1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Cổ phiếu Sacombank bất ngờ lao dốc

(Dân trí) - Giữa lúc hàng trăm cổ phiếu trên hai sàn phục hồi mạnh và hứng khởi tăng giá, đẩy VN-Index tăng gần 5 điểm, vượt mốc 490 thì STB lại lao dốc thảm hại, mất tới 2.700 đồng/cp, ghi nhận mức thất thoát nặng nhất thị trường.

Chốt phiên giao dịch ngày 20/5, giới đầu tư không khỏi sửng sốt khi cổ phiếu STB của Sacombank bất ngờ lao dốc, mất tới 2.700 đồng mỗi đơn vị, lùi sâu xuống mức giá 19.100 đồng/cp. Đây cũng là mức thất thoát nặng nhất trên sàn TPHCM (HSX) ngày hôm nay. Khối lượng khớp lệnh STB chỉ đạt trên 180 nghìn đơn vị. 

Nhà đầu tư ngoại thực hiện bán ròng tại mã này với khối lượng mua vào chỉ 11,9 nghìn đơn vị trị giá 227,29 triệu đồng trong khối lượng bán gần 40 nghìn, trị giá 754,9 triệu đồng.

Diễn biến bất thường về giá của STB diễn ra ngay sau khi Sacombank công bố báo cáo thay đổi sở hữu cổ phiếu cổ đông lớn của ông Đặng Văn Thành – nhà sáng lập và nguyên là Chủ tịch của ngân hàng này. 

Theo đó, Sacombank đã bán 25 triệu cổ phiếu STB của ông Đặng Văn Thành trong phiên 10/5 để cấn trừ các khoản nợ và đầu tư tại các công ty con, thu về hơn 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngân hàng không công bố danh tính người mua. Đồng thời, giao dịch hơn 47 triệu cổ phiếu Sacombank của phiên trước đó cũng chưa được ngân hàng thông tin cụ thể người bán - người mua.
 
Hôm nay là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức bằng tiền 6% và cổ tức bằng cổ phiếu 14%. Đây cũng là lý do góp phần khiến giá STB giảm mạnh trong chiều nay.

Cổ phiếu Sacombank bất ngờ lao dốc
Cổ phiếu STB lao dốc sau khi Sacombank công bố đã bán xong 25 triệu trong tài khoản của ông Đặng Văn Thành.

Sau STB, một số mã khác có mức giảm đáng chú ý là SSC mất 2.000 đồng/cp, HOT giảm sàn, mất 2.000 đồng, HAR mất 1.600 đồng và thuần tuý giao dịch theo phương thức thoả thuận. DPM cũng mất tới 1.500 đồng.

Tuy nhiên, với 70 mã giảm trong khi có 141 mã tăng, VN-Index nới rộng biên độ tăng điểm so với cuối phiên sáng, đóng cửa tại 492,27 điểm, ghi nhận tăng 4,67 điểm tương ứng 0,96% - chính thức bứt khỏi mốc 490.

Trong khi đó, HNX-Index cũng đảo chiều tăng 0,59 điểm tương ứng 0,97% lên 61,04 điểm nhờ có 99 mã tăng và số mã giảm chỉ còn 67 mã.

Tại phiên kha mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIII, mặc dù Chính phủ nhận định triển vọng kinh tế năm 2013 còn nhiều khó khăn, khó đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 5,5% như đã đề ra. Song diễn biến của 4 tháng đầu năm có một số điểm sang.

Cụ thể, theo báo cáo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hiện mặt bằng lãi suất đã giảm khoảng 2-3%/năm so với cuối năm 2012. Dư nợ tín dụng đã tăng trở lại, đến cuối tháng 4 tăng 2,11% - cao hơn so cùng kỳ (4 tháng đầu năm 2012, dư nợ tín dụng giảm 0,2%).

Cùng với đó, thị trường ngoại hối và tỷ giá tương đối ổn định; dự trữ ngoại hối tăng cao, đạt trên 12 tuần nhập khẩu; niềm tin vào đồng tiền Việt Nam được nâng lên. Thị trường vàng được quản lý tốt hơn theo cơ chế mới, góp phần ổn định tỷ giá và kinh tế vĩ mô. Hoạt động của các tổ chức tín dụng an toàn, thanh khoản tiếp tục được cải thiện.

Trên thị trường chứng khoán, nhiều cổ phiếu đã diễn biến theo xu hướng tích cực dần về cuối phiên. Có những cổ phiếu khớp lệnh lớn như PET khớp trên 2 triệu đơn vị, ITD khớp gần 1,4 triệu và KBC khớp 1,2 triệu đều tăng trần.

HAG tiếp tục được mua vào mạnh, khớp toàn phiên trên 1,8 triệu cổ phiếu và tăng giá 300 đồng. PPC, GAS, CSM, REE đều khớp lệnh mạnh.

Khối lượng giao dịch hồi phục tại SHB, khớp phiên chiều mạnh đã đẩy toàn phiên lên gần 4,6 triệu cổ phiếu, PVX khớp trên 4,7 triệu đơn vị, SCR khớp 4,2 triệu và KLS, VCG, PVC khớp trên 1 triệu đơn vị mỗi cổ phiếu.

Khối ngoại mua mạnh NET, PVS, PVC, PGS; PPC, GAS, CSM, PET và VCB…

Mai Chi