Cổ phiếu ông Trịnh Văn Quyết “cháy hàng”; Đại gia Hồ Xuân Năng mất bộn tiền
(Dân trí) - Sau thông tin tích cực liên quan đến hãng bay Bamboo Airways, cổ phiếu FLC trên thị trường chứng khoán “cháy hàng”, cung không đủ cầu và tăng trần. Ngược lại, cổ phiếu VCS của Vicostone giảm kịch sàn, ảnh hưởng đến giá trị tài sản đại gia Hồ Xuân Năng.
Phiên giao dịch hôm qua (15/10), với thanh khoản đạt khá, các chỉ số trên hai sàn cơ sở đã giữ được đà tăng đến thời điểm kết thúc phiên. VN-Index tăng 1,73 điểm tương ứng 0,17% lên 993,57 điểm và HNX-Index cũng tăng 0,78 điểm tương ứng 0,74% lên 106,05 điểm.
Khối lượng giao dịch trên HSX đạt 193,97 triệu cổ phiếu tương ứng 4.324,78 tỷ đồng và con số này tại HNX là 27,97 triệu cổ phiếu tương ứng 399,46 tỷ đồng.
Phía tăng giá có ưu thế hơn hẳn so với phía giảm. Trên quy mô thị trường có tổng cộng 342 mã tăng, 41 mã tăng trần so với chỉ 278 mã giảm và 22 mã giảm sàn.
Dòng cổ phiếu ngân hàng tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt. Hôm qua, CTG, MBB, BID, VCB, VPB đều tăng giá và có ảnh hưởng tích cực đến VN-Index. Trên sàn Hà Nội, ACB và SHB là những mã có đóng góp đáng kể nhất cho HNX-Index.
Ngoài VCB giảm nhẹ 0,4% thì phần còn lại của nhóm ngân hàng đều tăng khá mạnh: MBB tăng 3,1%; CTG tăng 2,6%; LPB tăng 2,7%; VIB tăng 2,2%; ACB tăng 2,1%; SHB tăng 1,5%; HDB tăng 1,4%, TCB tăng 1,3%.
Ngoài nhóm ngân hàng thì cổ phiếu của các công ty chứng khoán và thuỷ sản cũng tăng mạnh. Nhóm bất động sản có sự phân hoá. Trong khi nhóm có thị giá nhỏ như FLC, TIG, HQC, AAV tăng giá tốt thì SZL, HDC, TDH, D2D, VRE, LDG lại giảm giá.
Phiên này, cổ phiếu FLC của Tập đoàn FLC “cháy hàng”. Mã này tăng trần lên 3.550 đồng/cổ phiếu và vẫn dư mua giá trần tới 14 triệu đơn vị, không hề có dư bán cuối phiên. Có vẻ như cổ đông và nhà đầu tư đang phản ứng tích cực với thông tin hãng bay của FLC là Bamboo Airways kỳ vọng sẽ niêm yết vào đầu năm tới với vốn hoá lên tới 1 tỷ USD.
Tại FLC, ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Hội đồng quản trị đang nắm giữ trực tiếp hơn 150 triệu cổ phiếu tương ứng 21,19% vốn điều lệ FLC.
Ngược lại, VCS của Vicostone giảm sàn mất 9.400 đồng/cổ phiếu. Cuối phiên, mã này có dư mua giá sàn hơn 62 nghìn đơn vị.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Vicostone là ông Hồ Xuân Năng chỉ nắm giữ trực tiếp gần 5,7 triệu cổ phiếu VCS tương ứng 3,55%, song doanh nghiệp của ông Năng là Công ty CP Tập đoàn Phượng Hoàng Xanh A&A lại sở hữu 128 triệu cổ phiếu VCS, chiếm tới 80% vốn điều lệ Vicostone.
Điểm tích cực trong phiên hôm qua là khối ngoại đã chấm dứt chuỗi 14 phiên bán ròng liên tiếp trên HSX, quay lại mua ròng nhẹ 26 tỷ đồng, tập trung vào NVL, VIC, VCB, VNM, BID. Khối nhà đầu tư này bán ròng VRE, ROS, HDB, VJC.
Theo nhận định của BVSC, VN-Index dự báo sẽ tiếp tục có biến động giằng co, đi ngang với các phiên tăng giảm đan xen trong vùng từ 980-983 điểm đến 998-1004 điểm.
Thị trường sẽ tiếp tục có diễn biến phân hóa mạnh giữa các nhóm cổ phiếu phụ thuộc vào thông tin kết quả kinh doanh quý 3 cụ thể của từng doanh nghiệp.
Các ngành dự kiến có kết quả lợi nhuận khả quan trong quý 3 theo dự báo của BVSC gồm có ngân hàng, bán lẻ, bất động sản, điện, cao su tự nhiên, cao su săm lốp… Cổ phiếu của các nhóm ngành này điều chỉnh vẫn được xem là cơ hội để mua vào cho các nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng tiền mặt cao.
Theo đó, chiến lược đầu tư dành cho nhà đầu tư là duy trì tỷ trọng danh mục ở mức 30-40% cổ phiếu. Đối với các nhà đầu tư vẫn đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao, tiếp tục canh bán trading giảm tỷ trọng về mức cân bằng trong các phiên thị trường tăng điểm, đặc biệt tại vùng kháng cự 1000-1005 điểm.
Mai Chi