiên giao dịch đầu.
Với mức thị giá 20 USD/cổ phiếu, tổng giá trị vốn hóa thị trường của hãng xe điện VinFast tiếp tục giảm mạnh từ hơn 85 tỷ USD xuống còn 46 tỷ USD.
Chia sẻ về việc cổ phiếu VFS tăng mạnh ngày chào sàn, CEO VinFast toàn cầu Lê Thị Thu Thủy cho biết nguyên nhân giá VFS tăng mạnh trên sàn Nasdaq chủ yếu do thanh khoản thấp, khối lượng cổ phiếu giao dịch rất khiêm tốn, trong khi nhu cầu lại cao.
Trên thực tế, lượng lớn cổ phiếu do tỷ phú Phạm Nhật Vượng cùng cổ đông nội bộ nắm giữ không giao dịch, theo đó, lượng chuyển nhượng cổ phiếu trong phiên đầu tiên tại VFS là do các nhà đầu tư mua đi bán lại nhiều lần.
"Ngoài nhu cầu thị trường lớn thì nguyên nhân số lượng lưu hành ít nên đã đẩy giá cổ phiếu tăng mạnh như vậy", bà Thủy cho hay. Theo bà, diễn biến này cũng đã "đập tan" những mối hoài nghi đối với mức định giá VinFast đưa ra lúc ban đầu.